Đếm ngược số phận TikTok tại Mỹ
Thời gian của TikTok tại Mỹ dần cạn kiệt trừ khi công ty mẹ ByteDance đạt được thỏa thuận bán nền tảng mạng xã hội này trước ngày 5/4.
Đó là thời điểm hết hạn gia hạn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với việc công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc phải được bán hoặc đóng cửa. Nếu không có thêm gia hạn nào từ ông Trump hoặc Quốc hội Hoa Kỳ, hoặc công ty không công bố người mua, đó sẽ là dấu chấm hết cho TikTok với 170 triệu người dùng tại Mỹ.

Thời gian của TikTok tại Mỹ dần cạn kiệt trừ khi công ty mẹ ByteDance đạt được thỏa thuận bán nền tảng mạng xã hội này trước ngày 5/4.
Các quan chức Hoa Kỳ từ lâu đã lập luận rằng chính phủ Trung Quốc - vốn bị coi là đối thủ của Mỹ - có thể truy cập dữ liệu người dùng TikTok của người Mỹ cho các mục đích xấu xa hoặc sử dụng nền tảng này để phục vụ cho mục đích tuyên truyền.
Theo Tổng thống Donald Trump, một số bên đang nhắm đến việc thâu tóm TikTok, dù ông không tiết lộ chi tiết. Bloomberg và The Information trước đó từng đưa tin Oracle, nhà cung cấp dịch vụ đám mây cho TikTok, là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua này.
Các bên khác muốn sở hữu ứng dụng này bao gồm một nhóm nhà đầu tư do Frank McCourt dẫn đầu. Trước đó, Tập đoàn công nghệ Microsoft và chuỗi bán lẻ Walmart từng cố gắng mua TikTok vào năm 2020 nhưng không thành công.
Gần đây, ông Trump cũng đã đề xuất ý tưởng giảm bớt một số thuế quan áp lên Trung Quốc nếu điều đó giúp thúc đẩy chính phủ nước này ủng hộ việc bán TikTok.
Ông Trump từng kêu gọi cấm TikTok trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhưng đã thay đổi quan điểm trong cuộc bầu cử năm 2024, cho rằng TikTok là một đối trọng với sự thống trị của Meta trên mạng xã hội. Tổng thống Donald Trump có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với CEO Meta, Mark Zuckerberg. Chủ sở hữu Facebook từng cấm ông Trump trên các nền tảng của mình sau vụ tấn công Điện Capitol ngày 6/1 và ông Trump sau đó đe dọa bỏ tù Zuckerberg.
Ông Trump cũng nhận định rằng TikTok đã giúp thu hút cử tri trẻ tuổi ủng hộ nỗ lực tái tranh cử của ông.
Quốc hội Mỹ ban đầu thông qua và cựu Tổng thống Joe Biden đã ký luật cấm TikTok vào năm 2024. Đạo luật này yêu cầu công ty mẹ ByteDance thoái vốn khỏi mạng xã hội này. Nếu không thực hiện, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và cửa hàng ứng dụng tại Mỹ sẽ phải ngừng cung cấp dịch vụ cho TikTok, nếu không sẽ đối mặt với các khoản tiền phạt nặng.
TikTok đã kháng cáo lệnh cấm lên Tòa án Tối cao Mỹ, lập luận rằng lệnh này vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất và các quyền hiến định khác của công ty. Một nhóm người dùng TikTok cũng đưa ra khiếu nại tương tự trong một vụ kiện liên quan, cho rằng họ bị tước mất các quyền hiến định.
Tuy nhiên, tòa án đã phán quyết nghiêng về phía chính phủ, lập luận rằng TikTok, với tư cách là một thực thể nước ngoài, không được hưởng các bảo vệ hiến định, và mối quan ngại về an ninh quốc gia vượt trội hơn so với việc chính phủ hạn chế sử dụng TikTok. Tòa án cũng cho rằng luật này chỉ giới hạn một phần quyền tự do ngôn luận, vì người dùng mạng xã hội vẫn có thể truy cập và đăng bài trên các nền tảng khác.
TikTok từng ngừng hoạt động trong một thời gian ngắn hồi tháng 1, ngay trước khi hạn chót bán ban đầu hết hiệu lực vào ngày 19/1, nhưng nhanh chóng được khôi phục trực tuyến khi ông Trump gia hạn thời gian thoái vốn thêm 75 ngày.
Còn giờ đây, ByteDance chỉ còn vài ngày để xác định có tiếp tục ở lại với người dùng Mỹ hay không!
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dem-nguoc-so-phan-tiktok-tai-my-1922503312225579.htm