Đến bất kỳ xã biên giới nào cũng có thể gặp gương công an điển hình
Cho rằng, nếu tác giả đến bất kỳ xã nào trong 391 xã biên giới thì đều sẽ bắt gặp các tấm gương công an xã điển hình, Đại úy Khuất Bảo Trung khẳng định: Chi tiết ấy đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương tăng cường Công an chính quy từ cơ quan Bộ về các xã biên giới, trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
Chiều 30/5, tại Hà Nội, tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết các tác phẩm điện tử về chủ đề "Bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở", các đại biểu tham dự đã có những chia sẻ chung quanh cuộc thi ý nghĩa này.
Góc nhìn 4D trong loạt bài đạt giải Nhất
Tại Lễ trao giải, nhà báo Nguyễn Xuân Tùng (Thông tấn xã Việt Nam) đã chia sẻ kỷ niệm khi thực hiện loạt bài "Để Tây Nguyên bình yên, phát triển" - một trong 4 tác phẩm được vinh dự nhận giải Nhất của cuộc thi.
Được biết đến như một vùng đất huyền thoại, Tây Nguyên là nơi cùng sinh sống của gần 6 triệu đồng bào thuộc tất cả 54 dân tộc anh em, trong đó 53 dân tộc thiểu số với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng.
Đồng bào các dân tộc nơi đây có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng kiên cường; có nền văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú và đặc sắc.
Đây cũng là địa bàn mà các thế lực phản động, thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh trật tự trong khu vực, mới đây nhất là vụ việc xảy ra ở hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa lớn đối với phát triển vùng và cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Đại diện nhóm tác giả cho biết, loạt bài được thực hiện không lâu sau khi vụ tấn công vào trụ sở ủy ban nhân dân 2 xã ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xảy ra. Vào thời điểm này, là phóng viên theo dõi lực lượng Công an trong nhiều năm, nhà báo Xuân Tùng một mặt bám sát những thông tin chính thống; mặt khác chủ động gặp gỡ các chuyên gia an ninh nội địa để tìm hiểu tổng thể về vấn đề Tây Nguyên.
Qua những cuộc "tham vấn" này, nhóm tác giả có cái nhìn toàn diện hơn về Tây Nguyên và được gợi ý "bí quyết 4D" để triển khai loạt bài, bao gồm: Đời sống - Dân tộc - Đạo (Tôn giáo) và Đất đai.
"Xuất phát từ đây, chúng tôi bắt đầu triển khai ý tứ các bài viết. Để Tây Nguyên bình yên, phát triển luôn là mối quan tâm, mong muốn lớn lao của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 4 bài viết nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về Tây Nguyên và những vấn đề cần được giải quyết thấu đáo để Tây Nguyên phát triển bền vững", nhà báo Xuân Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, Trung tá Đỗ Thành Sự, Đội trưởng thuộc Phòng Công tác đảng và công tác chính trị Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng chia sẻ những câu chuyện cảm động về lớp học của Đại úy Phạm Văn Đành trên đỉnh núi hay hình ảnh "cõng chữ qua sông dữ" của các đồng chí Công an xã qua tác phẩm "Chuyện ghi ở Ba Lế".
Anh viết: "Tiếng ê a đánh vần trên đỉnh núi giữa đêm, tiếng người đàn ông trấn an bọn trẻ rồi cõng từng đứa vượt sông Liên đến trường. Những hình ảnh thân thuộc ấy, ít ai biết là hành trình đưa đồng bào Hre vượt qua khó nghèo của Công an xã Ba Lế.
Nơi đỉnh núi, những đứa trẻ du mục theo gia đình đi khai thác gỗ keo thoát khỏi cảnh mù chữ khi Công an xã Ba Lế cõng chữ lên đỉnh núi. Giữa lán trại trên núi cao lộng gió, nghe tiếng ê a đánh vần của tụi nhỏ vọng niềm tin về phía tương lai."
Rồi: Khi hỏi điều gì tâm đắc nhất về công tác tại xã vùng cao Ba Lế, Đại úy Lê Văn Ân cho biết: "Tuyệt vời khi được bà con yêu thương, ủng hộ". Hỏi về chuyện gia đình quê nhà. “Gần nửa tháng, từ Tết tới giờ mình chưa về gặp vợ con. Mỗi lần nhắn tin hay gọi điện động viên vợ, vẫn câu "bất hủ": vì anh là Công an xã…" Đại úy Lê Văn Ân kể trong niềm hân hoan giữa rộn rã âm thanh nhịp sống mới vùng cao Ba Lế.
