Đêm trên chốt kiểm dịch ở cung đường mang tên Bác
Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tổ kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến đường Hồ Chí Minh (gọi tắt là chốt kiểm dịch) tại xã A Vương, huyện Tây Giang do lực lượng Công an làm chủ công đã túc trực 24/24h, trở thành lá chắn sống ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh vào địa bàn biên giới phía tây tỉnh Quảng Nam.
Tuyến đầu phòng, chống dịch
Từ TP Tam Kỳ, vượt quãng đường gần 200km, tôi đến với huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Bầu trời chiều vùng cao xám xịt. Những đám mây đen vần vũ phía mờ xa như chuẩn bị “vỡ òa” để trút xuống những trận mưa rào trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Khi vừa đến địa phận huyện Tây Giang, chúng tôi bắt gặp chốt kiểm dịch trên đường Hồ Chí Minh đặt tại thôn Cr’toonh, xã A Vương. Phía trước chốt kiểm dịch là lán trại để thực hiện việc kiểm soát người và phương tiện, được lãnh đạo huyện Tây Giang vừa xây dựng xong để tổ công tác làm nhiệm vụ; phía trong là điểm trường học thôn được trưng dụng làm nơi ngủ nghỉ, sinh hoạt của tổ công tác.
Tại đây, nhiều lượt người và phương tiện lưu thông đã được tổ công tác kiểm dịch mời vào kiểm tra y tế và làm tờ khai y tế theo quy định. Theo quan sát, các trường hợp vào điểm chốt sau khi dùng nước rửa tay sát khuẩn thì được cán bộ làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, sau đó thực hiện làm tờ khai y tế. Trường hợp nào sốt trên 38 độ C sẽ được đưa vào phòng cách ly tạm thời tại điểm chốt. Một lúc sau nếu tình trạng sốt không được cải thiện thì tổ kiểm soát sẽ điện báo cho lực lượng y tế huyện đưa xe chuyên dụng chở về điểm cách ly tập trung để thực hiện các bước xử lý về y tế theo đúng quy định.
Sau khi hoàn thành tờ khai y tế, anh Nguyễn Đức Hiếu (trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc), chủ xe tải BKS 92C-054.99 cho biết, anh chở các nhu yếu phẩm lên giao dịch tại trung tâm huyện Tây Giang. Khi lên đến điểm chốt, anh Hiếu được cán bộ CSGT làm nhiệm vụ ra hiệu dừng xe để vào làm thủ tục, kiểm tra y tế theo quy định. “Dù mất thêm ít thời gian nhưng việc kiểm soát như thế này là rất tốt. Tôi đồng tình ủng hộ. Các cán bộ chiến sĩ, nhân viên điểm chốt làm việc rất nhiệt tình và hòa nhã”, anh Hiếu chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, Đại úy Ngô Văn Thìn, cán bộ Công an huyện Tây Giang được giao nhiệm vụ điều hành chốt kiểm soát dịch tại xã A Vương cho biết, chốt này được thành lập từ ngày 31-3 gồm nhiều lực lượng của huyện tham gia. Ngoài nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19, chốt kiểm soát còn có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ xâm nhập trái phép vào địa bàn huyện Tây Giang, nhằm góp phần đảm bảo tình hình ANTT ở vùng biên giới.
Theo Đại úy Ngô Văn Thìn, những ngày gần đây, lưu lượng phương tiện Bắc - Nam di chuyển trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua chốt kiểm soát rất ít. Đa phần phương tiện tham gia giao thông là xe tải chở hàng, xe máy của các tiểu thương, người dân từ TP Đà Nẵng và tại các địa phương của tỉnh Quảng Nam lên. Trong lúc cán bộ, nhân viên tại điểm chốt đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang đến thăm và tặng quà động viên.
Sau khi nghe Đại úy Ngô Văn Thìn báo cáo tình hình hoạt động của chốt kiểm soát, ông Bríu Liếc đánh giá cao sự nỗ lực của tổ công tác, đồng thời yêu cầu các thành viên trong tổ công tác không được chủ quan, lơ là vì chốt kiểm soát có vai trò rất quan trọng do nằm ở vị trí “cửa ngõ” đi vào huyện Tây Giang, trong khi tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp.
