Đèn giao thông đếm lùi: Thực tiễn thế giới, Việt Nam nên giữ hay bỏ?
Thời gian qua, có nhiều ý kiến khác nhau về đèn đếm lùi tại các nút giao thông ở Việt Nam. Từ kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, đèn đếm lùi được sử dụng ở nhiều nước; nhưng cũng có nhiều quốc gia không sử dụng, nhất là các nước phát triển. Từ nhiều khía cạnh khác nhau như: Tâm lý, hành vi lái xe, dòng giao thông, an toàn và hiệu quả giao thông… cần được xem xét và đánh giá để đưa ra quyết định bỏ hay duy trì.
1. Sơ lược về đèn đếm lùi
Đèn tín hiệu giao thông 3 màu (xanh - vàng - đỏ) xuất hiện lần đầu ở New York, Hoa Kỳ năm 1918. Kể từ đó đến nay, đèn tín hiệu giao thông được sử dụng phổ biến và không ngừng tiến bộ về cả phương diện kỹ thuật phân bổ thời gian của đèn tín hiệu và chủng loại. Về phương diện chủng loại có thể kể đến đèn 3 màu; đèn 3 màu với mũi tên; đèn mũi tên đơn; đèn chớp (nháy) vàng; đèn chớp đỏ; đèn tín hiệu chuyên dùng cho phương tiện giao thông hành khách công cộng, xe đạp, đi bộ; đèn đếm lùi và các loại đèn khác.
Ở Việt Nam, các loại đèn tín hiệu giao thông được sử dụng cũng tương tự như đề cập ở trên và được quy định chi tiết trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41/2019). Trong các loại đèn thì đèn 3 màu với vai trò đèn chính và đèn đếm lùi với vai trò đèn phụ được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Đèn 3 màu có nhiều nét tương đồng với các nước trên thế giới, còn đèn đếm lùi thì có những khác biệt nhất định với các nước phát triển. Bài viết này thảo luận khía cạnh liên quan đến thách thức về an toàn giao thông khi sử dụng đèn đếm lùi dành cho xe cơ giới ở nước ta trong điều kiện giới hạn về thống kê tai nạn và các nghiên cứu sâu liên quan để có góc nhìn rõ hơn và toàn diện hơn.
Đèn đếm lùi hay còn gọi đèn đếm ngược (countdown timers) được coi là một loại đèn tín hiệu phụ có dạng đồng hồ đếm ngược kỹ thuật số để báo hiệu thời gian có hiệu lực của đèn tín hiệu chính như đèn tín hiệu ba màu, đèn tín hiệu dành cho người đi bộ… nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định của người tham gia giao thông tốt hơn (Hình 1.1; Hình 1.2; Hình 1.3).
Đèn đếm lùi dựa vào đối tượng được hỗ trợ có thể phân thành ba loại, bao gồm đèn đếm lùi dành cho xe cơ giới, phi cơ giới và người đi bộ. Dựa vào tín hiệu đèn hiển thị có thể phân thành ba loại như sau: Đếm lùi tín hiệu đèn đỏ, đếm lùi tín hiệu đèn xanh, đèn đếm lùi liên tục. Dựa theo kiểu mẫu có thể phân thành hình tròn, hình vuông và hình chữ nhật. Theo QCVN 41/2019 của Việt Nam, chữ số trên đèn đếm lùi phải hiện thị được ở hai trạng thái màu xanh và màu đỏ. Khi tín hiệu trên đèn chính hiển thị màu xanh, chữ số màu xanh, khi tín hiệu trên đèn chính hiển thị màu đỏ, chữ số màu đỏ, tức tương tự với đèn đếm lùi liên tục.
