Đến An Châu xem hội bơi chải

Ai đã từng dự lễ hội bơi chải An Châu (Sơn Động) hẳn sẽ không quên không khí sôi động, nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Lễ hội vừa được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia giúp cán bộ, nhân dân địa phương có thêm động lực chung tay phát huy, lan tỏa giá trị di sản.

Giàu bản sắc lịch sử, văn hóa truyền thống

Nhớ lại không khí thi đấu sôi nổi và khoảnh khắc đội mình lên nhận giải Nhất, giọng anh Nguyễn Văn Tuấn, 36 tuổi, Đội trưởng đội bơi tổ dân phố Mỏ, thị trấn An Châu (Sơn Động) đầy tự hào. Khi đó, nhiều người cũng bất ngờ, khâm phục khi tổ dân phố Mỏ lần đầu cử đội bơi tham gia nhưng đã chiến thắng 17 đội khác để giành giải cao nhất.

 Vận động viên quyết liệt đua tài. Ảnh: XUÂN THỎA.

Vận động viên quyết liệt đua tài. Ảnh: XUÂN THỎA.

Anh Tuấn kể, khi nhận được công văn của UBND thị trấn triển khai công tác tổ chức lễ hội và đề nghị các đơn vị hưởng ứng hội thi bơi chải anh không khỏi băn khoăn vì chưa năm nào tổ mình có đội tham gia. Tổ dân phố Mỏ xa trung tâm nhất, lại chỉ có 65 hộ dân, việc chọn lựa thành viên đội bơi không dễ dàng. Là tổ trưởng tổ dân phố, anh Tuấn động viên người dân tham gia để góp phần cho phong trào địa phương thêm sôi nổi.

Sau nhiều ngày "đi từng ngõ, gõ từng nhà", anh cũng gom đủ 1 đội bơi với 10 thành viên. Gần 20 ngày luyện tập, với vai trò đội trưởng, anh Tuấn quan sát và hướng dẫn các thành viên kỹ thuật lái đúng hướng, điều chỉnh cân đối sức bơi ở hai bên thuyền. "Dù chưa thi đấu bao giờ song vốn sinh ra, lớn lên ở gần sông nên các thành viên đều thạo chèo thuyền. Nhiều anh em làm nghề sơ chế gỗ nên có đôi tay khỏe khoắn, sức khỏe dẻo dai. Chiến thắng của chúng tôi là vừa nhờ sức khỏe vừa có chiến thuật thi đấu hợp lý lại thêm may mắn” - anh Tuấn nói.

Lễ hội bơi chải diễn ra vào ngày 8, 9 và 10/4 Âm lịch hằng năm là sự kiện quan trọng đối với người dân thị trấn An Châu. Nét độc đáo ở hội thi bơi chải An Châu là thuyền đoạt giải Nhất không phải thuyền về đích nhanh nhất mà phụ thuộc vào giá trị thẻ tre có ghi giải thưởng các đội rút được khi đến đích.

Lễ hội bơi chải diễn ra vào ngày 8, 9 và 10/4 Âm lịch hằng năm là sự kiện quan trọng đối với người dân thị trấn An Châu. Lên vùng cao Sơn Động công tác ngày gần đây, chúng tôi đến thăm quần thể di tích đình, chùa Chẽ, nghè Chải thuộc tổ dân phố Đình và đoạn sông Lục Nam chảy qua thị trấn An Châu (thường gọi là sông An Châu) - trung tâm diễn ra lễ hội bơi chải. Cây đa cổ thụ hàng trăm tuổi tỏa bóng mát che mái đình Chẽ cổ kính.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về lễ hội độc đáo của quê hương, cụ Nông Đình Lư, 82 tuổi, nhiều năm trông coi đình và là trưởng ban lễ tế hồ hởi cho biết: "Theo dân gian lưu truyền, hội bơi chải trên sông An Châu có từ thế kỷ thứ XV nhằm tưởng nhớ tướng quân Vi Đức Thăng và tái hiện việc huấn luyện thủy binh lục chiến vùng sơn cước. Lễ hội còn là dịp tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng, những anh hùng đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương và cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Dịp này, cán bộ và nhân dân địa phương tham gia dọn dẹp vệ sinh nơi thờ tự, đường ngõ sạch sẽ. Dẫu bận rộn hoặc đi làm xa nhưng nhiều người dân cứ đến ngày lại về dự hội".