Đêm ở chốt kiểm soát
Được sự đồng ý của lãnh đạo huyện Tây Giang và Công an huyện, tôi được tạo điều kiện ở lại đêm tại chốt kiểm soát tại xã A Vương. 18h, sau khi chị cấp dưỡng chuẩn bị sẵn bữa cơm tối, ngoài một số cán bộ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ, chúng tôi cùng cán bộ, nhân viên của chốt dùng bữa tối. Trong bữa ăn, bất ngờ 2 người dân thôn Cr’toonh, xã A Vương, là anh A Rân Nhới mang vài quả đu đủ xanh cùng anh Bnướch Mốp mang theo con vịt xiêm đến tặng tổ công tác.
Đại úy Ngô Văn Thìn tiếp nhận món quà từ hai người dân của làng. Với hơn 10 năm công tác ở huyện Tây Giang nên anh khá rành rọt ngôn ngữ người Cơ Tu và đã trao đổi với hai người dân bằng tiếng bản địa.
Tôi hỏi Đại úy Thìn về nội dung câu chuyện với hai người dân Cơ Tu, anh chia sẻ rằng anh Nhới nói “người dân trong làng rất cảm ơn các cán bộ làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát vì đã giúp ngăn ngừa dịch bệnh cho dân làng nói riêng và cả huyện nói chung. Gia đình không có gì để tặng cán bộ hết, chỉ có cây đu đủ ra được mấy quả nên hái mang đến tặng thôi”.
“Ở vùng cao biên giới Tây Giang, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả lắm. Do đó, việc người dân mang tặng sản vật địa phương, dù là trái chuối hay quả đu đủ, chúng tôi đều lấy đó làm niềm vui vì nó chứng tỏ người dân địa phương ghi nhận sự đóng góp của chúng tôi trong công tác phòng chống dịch”, Đại úy Thìn tâm sự.
Sau bữa cơm tối, tôi được Đại úy Thìn bố trí chiếc giường ngủ với đầy đủ chăn màn. Giường ngủ của cán bộ, nhân viên tổ công tác được bố trí cách xa nhau hơn 2m, đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch. Màn đêm buông xuống, khắp không gian chìm trong một màu tối đen như mực, chỉ có ánh sáng hắt ra từ mấy bóng đèn cao áp của chốt kiểm dịch. Và ở nơi đó, các cán bộ, nhân viên tổ công tác vẫn túc trực làm nhiệm vụ.
Tranh thủ khi không có phương tiện lưu thông, tôi bắt chuyện cùng Đại úy Nguyễn Đức Dũng, cán bộ Công an huyện Tây Giang, đang làm nhiệm vụ tại đây. Anh chia sẻ rằng quê anh ở huyện Đại Lộc, lên công tác tại huyện Tây Giang cũng đã hơn 10 năm nay. Đại úy Dũng kể: Từ ngày 13-3, nhằm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, UBND huyện Tây Giang đã thành lập chốt kiểm dịch kiểm soát lượng người và phương tiện đi lên trung tâm huyện.
Chốt kiểm dịch khi đó được đặt tại thôn A Zích, xã Bhalêê. Anh đã tham gia từ ngày đầu thành lập chốt. “Lúc đó ở A Zích khổ lắm. Anh em phải dựng trại dã chiến để sinh hoạt. Mỗi khi có trời mưa gió thì dù đang ăn cơm, anh em cũng phải bỏ chén đũa thay nhau giữ lấy 4 cột trụ để trại không bị gió cuốn đi. Sau đó, đến ngày 31-3, khi dịch diễn biến phức tạp hơn, tổ công tác của chốt kiểm dịch được kiện toàn và dời từ A Zích xuống dưới xã A Vương.
Một hồi trò chuyện say sưa với Đại úy Nguyễn Đức Dũng, tôi nhìn đồng hồ đã 10 giờ đêm. Rồi đột nhiên, tôi và Dũng nhìn thấy từ xa ánh đèn pha của một chiếc ôtô đang đến. Chiếc ôtô dừng lại điểm chốt, người bước xuống là ông Bling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang. Nhanh nhảu, Đại úy Nguyễn Đức Dũng cùng các cán bộ trực làm nhiệm vụ đến chào.