Đèn đếm lùi được thử nghiệm triển khai lần đầu ở Hoa Kỳ vào đầu năm 1965 và cho kết quả tích cực. Tuy nhiên, do chỉ được lắp đặt cho hệ thống điều khiển với chu kỳ cố định nên rất ít được áp dụng ở phương tây, nơi mà điều khiển thích nghi phát triển rất sớm. Tuy nhiên, lại được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia châu Á từ đầu những năm 2000 và một số quốc gia châu Âu trong hơn một thập kỷ trước. Vì vậy, số lượng nghiên cứu về đèn đếm lùi còn hạn chế, nhất là đối với dòng giao thông hỗn hợp phụ thuộc vào xe máy như Việt Nam, nên hiệu quả về khai thác và an toàn của đèn đếm lùi vẫn là câu hỏi từ nghiên cứu đến thực tiễn cần lời giải đáp thích hợp.
2. Tình hình sử dụng đèn đếm lùi
Hiện nay, trên thế giới không nhiều quốc gia đã và đang sử dụng đèn đếm lùi trong điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu, ví dụ như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Hy Lạp, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Việt Nam... Dưới đây là những phân tích về việc sử dụng đèn đếm lùi ở một số quốc gia để thấy rõ hơn sự khác biệt giữa các các quốc gia.
Ở Hoa Kỳ, theo MUTCD (Manual on Uniform Traffic Control Devices) phiên bản 2009, chữ cái hoặc số (bao gồm cả đếm lùi) sẽ không được hiển thị như một phần của chỉ báo tín hiệu dành cho phương tiện giao thông. Đèn đếm lùi có thể được lựa chọn hiển thị khoảng thời gian chuyển dành cho người đi bộ (Pedestrian Change Intervals) nhằm thông báo cho họ biết khoảng thời gian còn dư để chuyển trạng thái. Lúc này, đèn đếm lùi sẽ được kết hợp đồng thời với chỉ thị nhấp nháy của biểu tượng bàn tay giơ lên (UPRAISED HAND) ngụ ý "DONT WALK". Một số nghiên cứu xác nhận rằng, đèn đếm lùi dành cho người đi bộ nói chung có tác động tích cực đến hành vi của người đi bộ vì nó cho biết khoảng thời gian còn dư nên rất hữu ích khi cần qua đường.
Ở Đức, trong hướng dẫn điều khiển bằng đèn tín hiệu (RiLSA) không đề cập đến sử dụng đèn đếm lùi. Tuy nhiên, khi chuyển đổi tín hiệu đèn đỏ sang tín hiệu đèn xanh sẽ bố trí một khoảng thời gian quá độ còn gọi là khoảng thời gian đỏ/vàng với thời lượng khuyến nghị 1s và không vượt quá 2s để người lái xe có sự chuẩn bị tốt trước khi được phép đi.
Ở Trung Quốc, trong tiêu chuẩn lắp đặt đèn tín hiệu hiện hành phiên bản 2016 (GB-14886-2016) tuy không đề cập đến loại đèn này, nhưng trong thực tế, đèn đếm lùi dành cho các loại phương tiện giao thông và người đi bộ vẫn được sử dụng ở nhiều nút giao thông của một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thanh Đảo, Tế Nam… Đây có thể do chúng được lắp đặt ở những năm 2000 trước khi tiêu chuẩn này có hiệu lực. Kết quả một nghiên cứu ở thành phố Changsha cho thấy, đèn đếm lùi có thể làm gia tăng số xe thông qua nút ở cuối đèn thời gian vàng, thậm chí đầu thời gian đèn đỏ.
Ở Ấn Độ, để giảm tiêu hao nhiên liệu trong khoảng thời gian chờ đợi lúc tín hiệu đèn đỏ, Hiệp hội Nghiên cứu bảo tồn dầu khí (PCRA) đã lắp đặt đèn đếm lùi ở các thành phố lớn của Ấn Độ. Một số nghiên cứu ở thành phố New Delhi cho thấy, đếm lùi tín hiệu đèn đỏ có thể giảm thời gian tổn thất khởi động (start-up lost time), nhưng đèn đếm lùi làm tăng hành vi vượt đèn đỏ ở 10 giây cuối và giảm ở 10 giây đầu.
