'Đêm dài như biển' lấy nước mắt khán giả

Tháng 5-2019, bộ phim Đêm dài như biển của đạo diễn Hoàng Minh Phi trình chiếu suốt 2 tuần ở Pháp, tại rạp Duplexe cinéma Roubaix, nhận được nhiều lời khen và nước mắt khán giả, bởi các nhân vật chính đều là người khiếm thị.

Ngày 15-7, phim ra mắt tại BHD Bitexco, khán giả cũng khóc như mưa và bây giờ phim đang trên đường ra Hà Nội để công chiếu (18-7), sau đó đến Cần Thơ và Huế.

Cảnh trong phim “Đêm dài như biển” Ảnh: HOÀNG MINH PHI

Cảnh trong phim “Đêm dài như biển” Ảnh: HOÀNG MINH PHI

Hoàng Minh Phi và Hoàng Vũ là đôi bạn đã gắn bó với người khiếm thị nhiều năm, từng thuê nhà cho họ ở một thời gian. Hai đạo diễn này đã dành dụm tiền làm bộ phim "Đêm dài như biển" đưa đi trình chiếu miễn phí khắp các địa phương, để mọi người hiểu biết và thương yêu, giúp đỡ những người khiếm thị. Phim đầy tính nghệ thuật với những khuôn hình rất đẹp, ngôn ngữ kể chuyện hấp dẫn, diễn viên diễn xuất chuyên nghiệp và xinh đẹp.

Nhân vật chính là cô Lụa đẹp người, đẹp nết nhưng trời không cho cô đôi mắt sáng. Cô sống chung với những bạn bè khác cũng cùng hoàn cảnh khiếm thị, tại một làng nhỏ ở miền Tây Nam Bộ, tự nuôi thân bằng nghề đan lát. Cho đến khi có 2 thanh niên từ Sài Gòn về quê nghỉ hè, tình yêu nảy sinh, rồi ngang trái, rồi cô đơn…, kiểu những bi kịch thường thấy theo mô-típ hoàng tử và cô bé lọ lem. Nhưng xót xa nhất là cái chết của anh thanh niên khiếm thị tên Tâm, "thanh mai trúc mã" với Lụa, lặng lẽ qua đời trong tình yêu đơn phương. Hình ảnh dòng sông trôi miên man vô định như những cuộc đời bất hạnh chưa biết bến nào để tựa nương…

Minh Phi chủ trương cái kết mở, để khán giả tự tìm đến với người khiếm thị rồi giúp họ tùy theo khả năng của mỗi người. Anh chỉ đưa ra một thực tế, một vấn đề, chứ không giải quyết vấn đề vì chuyện đó rất lớn, bản thân anh cũng không giải quyết nổi, cứ để mọi người chung tay lo nghĩ và tìm cách. Thông điệp duy nhất của phim là tình thương, qua bộ phim này mọi người có thể gần gũi, hiểu và thương người khiếm thị hơn.

Âm nhạc góp phần rất lớn làm nên thành công của bộ phim. Thú vị nhất là nhiều ca khúc tuyệt vời của cố nhạc sĩ Bắc Sơn được lồng vào phim rất khéo, rất đúng chỗ, nói thay lời nhân vật. Ngay cả những bài cải lương tài tử cũng được hát rất mộc qua giọng chân chất của các cô gái khiếm thị, làm không gian như mênh mang, ngọt ngào mà cũng có gì đó bùi ngùi, đau xót. Những khuôn hình quá đẹp của vùng sông nước Nam Bộ làm người xem bâng khuâng. Đạo diễn Minh Phi nói thiệt tình: "Chúng tôi không có nhiều tiền để thuê bối cảnh, may nhờ người bạn giúp cho chỗ ăn ở, quay hình miễn phí. Không ngờ lên hình ai cũng khen quá đẹp. Còn chuyện diễn viên, đến giờ cuối, bất ngờ có 3 người bỏ cuộc, chúng tôi cuống lên thì Á hậu Đậu Mỹ Linh tình nguyện vào vai Lụa và Tô Thanh Phúc đóng vai Hùng, riêng tôi phải vào luôn vai nam chính là Tâm. Quá cảm động vì cái tình của các bạn. Ai cũng làm việc vui vẻ, không đòi hỏi thù lao. Làm phim này, chúng tôi cũng đâu có mong doanh thu, chỉ mong mọi người mang tình thương đến với người khiếm thị mà thôi".

Hoàng Kim

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/dem-dai-nhu-bien-lay-nuoc-mat-khan-gia-20190717213714788.htm