Theo lời kể của cụ Lư, từ sáng, ban tổ chức lễ hội và nhân dân cung kính rước lễ từ chùa về đình Chẽ để dâng hương. Tiếp đó làm lễ thượng thuyền tại nghè Chải cầu mong thần linh che chở cho tàu thuyền thuận buồm xuôi gió, mọi người bình an và mùa màng tốt tươi. Người dân rước chiếc thuyền được làm bằng khung tre nứa, trang trí giấy ngũ sắc cùng với lễ vật xôi, gà, rượu, hoa quả, hương đăng để cúng thủy thần trước khi thi bơi chải.

 Nghi lễ rước thuyền tại lễ hội bơi chải. Ảnh: Xuân Thỏa.

Nghi lễ rước thuyền tại lễ hội bơi chải. Ảnh: Xuân Thỏa.

Vào hội thi bơi, mỗi thuyền có 10 tay đua (vận động viên - VĐV) là những người đàn ông khỏe mạnh được tuyển chọn tại các tổ dân phố thuộc thị trấn và xã lân cận. Tùy quy định mỗi năm mà các đội tranh tài ở cự ly 1.200 hoặc 1.500 m. Mỗi lượt đua 3 đội, cùng bơi 1 vòng để chọn đội nhất vào chung kết.

Từng chứng kiến lễ hội cách đây vài năm, tôi ấn tượng trước cảnh các tay đua đồng loạt khua chèo, chiếc thuyền lao vun vút trên sông. Cờ Tổ quốc, cờ hội, băng rôn khẩu hiệu rực rỡ cùng màu sắc của trang phục thi đấu hòa với tiếng trống, tiếng mõ, tiếng reo hò cổ vũ tạo thành một bức tranh sống động, mang đậm sắc màu lễ hội truyền thống gợi lại không khí luyện quân đánh giặc năm nào.

Nhà gần đình Chẽ, ông Nông Văn Cam, 62 tuổi kể: “Trước kia, sông An Châu nước đầy ăm ắp, chưa có cầu, muốn qua sông chỉ có thể dùng thuyền nên người dân hai bờ đều thạo bơi thuyền. Tôi đã hàng chục năm tham gia hội thi, sau này nhập ngũ rồi đi làm xa hoặc sức khỏe giảm sút không thi bơi nữa nhưng luôn có mặt để phục vụ, cổ vũ. Nhiều nhà trong đó có nhà tôi, việc thi bơi được cha truyền con nối qua nhiều đời”.

 Cán bộ thị trấn và tổ dân phố Đình giới thiệu về lễ hội tại đình Chẽ.

Cán bộ thị trấn và tổ dân phố Đình giới thiệu về lễ hội tại đình Chẽ.

Là một trong những người lớn tuổi tham gia thi bơi, anh Nông Văn Vệ, 49 tuổi, tổ dân phố Đình cho biết mình bắt đầu thi đấu từ khi 19 tuổi. Làm nghề lái xe, anh rong ruổi trên các cung đường xa khắp nơi nhưng từ mùng 1 đến mùng 10 tháng Tư Âm lịch, anh lại gác công việc để cùng đội tập luyện, thi đấu.

Nét độc đáo ở hội thi bơi chải An Châu là thuyền đoạt giải Nhất không phải thuyền về đích nhanh nhất mà phụ thuộc vào giá trị thẻ tre có ghi giải thưởng các đội rút được khi đến đích. “Tại lễ hội năm nay, khi đến đích, do sơ ý mà hai VĐV trong đội cùng rút thẻ nên phải quay thuyền trở lại trả thẻ thành ra về chậm hơn, để “tuột” mất giải Nhất mà đội đã giữ vững bao năm” - anh Vệ kể.

 Cụ Nông Đình Lư giới thiệu chiếc thẻ ghi giải mà các đội thi phải rút khi về đích.

Cụ Nông Đình Lư giới thiệu chiếc thẻ ghi giải mà các đội thi phải rút khi về đích.

