Đến Cù lao Chàm xem đan võng ngô đồng
Đến Cù lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam), du khách hẳn sẽ thích thú với đan võng ngô đồng, một nghề thủ công 'độc nhất vô nhị' ở Việt Nam.
Cụ Nguyễn Thị Muôn (91 tuổi) cho hay, nghề đan võng ngô đồng trên đảo này có từ mấy trăm năm trước và từng có thời kỳ nhà nào cũng có người biết đan võng. Ở tuổi 13, bà đã được mẹ dạy nghề, đến năm 15 tuổi mới đan được chiếc võng đầu tiên.
Để có một chiếc võng ngô đồng, phải trải qua nhiều công đoạn. Nguyên liệu để làm nên chiếc võng là cây ngô đồng, một loại cây thân gỗ có lá màu xanh thẫm, mùa xuân ra hoa đỏ. Cây mọc nhiều trên các vách núi cheo leo ở Cù lao Chàm. Chặt những thân cây hoặc cành nhánh cây ngô đồng về lấy phần vỏ, đem ngâm trong nước 20 ngày để vỏ cây mục ra. Khi đó chỉ còn xơ của vỏ cây, xơ này sau khi rửa sạch và phơi khô sẽ cứng, bóng và rất chắc.
Cụ Lê Thị Kề (82 tuổi, trú tổ 3, thôn Bãi Làng) cho hay, võng ngô đồng được đan theo kỹ thuật riêng. Từ những sợi xơ vỏ cây, người đan dùng tay xe chúng lại thành sợi dài rồi khéo léo, tỉ mẩn bện chúng thành võng. Để đan được một chiếc võng ngô đồng, những phụ nữ ở Cù lao Chàm phải mất gần 2 tháng mới đan xong. Chiếc võng làm ra có độ bền cao, nếu bảo quản tốt có thể sử dụng đến 20 năm. Vì công phu như thế nên mỗi chiếc võng ngô đồng thường có giá 5 - 7 triệu đồng, tùy theo loại võng 4 hoặc 6 múi đan.
Hiện nay, ởCù lao Chàm, còn một số ít người nắm được kỹ thuật đan võng ngô đồng nhưng tất cả đều đã bước vào giai đoạn "tuổi cao sức yếu". Ai cũng mong muốn truyền nghề cho con cháu nhưng lớp trẻ trên đảo bây giờ không mấy ai mặn mà với nghề đan võng này. Những người phụ nữ có nghề bán đồ lưu niệm hoặc kinh doanh hàng quán phục vụ du khách, đàn ông trai tráng thì đi biển, chạy xe thồ chở khách, làm hướng dẫn viên…