Đem lại giá trị cao
Vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ là nơi có nguồn tài nguyên động thực vật phong phú và đa dạng, trong đó, nhiều cây thuốc mang giá trị y tế và kinh tế cao. Để góp phần đem lại nguồn lợi kinh tế, khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những khâu tạo đột phá phát triển dược liệu.
Kho dược liệu vô giá của cả nước
Theo thống kê, ở Tây Nguyên, có tới 1.657 loài cây thuốc và trên 1.000 loài được ghi nhận ở vùng Nam Trung bộ. Đây thực sự là kho tàng vô giá và tiềm năng lớn để khai thác, phát triển, phục vụ chăm sóc sức khỏe phát triển kinh tế - xã hội. Cộng đồng các dân tộc sinh sống nơi đây có trên 50 dân tộc khác nhau nên người dân có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng các loài cây cỏ làm thuốc.
PGS.TS. Lê Việt Dũng - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế) - cho rằng, đây là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển dược liệu. Khí hậu của vùng có hai mùa rõ rệt và tạo ra các tiểu vùng khí hậu tương ứng với những loại địa hình khác nhau. Đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp nói chung và phù hợp với nhiều loại cây dược liệu nói riêng. Đó thực sự là những điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các vùng dược liệu trọng điểm có quy mô lớn phục vụ nhu cầu thị trường.
Theo ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định, Tây Nguyên và Nam Trung bộ là 2 vùng phát triển dược liệu trọng điểm. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển trong thời gian qua cho thấy, ngành dược liệu của vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tạo ra chưa nhiều. "Nhiều loại dược liệu quý chưa được quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị dẫn đến hiệu quả thấp, có nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong phát triển dược liệu còn hạn chế; chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu" - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Áp dụng khoa học - công nghệ mang giá trị cao
Tây Nguyên và Nam Trung bộ đã triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN các cấp như: Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng sa nhân tím, đảng sâm, vàng đắng, nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo theo GACP ở tỉnh KonTum. Tại Đăk Lăk, đã trồng thử nghiệm cây sachi, hà thủ ô đỏ, viễn chí lá nhỏ… Ở Đăk Nông, nghiên cứu sơ chế và bảo quản các dược liệu nghệ, đinh lăng… Ứng dụng KH&CN trong sản xuất tỏi đen; nghiên cứu, lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen quế bản địa Trà Bồng; ba kích, đảng sâm ở Quảng Nam; xây dựng mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ nghệ dưới tán rừng keo mới trồng; xây dựng chỉ dẫn địa lý Tỏi Lý Sơn; nghiên cứu gây trồng cây sa nhân tím tại tỉnh Quảng Ngãi…
Báo cáo của Viện Dược liệu cho thấy, hiện nay, tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ đã triển khai các hoạt động nghiên cứu KH&CN để phát triển sản phẩm dược liệu. Ứng dụng KH&CN được tập trung vào sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bảo vệ môi trường. Nhiều công nghệ và phương pháp nghiên cứu tiên tiến như: Viễn thám, định vị vệ tinh được ứng dụng để đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu.
Các chuyên gia về lĩnh vực KH&CN và dược liệu nhận định, để phát triển dược liệu của vùng thực sự bền vững, vai trò của doanh nghiệp là nhân tố đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định trong việc dẫn dắt người dân tham gia và cũng là nơi triển khai trực tiếp đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Một số ý kiến cho rằng, ngoài việc tiếp tục rà soát đưa ra những chính sách khả thi từ các địa phương, cần tập trung tạo hành lang, cơ chế và sự ưu đãi để thu hút được các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào khu vực này.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dem-lai-gia-tri-cao-121860.html