Đến bệnh viện nào ở Việt Nam khi nghi nhiễm vi rút corona?
Khi nằm trong đối tượng nghi ngờ, có nguy cơ lây nhiễm vi rút corona, người dân cần chủ động cách ly và đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Bác sĩ Trương Hữu Khánh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, khi người dân có tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh hoặc có đi đến vùng dịch tễ tại Trung Quốc kèm theo xuất hiện các triệu chứng bệnh lý hô hấp như ho, khó thở, sốt cao…, cần chủ động tự cách ly và đến ngay cơ sở y tế, tốt nhất là các bệnh viện tỉnh, thành phố để được khám và xét nghiệm bệnh.
Dưới đây là một số bệnh viện lớn tại các khu vực Bắc - Trung - Nam, người dân có thể chủ động đến hoặc thông báo các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh theo hướng dẫn hiện hành để được làm xét nghiệm và điều trị bệnh.
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam
Người dân tại các tỉnh, thành phố phía Nam có thể đến các bệnh viện lớn tại tỉnh để được trực tiếp khám, điều trị và cách ly nếu nghi ngờ nhiễm bệnh. Kết quả xét nghiệm sẽ được chuyển về Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế sẽ mời du khách vào khu vực khám lâm sàng, điều tra dịch tễ và tiến hành cách ly, vận chuyển đến các bệnh viện do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo bằng xe của Trung tâm Cấp cứu 115.
Nếu xét nghiệm xác định nhiễm vi rút corona, hành khách sẽ được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
Bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam dương tính với vi rút corona (trái) đã khỏi bệnh, được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Trương Khởi.
Ngoài ra, Khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang tiếp nhận điều trị cho hai trường hợp là cha con người Trung Quốc, dương tính với vi rút corona. Hơn 6 ngày điều trị, xét nghiệm lại cho thấy người con có kết quả âm tính với vi rút corona.
Tây Nguyên
Bên cạnh các trung tâm y tế, bệnh viện tại các tỉnh, khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc nằm trong đối tượng có đi, đến vùng dịch tễ, người dân khu vực Tây Nguyên có thể khám, điều trị và làm xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên có tiếp nhận và cách ly một nam bệnh nhân vừa từ Trung Quốc về quê nhà ăn Tết. Mẫu bệnh phẩm được gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để làm xét nghiệm.
Các tỉnh miền Trung
- Khánh Hòa
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa là nơi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Trước đó, bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận khoảng 8 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, trong đó có 4 người Việt Nam và 4 du khách Trung Quốc.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa chưa phát hiện ca bệnh nào dương tính với vi rút corona. Ảnh: An Bình.
- Đà Nẵng
Ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết, tính đến trưa 27-1, Bệnh viện Đà Nẵng đang theo dõi 12 bệnh nhân bị sốt, trong đó có 4 người Việt, 7 người Trung Quốc và 1 người Cộng hòa Czech.
Ngoài Bệnh viện Đà Nẵng, người dân có thể đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng nếu nằm trong đối tượng nghi ngờ mắc bệnh.
- Quảng Nam
Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam hiện cũng đang tiếp nhận và cách ly một nữ tiếp viên hàng không (29 tuổi, ngụ thành phố Hồ Chí Minh) do có dấu hiệu nghi nhiễm vi rút corona sau khi đến Thượng Hải, Trung Quốc. Bệnh nhân đã được lấy mẫu máu gửi để xét nghiệm.
- Thừa Thiên - Huế
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, đã bố trí phòng cách ly y tế, bảo đảm việc cách ly hoặc nghi ngờ hành khách nhập cảnh có dấu hiệu mắc bệnh. Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã chuẩn bị hai phương án, sẵn sàng ứng phó tình huống, bao gồm 10 giường bệnh điều trị và 20 giường sàng lọc khi có nguy cơ.
Đa số mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cách ly tại các bệnh viện khu vực miền Trung sẽ được gửi về Viện Pasteur Nha Trang để làm xét nghiệm.
Hà Nội và các tỉnh phía Bắc
Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện tuyến trung ương. Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh hoặc phát hiện người nằm trong đối tượng được khuyến cáo, người dân có thể chủ động đến hầu hết cơ sở y tế, bệnh viện lớn tại Hà Nội để được chẩn đoán và làm xét nghiệm.
Nam bệnh nhân nghi nhiễm vi rút corona được cách ly tại Bệnh viện E. Ảnh: T.X.
Mẫu xét nghiệm bệnh phẩm tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc được gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.
Một số bệnh viện lớn tại Hà Nội có thể tiếp nhận và điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc nhiễm bệnh (nếu có) là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trung ương…
Trước đó, Bệnh viện E cũng tiếp nhận nam bệnh nhân trở về từ Đài Loan (Trung Quốc) có dấu hiệu sốt. May mắn, mẫu xét nghiệm của bệnh nhân cho kết quả âm tính với vi rút corona.
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị vi rút corona của Bộ Y tế, các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút corona mới bao gồm:
Người bị sốt và viêm phổi, viêm phổi kẽ hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác, bao gồm tất cả trường hợp có chỉ định lâm sàng xét nghiệm viêm phổi cộng đồng.
Người bệnh sống hoặc đi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do vi rút corona mới trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng.
Người tiếp xúc vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày.
Người tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh 14 ngày) với trường hợp sốt và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do vi rút corona mới.
Bệnh có các biểu hiện lâm sàng, X-quang hoặc xét nghiệm giải phẫu bệnh phù hợp với các triệu chứng của bệnh viêm phổi lạ.
Một số trường hợp khác có thể mắc bệnh thông qua bằng chứng dịch tễ và lâm sàng, bao gồm người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm, như những người chăm sóc bệnh nhân (nhân viên y tế, gia đình, người thăm bệnh).