Trò chuyện cùng cán bộ trực ban, ông Bling Mia chia sẻ rằng lãnh đạo huyện Tây Giang rất quan tâm đến tổ công tác làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch nên dù trời đã về khuya, ông cũng đến thăm và động viên mọi người phải tiếp tục nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch, vừa góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện.
Sau một lúc thăm hỏi, động viên tổ công tác, ông Mia quay trở về và các cán bộ tại chốt kiểm soát lại tiếp tục túc trực làm nhiệm vụ của mình. Như vậy, chỉ trong chiều và tối cùng ngày đã có cả Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đến thăm hỏi, động viên tổ công tác. Điều đó cho thấy được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo huyện Tây Giang đến công tác kiểm soát, phòng chống dịch.
Trời càng về khuya, sương giăng khắp lối. Những cơn gió miền biên viễn cứ đều đặn thổi khiến cái lạnh thêm tê tái. Những cán bộ tại chốt kiểm dịch vẫn túc trực làm nhiệm vụ và khuyên tôi nên đi ngủ để sáng mai còn dậy sớm. Tôi vào bên trong, trèo lên giường rồi dần chìm sâu vào giấc ngủ. Khi tôi đang ngủ say, bất giác bừng tỉnh vì tiếng chuông báo thức của một cán bộ ngủ giường bên. Tôi nhìn đồng hồ, 3h30 sáng.
Tôi hiểu rằng đã đến giờ thay ca nên anh cán bộ kia đặt đồng hồ báo thức để dậy đúng giờ. Không thể ngủ lại, tôi cũng vùng dậy làm vệ sinh buổi sáng rồi ra chốt với mọi người. Trời chưa hửng sáng mà đã có xe tải chở vật liệu, chở nhu yếu phẩm bon bon trên đường. Tất cả phương tiện đều dừng lại điểm chốt, người ngồi trên xe nghiêm túc xuống xe, vào chốt để làm thủ tục khai báo y tế.
Chào tạm biệt cán bộ làm nhiệm vụ, tôi rời chốt kiểm dịch, lên đường đến trụ sở Công an huyện Tây Giang và gặp Trung tá Mai Thanh Tâm, Trưởng Công an huyện. Nói về công tác tham gia phòng chống dịch COVID-19 của đơn vị, Trung tá Mai Thanh Tâm cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, cán bộ chiến sĩ công an đã đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định về phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, ngoài việc được giao làm tổ trưởng tổ công tác kiểm soát dịch tại xã A Vương, Công an huyện Tây Giang còn thành lập 3 tổ công tác khác, phối hợp với lực lượng quân sự, biên phòng đảm bảo ANTT tại 3 điểm cách ly tập trung của huyện; 1 tổ cơ động xử lý các tình huống liên quan đến dịch và ANTT trên địa bàn. “Những đóng góp quan trọng của Công an huyện trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đã được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và tạo được sự đồng thuận từ người dân”, Trung tá Mai Thanh Tâm nói.
Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang đánh giá cao vai trò của Công an huyện Tây Giang trong công tác phối hợp với các cấp, các ngành ở địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đối với chốt kiểm soát dịch tại xã A Vương do Công an huyện Tây Giang chủ công, từ ngày đi vào hoạt động đến nay đã góp phần kiểm soát tốt lượng người và phương tiện đến huyện Tây Giang, qua đó đã phòng chống được tình trạng lây nhiễm dịch trong cộng đồng.
Theo ông Linh, để tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống dịch cho người dân địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Tây Giang đã tổ chức tuyên truyền đến tận hộ gia đình và trên hệ thống loa phát thanh, trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng cả 2 thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Cơ Tu vì huyện Tây Giang có hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là đồng bào Cơ Tu.
Hiện nay, huyện Tây Giang đã thành lập 3 khu cách ly tập trung tại Trường THPT Võ Chí Công, Trung tâm Dạy nghề huyện (đang cách ly tập trung 5 trường hợp), Trường THPT Tây Giang. Ngoài ra, lực lượng biên phòng đã thành lập 12 chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại khu vực biên giới, đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu.