Đêm trắng nơi chợ 'đầu mối'

'Rau hôm nay lên giá rồi đấy?', 'Quýt hôm nay giá thế nào? - Quýt nay lên hai giá nhé', 'Bốc cho chị năm thùng quýt trở ra xe'... xen lẫn những tiếng í ới, hỏi giá, tiếng xe máy thồ hàng kêu ì ạch, tiếng ô tô dừng đỗ nối đuôi nhau, là những dáng người vội khoác chiếc áo ấm khi vừa bước từ trên xe ô tô xuống, chốc chốc xoa đôi bàn tay như để làm ấm cơ thể, có người lại vội vàng cởi chiếc áo khoác ra vì đã nóng sau một hồi bốc vác, chở hàng thuê... Đó là những gì thu vào tầm mắt và vọng lại bên tai chúng tôi khi có mặt tại khu chợ tự phát trên địa bàn thành phố Việt Trì, trong thời khắc những giờ đầu tiên của một ngày mới.

Những người trắng đêm bốc vác, đẩy hàng thuê tại chợ.

Những người trắng đêm bốc vác, đẩy hàng thuê tại chợ.

Đã từ lâu, phía sau chợ thành phố Việt Trì vẫn có một khu chợ tự phát, hoạt động từ nửa đêm cho đến sáng hôm sau mà người dân vẫn quen gọi là chợ “đầu mối” chuyên cung cấp các mặt hàng rau, củ, quả... cho các chợ nhỏ, lẻ trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận.

Hai giờ sáng, cái lạnh của đêm mùa Đông len lỏi trong từng ngõ ngách, khu phố, mưa rả rích bên hiên nhà, thời điểm mà mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ, phố phường im ắng, tĩnh mịch thì dưới ánh đèn vàng vọt, hắt hiu ở khu chợ có hàng trăm con người tất bật mưu sinh, lấy đêm làm ngày, xuyên đêm lao động kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Đã quen với việc thức đêm nên ai nấy đều tỉnh táo để bắt đầu công việc, nhanh nhẹn sắp xếp hàng hóa, ghi sổ sách thế nhưng trên khuôn mặt vẫn phảng phất nét mệt mỏi và đôi mắt thâm quầng vì những đêm thức trắng triền miên. Tranh thủ lúc còn sớm, vắng khách, cánh đàn ông trong chợ lại túm năm tụm bảy ngồi uống chén chè nóng và rôm rả với nhau những câu chuyện không đầu không cuối.

Chợ “đầu mối” có rất nhiều mặt hàng nông sản.

Chợ “đầu mối” có rất nhiều mặt hàng nông sản.

Theo các thương lái, chợ bắt đầu hoạt động từ 12 giờ đêm đến khoảng 7 giờ sáng là tan. Đối với các mặt hàng hoa quả thì đông nhất là vào những ngày rằm, mùng một và ngày lễ. Tầm khoảng ba giờ sáng, chợ bắt đầu bước vào khung giờ cao điểm, tiếng nói cười, tiếng thúc giục cùng với âm thanh bốc dỡ hàng hóa, kéo xe, người mua người bán bắt đầu trở nên tấp nập xua tan không gian tĩnh mịch. Không chen lấn, tranh giành, xô đẩy, thuận mua vừa bán và dường như đều là những khách hàng quen thân nên việc mua bán ở đây diễn ra khá nhanh chóng.

Đã hơn chục năm rong ruổi với chiếc xe máy từ huyện Lâm Thao xuống nhập rau tại chợ để đem về bán, chị Nguyễn Thị Hợp chia sẻ: “Bao nhiêu năm gắn bó với nghề là chừng ấy năm tôi trắng đêm cùng những buổi chợ. Những hôm thời tiết thuận lợi thì đỡ vất vả, còn những hôm trời mùa Đông mưa phùn, gió rét hay mùa Hè gặp những trận mưa bão, một mình với hai sọt hàng nặng trĩu cũng khổ sở vô cùng nhưng đổi lại niềm vui và hạnh phúc khi nhờ đó con gái tôi được bước chân vào giảng đường đại học”.

