Đêm nay, nguyệt thực dài nhất 6 thế kỷ xuất hiện cùng mưa sao băng và sao chổi

Nguyên nhân nguyệt thực dài bất thường là do mặt trăng đang nằm ở điểm xa Trái Đất nhất trên quỹ đạo.

Theo NASA, đây là lần nguyệt thực một phần dài nhất 580 năm qua. Ở những quốc gia và vùng lãnh thổ quan sát thuận lợi nhất như Canada, Mỹ, Greenland, nguyệt thực có thể kéo dài đến 3 giờ 28 phút.

Một lần nguyệt thực trước đây - Ảnh: NASA

Một lần nguyệt thực trước đây - Ảnh: NASA

Tính toán của trang Time and Date cho thấy Việt Nam chỉ nằm ở phần rìa của vùng quan sát được nguyệt thực nên chỉ nhìn được một góc "trăng máu" nhỏ, sau đó sẽ chuyển sang trạng thái nguyệt thực nửa tối. Do giai đoạn đầu của nguyệt thực rơi vào lúc trời chưa tối nên tổng thời gian chỉ kéo dài 1 giờ 37 phút, bắt đầu từ 17 giờ 26 phút (lúc trăng mọc) ngày 19-11.

Theo SciTech Daily, mặt trăng đang nằm ở nơi xa Trái Đất nhất trên quỹ đạo hình elip nên sẽ mất nhiều thời gian hơn để thoát khỏi bóng tối của Trái Đất. Nguyệt thực vốn là hiện tượng Mặt Trời, Trái Đất, mặt trăng lần lượt thẳng hàng nên mặt trăng chỉ nhận được rất ít ánh sáng vì bị bóng của Trái Đất che phủ. Ánh sáng đỏ hiếm hoi phủ trên mặt trăng lúc nguyệt thực chính là lượng ánh sáng bị uốn cong và lọc bởi bầu khí quyển Trái Đất.

Đêm nay cũng nằm trong giai đoạn sao chổi Leonard (C/2021 A1) có thể nhìn thấy bằng ống nhòm, hoặc nếu may mắn là nhìn thấy bằng mắt thường vì nó đang tiến tới điểm gần Trái Đất nhất - ngày 12-12 sắp tới.

Ngoài ra, mưa sao băng Leonids vẫn đang rơi tương đổi nặng hạt sau đêm đỉnh điểm cách đây vài ngày. Đây cũng là tháng mà 3 hành tinh là Sao Kim, Sao Mộc và Sao Thổ tỏa rực rỡ trên bầu trời.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/khoa-hoc/dem-nay-nguyet-thuc-dai-nhat-6-the-ky-xuat-hien-cung-mua-sao-bang-va-sao-choi-20211118165333525.htm