Deloitte Việt Nam: 'Cạn vốn vẫn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt'
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty tư vấn và kiểm toán Deloitte Việt Nam nhận định một trong những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay sau đại dịch COVID-19 là khó khăn về tài chính.
Doanh nghiệp lui khỏi thị trường, thiệt hại là rất lớn
Tại Phiên thảo luận với chủ đề Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 ngày 18/9, Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng, 8 tháng đầu năm 2022, cùng với các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, nền kinh tế có các dấu hiệu phục hồi tích cực, với hơn 100 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Nhưng bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng khá cao, hơn 50 nghìn doanh nghiệp, với mức tăng là 38% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có thể một phần do hệ quả của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các doanh nghiệp không còn khả năng duy trì khả năng cạnh tranh hoặc cũng có thể do chính sự yếu kém trong nội tại quản trị của doanh nghiệp.
Theo bà Thanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách Nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động. Song, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng dễ bị tổn thương.
"Khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ rút lui khỏi thị trường vì họ không có khả năng vượt qua được khủng hoảng thì vốn doanh nghiệp đã đầu tư bị phá hủy, người lao động bị mất việc làm, mức độ bất bình đẳng trong xã hội có thể tăng lên".
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam.
Cạn vốn vẫn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp
Theo đánh giá của bà Thanh, trong hai năm ứng phó với tác động của đại dịch, phần lớn nguyên nhân khiến các doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hay giải thể là do khó khăn về tài chính, đặc biệt là dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên. Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là một trong những thách thức lớn nhất với doanh nghiệp Việt.
Bà Thanh dẫn lại một khảo sát gần đây nhất của Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) dựa trên phản ánh từ các tổ chức, hiệp hội cho thấy hầu hết các doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn tài chính, đặc biệt là việc thiếu vốn lưu động. Các doanh nghiệp không có hoặc có ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ tối thiểu.
Cùng đó là thách thức từ chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đã tăng từ đầu năm và tiếp tục chịu sức ép tăng trong thời gian tới, làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu thanh toán bằng USD, chi phí vận tải và logistics tiếp tục tăng…
Trong khi đó, với các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… việc VND tăng giá theo USD khiến các đồng tiền nội tệ ở những thị trường này bị mất giá so với VND, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu.
Ngoài ra, số lượng và lợi nhuận của đơn hàng sụt giảm do sự thắt chặt chi tiêu của người dân của các nền kinh tế lớn như Mỹ, hoặc các nước Châu Âu trong bối cảnh lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh khó khăn dòng tiền, vấn đề lao động cũng là một thách thức lớn. "Các doanh nghiệp bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch thì lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động – thiếu hụt cả số lượng và thiếu hụt kỹ năng của người lao động. Việc thiếu hụt kỹ năng đã và đang cũng là một trở ngại lớn đối với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đã tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu", bà Thanh nói.
Về khía cạnh đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa thực sự ưu tiên ngân sách, nguồn lực cho công tác R&D để nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh. Nguyên nhân chủ yếu do đại đa số doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên việc tiếp cận vốn và công nghệ vẫn còn hạn chế.
Cùng đó, doanh nghiệp còn gặp vướng trong việc tiếp cận thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thông tin thị trường như giá cả, loại mặt hàng, thị hiếu, các rào cản kỹ thuật của thị trường có nhập khẩu hàng Việt Nam…
Chẳng hạn trong bối cảnh các nước tham gia tại COP26 cùng cam kết đưa mức giảm phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050, một số thị trường lớn như EU, Mỹ đang đề xuất áp dụng "Cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (viết tắt là CBAM)", trong đó đưa ra các rào cản kỹ thuật, các quy định liên quan giảm phát thải buộc doanh nghiệp các nước xuất khẩu vào các thị trường này phải tuân theo và có thể đánh thuế các bon trong trường hợp các nước xuất khẩu không đáp ứng các quy định. Điều này cần có sự hỗ trợ tiếp cận thông tin cho các doanh nghiệp.
Đề xuất 4 nhóm hành động thiết thực
Nhìn nhận những tồn tại trên, theo bà Thanh bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh - sức chống chịu của doanh nghiệp trước các cú sốc và các thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay.
Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình phát triển tại thị trường trong nước đã bộc lộ năng lực cạnh tranh kém so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn thế, việc trải qua thời kỳ dịch bệnh vừa qua thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất dễ bị tổn thương khi có các cú sốc bất lợi từ bên ngoài như dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh.
Theo đó, nhóm tư vấn của Deloitte đề xuất 4 nhóm hành động thiết thực các doanh nghiệp nên thực hiện để đảm bảo tính Hoạt động kinh doanh liên tục – liên tục ứng phó với các rủi ro bất ổn không chỉ bởi đại dịch, mà trong mọi điều kiện:
Thứ nhất, các hành động cần ưu tiên cao để tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp, có hiệu quả tức thì, hoàn toàn trong khả năng thực thi và kiểm soát của mỗi doanh nghiệp, tập trung vào các ưu tiên quan trọng và lâu dài, quản trị dòng tiền.
Thứ hai, các hành động giúp tối ưu hóa hệ thống và doanh nghiệp hoàn toàn chủ động được trong khâu thực thi, tập trung vào thị trường và các sáng tạo để thích ứng với thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Xây dựng các chính sách gắn kết với các nhà cung ứng đảm bảo tính liên tục của chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng.
Thứ ba, các hành động mang tính chiến lược, dài hạn, là sự lựa chọn khôn ngoan của doanh nghiệp để phục hồi kiên cường, bền vững. Tập trung vào điều chỉnh/ thay đổi/ nâng cao chất lượng các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp; Tái thiết các nhóm sản phẩm trọng tâm; Tối ưu hóa thương mại điện tử.
Thứ tư, các hành động thực chất đến từ tư duy lãnh đạo doanh nghiệp doanh nghiệp về phát triển bền vững liên quan đến ESG - Môi trường, xã hội và quản trị tốt.