Ở Ả Rập Xê-út, nút giao thông sử dụng đếm lùi tín hiệu đèn xanh (bao gồm cả đèn vàng) để chỉ thị thời gian còn dư trước khi chuyển sang tín hiệu đèn đỏ. Một nghiên cứu ở hai nút giao thông cho thấy, đèn đếm lùi làm giảm thời gian tổn thất khởi động cũng như giảm chiều dài vùng phức tạp trước vạch dừng xe (dilemma zone).
Ở Việt Nam, trong điều lệ báo hiệu đường bộ 22 TCN 237-01 có hiệu lực ngày 01/01/2002, đèn đếm lùi chưa được đề cập trong danh mục các loại đèn tín hiệu trên đường và phải đến QCVN 41/2012 thay thế 22 TCN 237-01, đèn đếm lùi mới bắt đầu được đề cập để lắp đặt ở khu vực đông dân cư nhằm tăng tính chủ động cho người lái xe trong việc dừng xe hoặc cho xe chạy. Nó tiếp tục được thể hiện trong các phiên bản cập nhật QCVN 41/2016 và QCVN 41/2019. Trong tiêu chuẩn cơ sở về thiết kế điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu (TCCS 24: 2018/TCĐBVN) của Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề cập đến sử dụng đèn đếm lùi tương tự như ở QCVN 41.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn cơ sở này cũng đề cập đến khoảng thời gian đỏ/vàng, tuy nhiên khoảng thời gian này chưa được áp dụng ngoài thực tế. Như vậy, có thể đèn đếm lùi bắt đầu xuất hiện ở nước ta sau khi 22 TCN 237-01 có hiệu lực một khoảng thời gian từ các dự án tài trợ và vay vốn nước ngoài để tăng cường năng lực hệ thống giao thông đô thị ở các đô thị lớn.
Đến nay, đèn đếm lùi dành cho xe cơ giới được sử dụng phổ biến ở các nút giao thông điều khiển bằng đèn tín hiệu. Tuy phổ biến là vậy, nhưng đèn đếm lùi dành cho người đi bộ lại rất hiếm. Hơn nữa, các tiêu chuẩn và quy chuẩn hiện hành cũng chưa đưa ra chi tiết và cụ thể cho loại đèn tín hiệu giao thông này. Qua phân tích trên cho thấy rằng, ở một số quốc gia đèn đếm lùi chỉ được dùng cho người đi bộ còn ở nước ta thì ngược lại, chủ yếu dành cho xe cơ giới. Bên cạnh đó, cách thức sử dụng kiểu mẫu đèn cũng có sự khác biệt nhất định.
3. Đèn đếm lùi dành cho xe cơ giới: Khía cạnh an toàn giao thông
Đèn đếm lùi dành cho xe cơ giới có thể cải thiện đáng kể hiệu quả khai thác của nút giao thông như giảm thời gian tổn thất khởi động, tăng năng lực thông hành, cũng như giảm chiều dài vùng phức tạp trước vạch dừng xe, nhưng nó cũng có thể tác động không tốt đến tâm lý của người lái xe và hành vi giao thông của họ, từ đó dấy lên các mối rủi ro tai nạn tiềm tàng. Do đèn đếm lùi hiển thị thời gian còn dư của hiệu lực đèn ở trạng thái hiện thời, có thể khiến một bộ phận người lái xe tăng tốc để đi qua nút giao ngay trước khi chuyển sang tín hiệu đèn đỏ hoặc khởi động sớm vượt lên trước ngay cuối tín hiệu đèn đỏ. Cả hai tình huống này đều có thể dẫn đến các xung đột giao thông, thậm chí có thể dẫn đến tai nạn, nhất là đối với những lái mới còn thiếu kinh nghiệm với kỹ năng lái xe thấp. Khi gặp hai tình huống trên, họ có thể do dự và lo lắng mà xử lý tình huống chưa phù hợp, kéo theo sự cố giao thông bất ngờ, từ đó làm gia tăng nguy cơ mất an toàn ở nút giao thông.
