Đen đủi gia nhập HoSE giữa lúc lửa bỏng, vốn hóa OCB bay gần 5.000 tỷ đồng
Đưa 1,1 tỷ cổ phiếu OCB lên sàn HoSE giữa lúc thị trường giảm điểm kỷ lục, vốn hóa của Ngân hàng này bay hơi gần 5.000 tỷ đồng.
Ngày 28/1, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã đưa gần 1,1 tỷ cổ OCB vào giao dịch trên sàn HoSE.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của OCB là 22.900 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu, tương ứng vốn hóa ngân hàng đạt 25.096 tỷ đồng. OCB là mã cổ phiếu ngân hàng đầu tiên niêm yết mới trên HoSE năm 2021.
Trong bối cảnh VN-Index giảm gần 71 điểm vào phiên sáng nay, nhà đầu tư bán tháo thì diễn biến giao dịch cổ phiếu OCB cũng không ngoại lệ.
Kết thúc phiên sáng, cổ phiếu này giao dịch ở mức 18.400 đồng/cp, giảm 19,7% so với giá tham chiếu, tính sơ vốn hóa OCB đã mất gần 5.000 tỷ đồng. Khối lượng khớp lệnh hơn 6,2 triệu cổ phiếu.
Trước thềm niêm yết, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua hơn 16,3 triệu cổ phiếu OCB. Tính đến ngày 23/11/2020, ông Tuấn đã nâng sở hữu của mình lên 48,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 4,43%. Tổng sở hữu của gia đình ông Trịnh Văn Tuấn hiện vào mức 16,18% vốn tại OCB.
Về kết quả kinh doanh, năm 2020, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 4.420 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước. Tổng tài sản đạt 152.687 tỷ đồng, tăng 29%. Huy động vốn đạt 108.462 tỷ đồng, tăng 27%; tổng dư nợ tín dụng đạt 90.237 tỷ, tăng 24%.
Năm 2021, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 15%, đạt 5.060 tỷ đồng. Tổng tài sản dự tính tăng 19% lên 179.000 tỷ đồng với vốn chủ sở hữu tăng 22%, ở mức 21.600 tỷ đồng.
Trước đó, tại sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư ngày 22/1, chia sẻ về chiến lược cho giai đoạn 5 năm tới 2021-2025, ông Tuấn kỳ vọng ngân hàng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản và vốn điều lệ từ 20%-25%/năm.
Ông Tuấn cho biết thêm, trong thời gian tới, OCB dự kiến tập trung vào những phân khúc khách hàng đã lựa chọn; duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong nhóm dẫn đầu; nâng cao chất lượng tài sản thông qua hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế; tối ưu hóa công nghệ và nền tảng ngân hàng số để dẫn dắt tăng trưởng và hiệu quả.