Đến bất kỳ xã biên giới nào cũng có thể gặp gương công an điển hình
Chia sẻ câu chuyện của mình, Đại úy Khuất Bảo Trung, cán bộ Phòng 4, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) - nhân vật trong tác phẩm đạt giải Nhất có tên "Công an chính quy giúp chuyển hóa địa bàn xã biên giới" trân trọng gửi lời cảm ơn lãnh đạo Bộ Công an và Báo Nhân Dân đã tổ chức cuộc thi ý nghĩa. Theo Đại úy Trung, cuộc thi viết đã giúp nhân dân cả nước hiểu rõ hơn về những công việc thầm lặng của lực lượng Công an ở cơ sở.
Loạt bài 5 kỳ "Công an chính quy giúp chuyển hóa địa bàn xã biên giới" của báo VietnamNet được thực hiện vào tháng 9/2023 tại huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Loạt bài đã phản ánh câu chuyện thực tế về việc bám, nắm địa bàn của Công an xã Mù Cả (huyện Mường Tè). Xã Mù Cả được biết đến là địa bàn có diện tích gần bằng 1/2 tỉnh Bắc Ninh, là xã biên giới, địa hình chia cắt với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chung sống.
Năm 2023, Mù Cả chính thức được Bộ Công an đưa ra khỏi danh sách địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Kết quả trên có vai trò rất lớn khi Bộ Công an chủ trương bố trí Công an chính quy về xã và tăng cường cán bộ ở Bộ Công an đi các xã biên giới.
Câu chuyện về những nỗ lực của xã Mù Cả được đánh giá là tiêu biểu cho những kết quả ấn tượng mà Công an Lai Châu đạt được trong thời gian qua, đồng thời cũng toát lên hình ảnh màu áo Công an nhân dân giúp ổn định tình hình ở những địa bàn khó khăn bậc nhất trên cả nước.
Quá trình triển khai tuyến bài, nhóm phóng viên đã tiếp cận 2 điểm dân cư Cu Ma Thấp và Cu Ma Cao - nơi biệt lập hoàn toàn với trung tâm xã do lịch sử di dân tự do để lại. Hành trình nguy hiểm để bám bản của lực lượng Công an xã được phóng viên theo chân và phản ánh chân thực với đa dạng thể loại vốn là thế mạnh của báo điện tử.
"Cá nhân tôi hết sức may mắn được chọn làm nhân vật trong tác phẩm, may mắn gặp tác giả lặn lội đi đến vùng biên giới xa xôi để viết bài. Tuy nhiên, nếu tác giả đến bất kỳ xã nào trong 391 xã biên giới thì đều sẽ bắt gặp các tấm gương như vậy - điều này khẳng định tính đúng đắn của chủ trương tăng cường Công an chính quy từ cơ quan Bộ về các xã biên giới, trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự", Đại úy Khuất Bảo Trung bày tỏ.
Cũng theo Đại úy Trung, để có thể hoàn thành được các công việc được giao, nhân dân ở cơ sở đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Sự đồng thuận, hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân là động lực để lực lượng Công an triển khai tốt nhiệm vụ.
Đồng quan điểm với Đại úy Trung, Thiếu tá Nguyễn Thị Yến Hằng (Công an xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) - nhân vật trong loạt bài Những nữ cán bộ xã mang sắc phục xanh) bổ sung: Sự đánh giá, ghi nhận của quần chúng nhân dân chính là động lực để lực lượng công an cơ sở vượt qua khó khăn, thách thức.
"Khi về cơ sở, chúng tôi sẽ phải giải quyết rất nhiều công việc. Nhưng, tất cả luôn động viên nhau để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao, với niềm tin góp phần kiềm chế, đẩy lùi tệ nạn, mang lại hạnh phúc và bình yên cho nhân dân", chị chia sẻ.
Còn ông Vũ Xuân Lợi, Trưởng khu dân cư khu Hạ, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, cũng là nhân vật trong tác phẩm đạt giải cho biết, địa bàn nơi ông sống trước đây tệ nạn xã hội phức tạp, gây bức xúc cho người dân, nhất là tệ nạn ma túy.
Tuy nhiên, khi có chủ trương của Bộ Công an đưa Công an chính quy xuống địa bàn cơ sở thì lực lượng Công an đã gần dân, sát dân, dẹp được tệ nạn này, từng bước xóa bỏ các tụ điểm ma túy.
"Đến nay, địa bàn chúng tôi đã trở lại bình yên, cảm ơn các đồng chí Công an thị trấn đã giúp địa bàn có chuyển biến tích cực, đúng như lời bài hát mở đầu buổi lễ, 'xã mình có Công an' thì mọi việc đều được xử lý và giải quyết...", ông nhận định.