Đến 26/11, Hà Tĩnh thu ngân sách đạt 10.943 tỷ đồng
Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, bão lũ, ngành Tài chính Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan đã có nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020.
Sáng nay (27/11), Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở Tài chính về các nội dung trình Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu chủ trì buổi làm việc. Lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng tham dự.
Tại buổi làm việc, đại biểu đã được nghe các báo cáo quan trọng như: tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2020, phương án phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2021; dự kiến thu ngân sách nội địa năm 2020, xây dựng dự toán thu ngân sách nội địa năm 2021; đánh giá thực hiện các cơ chế chính sách của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, phương án xây dựng chính sách giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Đồng trình bày các báo cáo liên quan trình Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII.
Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 và các loại thiên tai (lũ lụt, cháy rừng, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp…) đã tác động tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của tỉnh, làm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thu hút đầu tư đạt kết quả thấp, thu nhập của người lao động giảm mạnh…
Trong điều kiện khó khăn chung, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân với các giải pháp hiệu quả đã đề ra nên tình hình KT-XH năm 2020 của tỉnh vẫn đạt một số kết quả tích cực.
Phó Cục trưởng Cục thuế Hà Tĩnh Trương Quang Long trình bày dự kiến thu ngân sách nội địa năm 2020, xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2021.
Đến ngày 26/11, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 10.943 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt 6.720 tỷ đồng (bằng 93,3% dự toán HĐND tỉnh giao), thu thuế xuất nhập khẩu đạt 4.223 tỷ (bằng 62,1% dự toán HĐND tỉnh giao).
Từ nay đến cuối năm, các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung các giải pháp, phấn đấu hoàn thành thu ngân sách cả năm 2020.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Quang Linh: Đề nghị các đơn vị liên quan xem xét lại khoản thu phí liên quan đến tham quan di tích lịch sử, văn hóa cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Việc thực hiện chi ngân sách cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán và các nhiệm vụ đột xuất, quan trọng về phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng của địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Dự toán chi ngân sách địa phương 11 tháng qua đạt 15.109 tỷ đồng, bằng 84% dự toán HĐND tỉnh giao, ước thực hiện cả năm đạt 17.716 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Dũng: Kết quả thu ngân sách nhà nước vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và bão lũ. Từ nay đến cuối năm, các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung các giải pháp phấn đấu đạt cao nhất thu ngân sách.
Đối với vấn đề thực hiện các cơ chế chính sách của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đã xem xét, ban hành và triển khai thực hiện 50 chính sách trong giai đoạn này; nguồn lực thực hiện từ ngân sách bố trí trên 6.932 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành Tài chính đề nghị bãi bỏ hoặc không tiếp tục ban hành đối với 14 cơ chế, chính sách không còn phù hợp trong tình hình, bối cảnh mới.
Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Thị Thúy Nga : Đối với quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí cần được tiếp tục xem xét, thảo luận thêm để cụ để thống nhất các mức thu và địa điểm thu.
Đồng thời, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi, đề nghị làm rõ một số vấn đề trong các dự thảo, nghị quyết trình Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII như: điều chỉnh thời kỳ ổn định ngân sách địa phương giai đoạn 2017 - 2020 sang thực hiện đến hết năm 2021; việc phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách địa phương năm 2019; quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc giải trình cụ thể thêm một số nội dung như quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí; thực hiện dự toán ngân sách năm 2020, phương án phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2021.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu đánh giá cao sự chuẩn bị của các sở, ngành đối với các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết và ý kiến đóng góp của đại biểu.
Cùng với đó, trong điều kiện khó khăn chung, ngành Tài chính và các đơn vị liên quan đã có nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu phát biểu tại buổi làm việc.
Về dự toán thu, chi ngân sách năm 2021, thống nhất dự toán thu nội địa giao năm 2021 là 7.000 tỷ đồng; cần tính toán, cân đối lại các nhiệm vụ chi năm 2021 để phân bổ nguồn hợp lý; chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới.
Đối với việc thu phí, lệ phí liên quan đến doanh nghiệp đề nghị xem xét không tăng thu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh; các loại phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa cần xem xét phù hợp hơn.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tiếp tục rà soát, cân đối lại các nội dung đã thảo luận, hoàn thiện các tờ trình, nghị quyết để trình Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII trong thời gian tới.