Dưới đây là một số kết quả nghiên cứu điển hình về khía cạnh an toàn của đèn đếm lùi như một bức tranh minh họa về thách thức khi áp dụng. Một nghiên cứu ở Singapore cho thấy rằng, về lâu dài việc lắp đặt đếm lùi tín hiệu đèn xanh không hạn chế được hành vi vượt đèn đỏ. Nghiên cứu ở Hy Lạp cho thấy đèn đếm lùi có thể làm gia tăng hành vi hung hăng khi chờ tín hiệu chuyển sang xanh, khuyến cáo cẩn trọng áp dụng. Tương tự, quan sát 187 nút giao thông có đèn đếm lùi trong một năm ở Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy, đếm lùi tín hiệu đèn xanh xu hướng tăng tính hung hăng và làm gia tăng 100% và 33% về số vụ và số người bị thương do tai nạn; trong khi đếm lùi tín hiệu đèn đỏ làm tăng tuân thủ tín hiệu đèn đỏ và làm giảm đến 50% số vụ tai nạn và số người bị thương do tai nạn. Một số nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc cho thấy, đếm lùi tín hiệu đèn đỏ mang lại hiệu quả giao thông tốt hơn đếm lùi tín hiệu đèn xanh (ví dụ như giảm thời gian tổn thất khởi động), nhưng rất cẩn trọng lắp đặt chúng do liên quan đến rủi ro tai nạn. Tương tự, một số nghiên cứu ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia cũng tiết lộ đèn đếm lùi gia tăng nguy cơ dẫn đến vượt đèn đỏ và tai nạn.
Tuy nhiên, một số rất ít nghiên cứu lại đi ngược với các kết quả trên khi cho thấy đèn đếm lùi tác dụng tích cực đến an toàn như giảm một số loại va chạm ở Vương quốc Anh; giảm trường hợp vượt đèn đỏ ở Malaysia, Trung Quốc, Ba Lan. Từ đó cho thấy, ở cùng một quốc gia có thể cho kết quả trái ngược nhau do các nghiên cứu thực hiện tại các vị trí cụ thể nằm ở các khu vực khác nhau với bối cảnh giao thông khác nhau mà chưa có nghiên cứu mang tính toàn diện. Tựu trung lại, phương diện an toàn là trở ngại lớn cho áp dụng đèn đếm lùi dành cho xe cơ giới. Điều này đi ngược lại sự kỳ vọng và mục đích ban đầu khi lắp đặt đèn đếm lùi, đồng thời đưa ra các thách thức trong việc duy trì loại đèn này trong điều kiện hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu ngày một thông minh và hiện đại.
Để đánh giá đúng vai trò cũng như có góc nhìn toàn diện hơn về đèn đếm lùi đang sử dụng ở nước ta, dưới đây đưa ra một số khuyến nghị mang tính định hướng.
- Thứ nhất, tăng cường các nghiên cứu liên quan đến ảnh hưởng của đèn tín hiệu đối với hành vi giao thông, hiệu quả khai thác và an toàn giao thông trong điều kiện giao thông ở Việt Nam từ vĩ mô đến vi mô.
- Thứ hai, tăng cường các biện pháp giáo dục và tuyên truyền về chấp hành pháp luật và quy tắc giao thông đường bộ.
- Thứ ba, hoàn thiện các hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến đèn đếm lùi.
- Thứ tư, tăng cường áp dụng các ứng dụng của hệ thống giao thông thông minh để xử lý các hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy tương tự như đã thực hiện với ô tô.
- Thứ năm, sớm hoàn thiện theo quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đồng bộ với hoàn thiện hệ thống giao thông hành khách công cộng. Khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân sang sử dụng dụng phương tiện công cộng để từ đó lòng đường sẽ thông thoáng hơn, trật tự giao thông có thể được cải thiện.
Việc sử dụng đèn đếm lùi nói chung và cho xe cơ giới nói riêng liên quan đến nhiều khía cạnh như tâm lý người lái, hành vi lái xe, dòng giao thông, an toàn và hiệu quả giao thông… với mỗi khía cạnh cần được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ trong bối cảnh giao thông cụ thể để làm căn cứ xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn cho loại đèn tín hiệu giao thông này.