Đêm ấm tình thiện nguyện
BPO - “Tháng tròn tháng, năm tròn năm” - đó là câu nói ngắn gọn về cách làm thiện nguyện của chị Lê Thị Sáng (tiểu thương tại chợ Đồng Xoài thường gọi bằng cái tên thân thương là “Chùa ơi”) ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Với một cánh tay phải nguyên vẹn, tay trái bị teo do tai nạn và một chiếc xe máy cũ, 9 năm qua, dù nắng hay mưa, chị đều có mặt tại chợ Đồng Xoài đi xin từng phần rau, củ, quả, thịt của tiểu thương, ngay trong đêm chở đến các chùa, mái ấm tình thương hay các vùng còn nghèo, khó khăn, trao gửi những tâm tình đến họ.
Tết đến, xuân về, ai cũng muốn thu xếp công việc thật nhanh để về với gia đình. Riêng người phụ nữ này thì vẫn trọn vẹn việc thiện nguyện của mình như thế!
Khi người khó giúp người khó hơn
Chọn việc pha chế và bán cà phê, nước ngọt cho khách qua đường, với chị Lê Thị Sáng trước là để khẳng định bản thân người khuyết tật vẫn có giá trị, sau là có thu nhập hằng ngày cho gia đình. Cứ tưởng rằng, mỗi ngày của người phụ nữ này sẽ bắt đầu và kết thúc với việc bán nước giải khát như thế, nhưng không… 6 giờ chiều, khi trời nhá nhem tối, hàng quán đã dọn dẹp thì công việc yêu thích của chị lại mới bắt đầu. Chợ Đồng Xoài, nơi chị đến lúc này cũng đã tan chợ, lác đác người mua, đa phần là các tiểu thương dọn dẹp sau một ngày buôn bán. Như một thói quen, chị đi dọc các hàng, quán, tiểu thương vốn đã thân thuộc với hình ảnh này, họ liền gom góp, nào rau, củ, quả, thậm chí tôm, cá, hải sản… món nào còn sử dụng được thì bỏ túi, gửi chị Sáng chuyển đến các hoàn cảnh đang cần.
Chị Nguyễn Ngọc Ánh, tiểu thương bán rau tại chợ Đồng Xoài chia sẻ: Mình là một trong những người đầu tiên ở chợ hỗ trợ và đồng hành với Sáng. Ban đầu chỉ vài chục ki-lô-gam rau, củ, quả, dần dần các chị em xung quanh cũng biết nên chung tay với Sáng. Mỗi đêm nhìn Sáng chở những “tấm lòng” đến với mọi người, ở chợ ai cũng vui.
Ở chợ Đồng Xoài, người ta không gọi chị với tên thật là Sáng mà gọi bằng cái tên thân thương “Chùa ơi”. Cứ thấy chị xuất hiện, người ta sẽ í ới: “Chùa ơi, rau để đây nhé”; “Chùa ơi, nhớ lấy rau bên này”… Và chính những tình cảm đó nên thời tiết dù có thuận lợi hay mưa gió, chị vẫn cần mẫn với việc làm của mình. Sự tin tưởng, cảm mến của các tiểu thương vì thế cũng tăng lên hằng ngày. “Trời mát thì đỡ, chứ mấy hôm trời mưa, cô ấy trùm áo mưa đi khắp chợ “tay xách nách mang” từng bịch rau, bịch cá... không quản đêm hôm gì cả. Nhiều hôm tôi thấy chở 3-4 chuyến xe máy mới hết, cô “chùa” nhiệt tình lắm” - tiểu thương Nguyễn Thị Thủy ở chợ Đồng Xoài kể.
Cuộc sống của chị Sáng cũng không khá giả gì, bởi công việc bán cà phê dọc đường chưa thực sự giúp chị có thu nhập tốt. Thế nhưng, chị vẫn chọn làm thiện nguyện với cách riêng của người khó. Nhớ lại quãng thời gian mới bắt đầu việc làm này, chị bị người khác gièm pha, nói những lời khó nghe, vì nghĩ rằng chẳng ai làm công việc “dở hơi” như chị. Vậy mà, chị đã làm được và còn làm tốt!
“Ban đầu người ta nói tôi lấy rau, củ, quả này về đi bán rẻ kiếm tiền, chứ làm gì có chuyện không công như thế. Nhưng tôi mặc kệ, bỏ qua để hoàn thành tâm nguyện của mình. Tháng tròn tháng, năm tròn năm, thế mà cũng 9 năm trôi qua, mọi người giờ đã hiểu và đồng hành với tôi, như thế là quá hạnh phúc rồi!”.