Nhiều thương lái ở đây tâm sự, mỗi năm họ chỉ ngủ ở nhà một đêm đó là đêm giao thừa, còn lại quanh năm suốt tháng gắn với những đêm không ngủ ngoài chợ. Việc chăm con, ăn ngủ, đi học hầu hết đều nhờ cả vào ông bà hoặc thuê người giúp việc. Nhiều khi đến bữa cơm tối - khoảng thời gian đầy đủ các thành viên trong gia đình nhất thì cũng vội vàng, qua loa rồi lại phải lo đi lấy hàng, nhận hàng để kịp cho chuyến chợ đêm, vì thế thời gian dành cho gia đình, người thân cũng rất ít ỏi. Nhiều khi nghĩ đến cũng chạnh lòng nhưng gánh nặng cuộc sống nên phải chấp nhận.

Vừa tranh thủ xếp những thùng quýt xuống khỏi xe để chờ người đến nhập hàng, chị Cao Thị Thúy Hoàn - chủ sạp trái cây tại đây chia sẻ: “Ngày nào cũng vậy, dù mưa gió, lạnh đến mấy nhà tôi cũng vẫn có mặt tại chợ từ rất sớm để cung ứng hàng hóa cho khách. Các loại trái cây được lấy từ các tỉnh nên mùa nào cũng phong phú. Hàng được lấy tận gốc, đạt mẫu mã, chất lượng, giá cả cũng “mềm” nên dễ tiêu thụ”.

Các mặt hàng rau, củ, quả được vận chuyển từ các tỉnh lân cận về tập kết tại chợ.

Các mặt hàng rau, củ, quả được vận chuyển từ các tỉnh lân cận về tập kết tại chợ.

Không chỉ là nơi buôn bán của các thương lái, nơi đây cũng là “miếng cơm manh áo” của rất nhiều lao động tự do với công việc hằng ngày là khuân vác, kéo hàng vào sạp cho các chủ hàng mà người ta vẫn hay gọi là nghề “cửu vạn”. Họ chủ yếu ở độ tuổi 35 - 60 tuổi, người làm lâu thì cũng hơn 20 năm có dư, người ít hơn thì cũng gắn bó được 3 - 5 năm và không ít người làm thời vụ, làm ngày nào nhận tiền công ngày đó.

Đã quá quen với việc ra khỏi nhà lúc nửa đêm và về nhà khi trời sáng, hơn 30 năm gắn bó với công việc bốc vác, đẩy hàng thuê tại khu chợ này và chưa từng nghĩ đến ngày chuyển nghề, anh Đoàn Ngọc Cường, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tâm sự: “Những người bốc vác thuê ở đây đa phần là trung niên, làm lâu năm và quen với việc thức đêm, người trẻ hơn cũng có nhưng ít. Có nhiều người cũng đến làm thử một vài hôm nhưng không chịu được vất vả, không thức đêm được nên đành nghỉ việc. Nghề này tuy vất vả, cực nhọc, thức đêm lại hại sức khỏe nhưng được cái việc đều quanh năm, thu nhập cũng ổn định nên tôi vẫn gắn bó. Lúc người ta ngủ thì mình thức nhưng lúc người ta thức cũng chưa chắc mình đã ngủ vì trở về nhà thì cũng đã quá giấc và nhiều khi còn phải lo toan việc gia đình”.

Đêm dần tan, trời bắt đầu sáng rõ mặt người, những chiếc xe chở hàng đã thưa dần, cảnh mua bán cũng không còn tấp nập như lúc nửa đêm rạng sáng. Khi nhịp sống sinh hoạt ở thành phố chuẩn bị nhộn nhịp trở lại thì cũng là lúc những người buôn bán, làm thuê tại chợ kết thúc công việc sau một đêm dài. Họ ngồi nhẩm tính lại số tiền kiếm được và thu dọn đồ đạc, hòa mình vào dòng xe tấp nập trở về nhà, tranh thủ nghỉ ngơi, sẵn sàng cho một đêm lao động tiếp theo và quan trọng hơn hết với họ là niềm vui khi gia đình sẽ có một bữa ăn ngon, các con sẽ có một tương lai tươi sáng, gánh nặng chi phí hằng ngày cũng tạm vơi bớt.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/dem-trang-noi-cho-dau-moi/203454.htm