Đến 2030 công nghiệp Văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP | Hà Nội tin mỗi chiều
Đến 2030 công nghiệp Văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP; Người phụ nữ 39 tuổi được tuyển chọn làm thượng úy công an... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
Đến 2030 công nghiệp Văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP
Đó là mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày hôm qua 22/12. Việt Nam phải làm gì để đạt được mục tiêu này, khi mà năm 2022, giá trị đóng góp của ngành này mới đạt trên 4%? Nhiều địa phương thậm chí đang ở xuất phát điểm. Trong khi đó, chưa có một văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa.
Chúng ta tự hào về một Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, nhưng thực chất Việt Nam đang ở trong tình trạng nhập siêu lượng lớn sản phẩm văn hóa. Chỉ hai đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Black Pink tại Hà Nội mang về doanh thu 630 tỷ đồng từ khách du lịch. Con số cho thấy sức hút của ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam không hề nhỏ. Nhưng con số cũng cho thấy sức hút không hề nhỏ đó chưa đến từ văn hóa Việt Nam.
Mục tiêu chung đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đồng thời hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm, như Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước. Xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, tôn vinh văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền; nâng cao giá trị của các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Nhằm đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó, giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường liên kết, hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu tham gia có hiệu quả vào phát triển nguồn nhân lực nói riêng cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung.
Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng, đầu tư văn hóa chưa đúng mức, vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền còn lớn. Do đó, chiến lược cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm văn hóa từ trung ương đến cơ sở; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa; tiếp tục hoàn thiện cơ chế cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý văn hóa theo hướng tinh giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm. Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; gắn văn hóa với du lịch, các sản phẩm công nghiệp văn hóa phải mang yếu tố sáng tạo. Các bộ, ngành, địa phương liên quan phải quyết tâm, quyết liệt và nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển. Chú trọng các lĩnh vực công nghiệp văn hóa mang tính sáng tạo như điện ảnh, thiết kế, quảng cáo… Cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, ưu đãi cho các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực này về thuế, đất đai, vay vốn ngân hàng. Phát triển công nghiệp văn hóa là việc làm lâu dài, căn cơ, phải thực hiện từng bước và cần có lộ trình cụ thể.
Người phụ nữ 39 tuổi được tuyển chọn làm thượng úy công an
Một nữ cán bộ công an xã bán chuyên trách đang công tác tại xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, vừa được tuyển vào Công an tỉnh Bình Dương và được phong quân hàm thượng úy. Đó là chị Lê Ngọc Thu, 39 tuổi, là cán bộ công an xã bán chuyên trách, đã 13 năm công tác tại Công an xã Tân Mỹ, vừa được tuyển dụng. Sự việc thu hút sự quan tâm của các cán bộ công an bán chuyên trách, bởi sau thời gian dài công tác, họ đã được ghi nhận.
Lực lượng vũ trang có những tiêu chuẩn khắt khe trong tuyển dụng và thực thi công việc. Do đó, chủ trương tuyển dụng đối tượng là những công an viên bán chuyên trách, với nhiều người là bước ngoặt lớn, bởi họ sẽ có cơ hội tiếp tục thực hiện đam mê, hoài bão khi chưa có điều kiện được học hành bài bản, chính quy. Thực tế, việc tuyển dụng lực lượng công an bán chuyên trách ở địa phương và lực lượng công an chính quy đã được các địa phương áp dụng trong thời gian qua, tuy nhiên số được tuyển dụng chưa nhiều. Những người được tuyển dụng cần phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn như: có bằng trung cấp công an trở lên, có lý tưởng vững vàng, sức khỏe tốt, tuổi không quá 40, đóng góp cho công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương... Ưu tiên những người là trưởng, phó công an xã bán chuyên trách. Những người được tuyển dụng cần tiếp tục rèn luyện, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội tại địa phương./.