Đến 2030, Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1756/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch tỉnh Kon Tum bao gồm toàn lãnh thổ tỉnh Kon Tum với diện tích tự nhiên 9.677,3 km2; 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm TP. Kon Tum và các huyện: Đak Hà, Đak Tô, Đak Glei, Sa Thầy, Ia H'Drai, Ngọc Hồi, Kon Plông, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông.

Một góc thành phố Kon Tum. Ảnh nguồn VGP

Một góc thành phố Kon Tum. Ảnh nguồn VGP

Mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Khu du lịch Măng Đen. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế-xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN.

Tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Về mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, Kon Tum phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng trên 110 triệu đồng/người. Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 18-17%, công nghiệp-xây dựng khoảng 33-35% và dịch vụ khoảng 43 -45%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 3%-4%/năm.

Phát triển 3 trung tâm đô thị động lực

Về đột phá ở các ngành, lĩnh vực kinh tế, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.

Phát triển du lịch với nhiều loại hình theo định hướng "ba quốc gia, một điểm đến"; sản phẩm dịch vụ với trọng tâm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khác. Tập trung phát triển hạ tầng Khu du lịch sinh thái Măng Đen đạt các tiêu chí của Khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: ĐT/baokontum

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: ĐT/baokontum

Phát triển kinh tế đô thị-công nghiệp-dịch vụ dựa trên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm (đô thị, các khu, cụm công nghiệp-đô thị-dịch vụ).

Phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh trong liên kết vùng, bao gồm: Chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm sản chủ lực gắn với chế biến; chuỗi giá trị năng lượng tái tạo; chuỗi giá trị ngành hàng khai khoáng.

Về đột phá về không gian lãnh thổ, phát triển 3 trung tâm đô thị động lực: Đô thị trung tâm (TP. Kon Tum và các đô thị vệ tinh, cửa ngõ); Trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi-Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y); Trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng đen và Khu du lịch sinh thái Măng Đen).

Phát triển 3 hành lang kinh tế-kỹ thuật-đô thị động lực chủ đạo gồm: Hành lang đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) và cao tốc Bắc Nam; Hành lang quốc lộ 24 và cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum; Hành lang quốc lộ 40B.

Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó với ngành công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: Chế biến; khai khoáng; sản xuất vật liệu xây dựng; năng lượng; tiêu dùng và xuất khẩu. Điều tiết tăng trưởng bền vững, duy trì sản phẩm quan trọng, chuyển dần từ gia công đơn đoạn sang sản xuất tuần hoàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp.

Với công nghiệp chế biến Nông-lâm-thủy sản và dược liệu, tập trung vào các ngành hàng có tiềm năng lợi thế về vùng nguyên liệu chế biến như cà phê, cao su, cây ăn quả, dược liệu (đặc biệt là sâm Ngọc Linh), rau, hoa xứ lạnh, thủy sản nước ngọt... gắn với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn của tỉnh và của vùng.

Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Phát triển công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ để thúc đẩy nông nghiệp như chuỗi sản xuất và chế biến phân bón hữu cơ - sinh hóa phẩm an toàn trồng trọt; chế biến thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp - bán công nghiệp hiện đại.

Với công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng, đảm bảo hiệu quả, bền vững, cân bằng các lợi ích kiểm soát được các biến dạng do khai khoáng như: xói mòn, sạt lở, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm đất, nước ngầm và nước mặt. Phát triển khai khoáng kết hợp chế biến sâu, đa dạng sản phẩm cho kinh tế tuần hoàn; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu;....

Khu du lịch Măng Đen là điểm đến hấp dẫn. Ảnh: VGP

Khu du lịch Măng Đen là điểm đến hấp dẫn. Ảnh: VGP

Phấn đấu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững. Hình thành các khu du lịch trọng điểm gắn với Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Khu du lịch sinh thái Măng Đen và TP. Kon Tum. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao trên cả nước, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Về phương hướng phát triển, hoàn chỉnh 5 loại sản phẩm du lịch: sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa-lịch sử, cộng đồng và chuyên đề với hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cơ cấu ngành theo hướng chuyên nghiệp và khẳng định thương hiệu đặc trưng có bản sắc riêng. Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Hoàn chỉnh thiết chế và vận hành hiệu quả các khu, điểm du lịch trong mối liên kết nội địa và quốc tế với Lào, Campuchia và các nước tiểu vùng Mê Kông theo phương châm "Ba quốc gia, Một điểm đến". Đẩy mạnh khoa học công nghệ; đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển kinh tế ban đêm.

G.B

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/den-2030-kon-tum-tro-thanh-tinh-phat-trien-nhanh-toan-dien-ben-vung-va-cong-bang-post261165.html