Đêm nay mình ngủ cuối Phong Châu
Đêm nay mình ngủ cuối Phong Châu
Thôi đừng hỏi vì sao nữa
Đêm nay giấc ngủ mới mơ màng
Đừng gọi tán lá cọ về che cái tứ
Đất quê mà, xin cho thơ lang thang.
Gần hết đời người thấp thỏm dọc rừng hoang
Ôm khẩu súng giấc mơ nào chẳng lửa
Thèm một câu thơ cõng gió qua làng
Ve vuốt mãi bàn tay tìm qua liếp cửa.
Nhưng thôi, đêm nay cho mình được ngủ
Cuối Phong Châu sau cuộc chiến tranh này
Mai biên giới phía nào gọi tên mình đến giữ
Cũng xin đừng lay động giấc đêm nay.
Dễ gì mơ thấy được dáng bàn tay
Nâng ốc thổi thúc voi chầu bãi đá
Dễ gì mơ thấy được quả xôi đầy
Vua Hùng đón tấm lòng dân dã.
Nhưng chắc gặp cửa sông ngoài Rạch Giá
Nơi chúng mình thương mấy đứa không về
Chân đèo Cù Mông, chân đèo Mụ Giạ
Con suối ngầu hạt máu mọi miền quê.
Hay thôi, cứ ôm nhau úp thìa mà ngủ
Hoa đại cuối sân đền đang rụng đấy
Như có một thời vua sai tán lá cọ xòe
Phe phẩy quạt vòm trời dâng dáng cháy.
Mí mắt cuộn dòng Thao thuở ấy
Và...
PHẠM NGỌC CẢNH
LỜI BÌNH:
Thơ viết về Đền Hùng khá đa dạng và phong phú, đó là mạch thơ hướng về cội nguồn tổ tiên với lòng biết ơn tri ân sâu sắc. Nhà thơ quân đội Phạm Ngọc Cảnh có một tứ thơ lạ, đó là lời tâm tình của người lính đêm ngủ ở đất Phong Châu, ở Đền Hùng vừa đi qua trận mạc của cuộc chiến tranh chống Mỹ và bây giờ chuẩn bị lên biên giới để bảo vệ Tổ quốc thân yêu...
Mở đầu bài thơ là nhịp thong thả khoan thai lắng lại khi ngả lưng nằm ngủ ở mảnh đất cội nguồn thiêng liêng với bao trầm tích truyền thống lịch sử: “Đêm nay giấc ngủ mới mơ màng - Đừng gọi tán lá cọ về che cái tứ”. Trung du là đất cọ, tán lá xòe như mặt trời xanh. Và người lính ấy đã qua bao trận mạc: “Gần hết đời người thấp thỏm cánh rừng hoang - Ôm khẩu súng giấc mơ nào chẳng lửa”. Gặp tán cọ để nhớ cánh rừng chiến trận năm nào là một lẽ tự nhiên. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn người lính lại luôn khát khao hòa bình, khát khao hạnh phúc, những hạnh phúc đời thường rất giản dị dân dã: “Thèm một câu thơ cõng gió qua làng - Ve vuốt mãi bàn tay tìm qua liếp cửa”. Ta càng hiểu thêm cội nguồn sâu thẳm luôn chất chứa như một sức mạnh tiềm ẩn trong chân dung tinh thần người lính thuần Việt. Sự tản mạn trong cái đêm khó ngủ ở đất Phong Châu cứ hiện lên bao trăn trở, bao tâm tình muốn được sẻ chia. Ta như nghe được, thấy được cái trở mình của người lính: “Nhưng thôi, đêm nay cho mình được ngủ - Cuối Phong Châu sau cuộc chiến tranh này - Mai biên giới phía nào gọi tên mình đến giữ - Cũng xin đừng lay động giấc đêm nay”. Đây chính là tâm điểm của tứ thơ. Hình ảnh người lính hiện lên đàng hoàng đầy bản lĩnh mà cũng có bao thổn thức nhưng lại rất chủ động, thanh thản mà vững tin biết bao. Bởi họ có một điểm tựa tinh thần vững chắc đó là truyền thống lịch sử dân tộc dựng nước và giữ nước của 4.000 năm lịch sử còn in dấu ấn ở Đền Hùng. Ở đây cái hay tứ thơ của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là ngủ ở Đền Hùng mà người lính lại liên tưởng nhớ về đồng đội đã hy sinh ở chiến trường: “Nơi chúng mình thương mấy đứa không về” và “Con suối ngầu hạt máu mọi miền quê” khi ông gọi tên các địa danh đã đi qua chiến tranh: Rạch Giá, đèo Cù Mông, đèo Mụ Giạ. Với sự bất ngờ này càng tôn thêm vẻ đẹp sâu thẳm của người lính, một vẻ đẹp bình dị mà sâu sắc lay thức và cảm động biết bao. Đó ngỡ như là những giả định của nhà thơ nhưng cái kết lại hết sức bất ngờ. Lại một sự trở mình lần này thấu rõ hơn và đồng cảm chia sẻ hơn: “Hay thôi, cứ ôm nhau úp thìa mà ngủ - Hoa đại cuối sân đền đang rụng đấy”. Nằm úp thìa là kiểu nằm của lính trong chiến hào hay hầm trú ẩn một không gian nhỏ hẹp. Phải thật lắng mình trong không gian thiêng liêng của Đền Hùng của đất Phong Châu, phải thật tĩnh tâm mới nghe được tiếng rơi rất nhẹ của hoa đại và nhận ra: “Vua sai tán lá cọ xòe - Phe phẩy quạt vòm trời dâng dáng cháy”. Thật và ảo, quá khứ và hiện tại cứ đan xen nhau trong một giấc ngủ chập chờn. Hình như lá cọ cũng giống như ngọn lửa màu xanh và tứ thơ được cất cánh nâng bổng cả giấc ngủ trong vẻ đẹp hoàn nguyên vũ trụ.
Bài thơ giống như một trường đoạn phim ngắn, có lớp lang, cận cảnh, nhiều suy tưởng với bao bộn bề tâm tư. Và bất chợt: “Mí mắt cuộn dòng Thao thuở ấy - Và...” câu thơ khép lại nửa chừng để thiếp vào giấc ngủ. Bài thơ không miêu tả gì nhiều về Đền Hùng mà ta vẫn thấy rõ Đền Hùng, tượng đài thiêng liêng tinh thần của dân tộc ở một tầng sâu thẳm trong tâm linh, tâm tình của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” với giấc ngủ bình yên nơi cuối đất Phong Châu trước giờ lên biên giới...
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202104/dem-nay-minh-ngu-cuoi-phong-chau-3052292/