Chị LÊ THỊ SÁNG, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài
Kết nối những tấm lòng
Trước đây, những bó rau đi gom về, tự chị ngồi phân loại và chia từng túi theo nhu cầu nhưng giờ đây, chị đã có sự đồng hành của rất nhiều người. Có người tranh thủ buổi tối đến chợ cùng đi gom rau, người thì ngồi nhặt, phân loại, cũng có người hỗ trợ bằng cách đem xe ôtô phụ chở đến những điểm phân phát… Họ biết đến việc làm ý nghĩa này nên đã tham gia để sẻ chia một phần vất vả cho chị, một phần cũng muốn lan tỏa những việc làm ý nghĩa đến với mọi người.
Bà Nguyễn Thị Khiếu năm nay hơn 70 tuổi, nhà ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài chẳng màng thời gian nghỉ ngơi hay sức khỏe của tuổi già, đạp xe hơn 4km từ nhà ra chợ phụ nhặt rau. Bởi bà cũng muốn góp một phần công sức vào việc làm ý nghĩa của chị Sáng. “Mỗi buổi tối, người ta cho vài trăm ki-lô-gam rau, củ, quả, mình góp chút công vào đó, lựa những món còn sử dụng được để riêng từng túi. Làm xong để Sáng và mọi người còn chở đi cho kịp trong đêm” - bà Khiếu chia sẻ.
Trong 9 năm qua, trên chiếc xe máy cũ, mỗi tối chị Sáng chở từ 2-3 chuyến hàng để kịp phân chia cho các địa điểm. Những lúc đi xa, chị thường trở về nhà khi đã nửa đêm. Năm 2023, một số lái xe tốt bụng đã đồng hành với chị trong hành trình thiện nguyện này. Anh Phạm Tuấn Anh chia sẻ: “Trong một lần chị Sáng ghé tiệm tôi để mua thuốc đau tay, thấy xe máy chị chở khá nhiều rau, củ, quả, ban đầu cứ tưởng chị đi bán. Nhưng qua một vài câu trao đổi, tôi mới biết chị chở đi từ thiện. Cảm động với việc làm của chị, tôi và một số anh em tình nguyện tham gia và hỗ trợ chị vào mỗi buổi tối”.
Thiện nguyện đêm ấm có lẽ là câu nói ngắn gọn để diễn đạt cách làm từ thiện của chị Sáng. Bởi dù địa điểm ở xa hay ở gần, tất cả thực phẩm sau khi gom lại sẽ được chị và những người đồng hành vận chuyển đến với bà con ngay trong đêm. Những chuyến hàng đôi khi đến trễ, nhưng ai cũng chờ đợi với sự háo hức và niềm vui khôn xiết. Bà Kim Thị Phin, ấp Nam Đô, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú phấn khởi: Cứ 7-10 ngày, cô Sáng lại chở quà vào, dân ở đây người ta vui lắm. Thức ăn, gạo, áo quần… người ta nhận hết trơn. Tới ngày, tới giờ, dù trễ cỡ mấy người ta cũng trông cô ấy vào.
9 năm qua, hầu như đêm nào chị Sáng cũng có mặt tại chợ Đồng Xoài. Cười, nói là thế, nhưng sau một buổi đi “xin”, cánh tay trái vốn đã bị tổn thương sau tai nạn nay lại càng thêm đau đớn. Nhưng chưa một lần chị bày tỏ cùng ai, bởi đó chính là sự lựa chọn của chị. Ngoài đi xin rau gửi cho các chùa, mái ấm, vùng khó khăn, chị còn nấu cơm phục vụ các bữa ăn thiện nguyện. Chọn công việc ngoài tâm từ thiện, đó còn là tình thương, sự chia sẻ của chị đối với cuộc sống của những mảnh đời còn bất hạnh xung quanh mình.
“Đôi lúc mình cũng mệt lắm chứ nhưng chẳng dám than thở cùng ai. Bởi khi kể ra, nhiều người không hiểu có khi còn nói những câu mang ý nghĩa tiêu cực. Chẳng biết sẽ làm đến ngày nào, nhưng mỗi buổi tối mà tôi không ra chợ, không đến chùa hoặc đến với người dân thì trong người như có điều gì mất mát, khó diễn tả lắm. Mình rách nhưng người ta còn rách hơn mình, chia sẻ và cho đi thì cuộc sống luôn tràn đầy tình yêu thương” - chị Sáng xúc động.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/153721/dem-am-tinh-thien-nguyen