Đêm nay 11/10, bão Kompasu sẽ đi vào Biển Đông và mạnh thêm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 11/10, tâm bão Kompasu ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 121,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 - 100 km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, khoảng đêm 11/10 đi vào Biển Đông và mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 12/10, tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 116,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 - 120 km/giờ), giật cấp 13.
Từ 19 giờ ngày 12 đến 19 giờ ngày 13/10, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Đến 19 giờ ngày 13/10, tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90 - 120 km/giờ), giật cấp 13.
Từ 19 giờ ngày 13 đến 7 giờ ngày 14/10, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam và đi vào Vịnh Bắc Bộ.
Từ 7 giờ đến 19 giờ ngày 14/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20 - 25 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 14/10, tâm vùng áp thấp ở khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 9-10, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 5-7m; biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển khu vực Bắc Biển đông cấp 3.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng ở Bắc Bộ và Trung Bộ căn cứ vào tình hình thực tế chủ động cấm biển, kêu gọi và bố trí cho tàu, thuyền vào nơi trú tránh an toàn; di dời dân đảm bảo an toàn về dịch COVID-19; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng thấp, trũng ven biển.
Các địa phương kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, nhất là tại các trọng điểm xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước, các công trường đang thi công; sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường, duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn, xử lý kịp thời khi có yêu cầu; tổ chức trực ban 24/24 giờ…