Đến bao giờ mới xử lý gần 800 tài sản công sau sáp nhập ở Thanh Hóa?
Gần 800 tài sản công như công sở, trạm y tế, sân vận động và trường học dôi dư sau khi sáp nhập bị bỏ hoang và có dấu hiệu xuống cấp, gây lãng phi.
Những công trình tiền tỉ đang gây lãng phí vì bỏ không
Thanh Hóa là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lớn nhất cả nước với 143 xã, phường, thị trấn. Sau khi thực hiện sáp nhập, toàn tỉnh giảm 76 đơn vị, đồng thời cũng phát sinh việc các công sở, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế bị dôi dư.
Theo ghi nhận của PV, tại huyện Quan Sơn, sau khi thị trấn Quan Sơn và xã Sơn Lư sáp nhập, trụ sở làm việc được thống nhất chuyển về UBND xã Sơn Lư. Điều này đồng nghĩa với việc, trụ sở UBND thị trấn Quan Sơn trở thành công trình dôi dư sau sáp nhập.
Sau nhiều năm bỏ hoang không đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, rác vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị. Mặc dù UBND huyện Quan Sơn kiến nghị bàn giao công trình về địa phương quản lý, thế nhưng tới nay công trình này vẫn đang "cửa đóng then cài" gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của nhà nước.
Cách công trình UBND thị trấn Quan Sơn không xa, công trình Trạm y tế thị trấn Sơn Lư sau khi sáp nhập cũng trong tình trạng xập xệ, xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng do nhiều năm bị bỏ hoang. Do quỹ đất của địa phương hạn hẹp, người dân mong muốn các cấp chính quyền hoàn tất các thủ tục sớm bàn giao và chuyển đổi các công trình về cho địa phương quản lý để sửa sang thành công trình phúc lợi phục vụ cho bà con nhân dân, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Thông tin từ UBND huyện Quan Sơn được biết, sau khi thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Thanh Hóa, theo thống kê huyện Quan Sơn có 40 cơ sở nhà đất dôi dư. Huyện đã tái sử dụng 18 cơ sở, còn lại 22 cơ sở đến nay vẫn chưa được chuyển đổi…
UBND huyện Quan Sơn có văn bản trình UBND tỉnh, Sở Tài chính sắp xếp tài sản, nhà đất tránh lãng phí cho nhà nước. Lãnh đạo huyện Quan Sơn đề nghị 22 cơ sở này bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng để tăng nguồn thu. Còn lại 18 cơ sở huyện đã có phương án sắp xếp theo quy định trình UBND tỉnh vào quý I/2024...
Tại huyện Quảng Xương, sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính, toàn huyện có 18 cơ sở nhà đất dôi dư. Các công trình này đa phần còn nguyên giá trị lớn, giá trị khấu hao tài sản còn nhiều và đang còn khả năng sửa chữa cải tạo để sử dụng. Thậm chí, ở nhiều địa phương các công trình đang còn mới, chưa kịp đưa vào sử dụng.
Năm 2018, tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương được đầu tư trụ sở UBND xã gồm nhà làm việc 2 tầng diện tích sàn khoảng 585m2 trên tổng diện tích đất hơn 3.000m2 với số tiền đầu tư khoảng 5,6 tỷ đồng. Thế nhưng, năm 2019, huyện Quảng Xương có 7 xã, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp thành 3 xã, thị trấn. Trong đó, sáp nhập xã Quảng Phúc và Quảng Vọng để thành lập xã Quảng Phúc. Kể từ khi sáp nhập, công sở cũ của xã Quảng Phúc và công trình nhà làm việc 2 tầng, khu hội trường xã Quảng Phúc mới vừa xây dựng phải bỏ hoang cho đến nay.
Tại một số huyện khác như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, Thiệu Hóa, thị xã Bỉm Sơn... nhiều công trình như công sở, hội trường, trạm y tế, sân vận động, nhà văn hóa thôn và trường học bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục bị hư hại và có dấu hiệu xuống cấp.
Tỉnh Thanh Hóa đang giải toán ra sao?
Theo phòng Quản lý công sản - giá, Sở Tài chính Thanh Hóa, hiện nay tổng số cơ sở nhà đất dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính của 27 huyện, thị xã và thành phố là 789 cơ sở (tài sản công).
Qua rà soát của cơ quan chức năng, cho thấy, toàn bộ 789 cơ sở nhà đất trên phần lớn còn nguyên giá trị lớn, giá trị khấu hao tài sản còn nhiều và đang còn khả năng sửa chữa, cải tạo để sử dụng. Thậm chí, ở nhiều địa phương, các công trình đang còn mới, chưa kịp đưa vào sử dụng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo lý giải của một số địa phương là do việc xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập còn phụ thuộc vào các quy định về quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cơ sở.
Hướng dẫn của các Bộ, ngành về việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư chỉ quy định chung chung nên địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xử lý các nhà văn hóa thôn, xóm dôi dư khó khăn do nguồn vốn đầu tư xây dựng các nhà văn hóa chủ yếu được huy động từ nguồn đóng góp của Nhân dân.
Mới đây Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Lại Thế Nguyên đi kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn các huyện Thiệu Hóa và Thọ Xuân.
Sau khi kiểm tra, ông Lại Thế Nguyên cho rằng, việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sáp nhập chưa hiệu quả một phần do các huyện chưa thật sự chủ động trong việc xây dựng các phương án, cũng như tiến hành các trình tự thủ tục pháp lý để xử lý tài sản.
Sở Tài chính và Sở Nội vụ chưa sâu sát, đôn đốc, hướng dẫn các huyện xử lý tài sản này. Ngoài ra, việc vận dụng các quy định của pháp luật trong xử lý tài sản công sau sắp xếp chưa thật sự thống nhất.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng yêu cầu Sở Tài chính có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức quản lý các tài sản khoa học, không để tài sản bị xuống cấp, hư hỏng.
Đề nghị Sở Tài chính có báo cáo tổng quát về thực trạng các loại tài sản dôi dư theo 3 nhóm trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời đề xuất hướng xử lý. Cùng với đó, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, sau khi có quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng phương án chuyển đổi phù hợp. Trong đó, trước hết phải giải quyết dứt điểm tình trạng dôi dư các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố theo phương án bàn giao cho cộng đồng để nhân dân quản lý, sử dụng.
Đối với nhóm công sở cấp xã, những cái nào đã có phương án bàn giao cho cơ quan Nhà nước khác quản lý, sử dụng thì bàn giao ngay. Đối với các cơ sở dôi dư còn lại, huyện cần xây dựng phương án xử lý phù hợp quy hoạch, phương án sử dụng đất nhằm phát huy hiệu quả kinh tế.