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút đông đảo người dân các lứa tuổi tham gia như: Đẩy gậy, bắn nỏ, võ cổ truyền, bịt mắt bắt vịt, leo cầu kiều, bịt mắt đập niêu, chọi gà và hát quan họ, dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với nhân dân trong vùng, đông đảo du khách thập phương cũng hòa mình vào không gian lễ hội sôi động, đậm sắc màu.

Lan tỏa giá trị di sản, giáo dục truyền thống

Bao năm nay, lễ hội bơi chải An Châu với những nét văn hóa đặc sắc là niềm tự hào của nhân dân trong vùng. Mới đây, gặp chúng tôi sau khi lễ hội bơi chải được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, anh Trần Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn An Châu vui vẻ cho biết: "Lễ hội bơi chải An Châu từng bị gián đoạn trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ. Từ năm 2000, được sự hỗ trợ của ngành Văn hóa, nhân dân thôn Đình (nay là tổ dân phố Đình) khôi phục lễ hội và duy trì hằng năm. Sau này, UBND thị trấn chủ trì tổ chức theo quy mô cấp vùng với những hoạt động độc đáo của lễ hội xưa thu hút đông đảo người dân cùng du khách tham dự. Hai năm nay, lễ hội bơi chải có số đội tham gia tăng gấp 2-3 lần so với trước kia".

 Các đội thi bơi chải trên sông An Châu. Ảnh: Xuân Thỏa.

Các đội thi bơi chải trên sông An Châu. Ảnh: Xuân Thỏa.

Cùng với niềm tự hào, phấn khởi khi di sản được tôn vinh, nhiều cán bộ, người dân địa phương quan tâm đến việc phát huy nét đặc sắc của lễ hội trong thời đại mới để xứng đáng với danh hiệu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Nông Văn Cần, tổ trưởng tổ dân phố Đình bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn tôn tạo, mở rộng diện tích sân đình để có địa điểm tổ chức lễ hội quy mô lớn hơn cho đông đảo người dân được tham dự. Chị em vùng này đều thạo bơi thuyền, nếu tại lễ hội tổ chức giải bơi chải nữ như hội truyền thống khi xưa thì không khí càng vui tươi, hấp dẫn”.

Chia sẻ về kế hoạch phát huy giá trị di sản, bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết: "Đây là di sản đầu tiên của huyện được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia nên không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của người dân thị trấn mà của toàn huyện. Những năm gần đây, huyện đã đầu tư tôn tạo quần thể di tích, cải tạo đường giao thông, kè bờ, bến sông. Hiện UBND huyện chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với thị trấn chuẩn bị lễ đón nhận Bằng công nhận long trọng, ý nghĩa vào dịp lễ hội năm 2025.

Công tác tổ chức lễ hội sẽ bài bản hơn và mở rộng quy mô; khôi phục nét văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian để tăng sức hấp dẫn. Huyện sẽ tiếp tục nâng cấp công trình cầu, đường từ thị trấn An Châu đi các vùng lân cận để kết nối giao thương, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại. Cùng đó quảng bá sâu rộng đến nhân dân trong huyện về giá trị, ý nghĩa của lễ hội; nghiên cứu đưa vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương để thế hệ trẻ nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc từ đó có ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản".

Lễ hội bơi chải An Châu với nghi lễ truyền thống, tín ngưỡng thờ Thần Nông kết hợp thờ thành hoàng và hoạt động văn hóa, thể thao độc đáo đã tạo nên bản sắc riêng cho cư dân miền núi Sơn Động. Nhiều người dân cho rằng, các cấp chính quyền, ngành chức năng địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và giới thiệu về giá trị của lễ hội bằng nhiều hình thức để du khách xa gần biết đến.

Quan tâm tôn tạo, gìn giữ cảnh quan, không gian, môi trường các di tích và khu vực sông nơi diễn ra lễ hội. Du khách đến đây ấn tượng trước không gian, phong cảnh đẹp, kiến trúc nghệ thuật di tích độc đáo và những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng của đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là tiềm năng, lợi thế cho địa phương khai thác phát triển du lịch tâm linh.

Vi Lệ Thanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/den-an-chau-xem-hoi-boi-chai-postid410111.bbg