Đến giờ tôi mới dám tin 'mình có con gái'

Tận hôm nay, khi con gái đã 25 tuổi, lấy chồng và sinh cháu trai tròn tháng, tôi lên chức ông ngoại mới dám tin mình có con gái!

Cái duyên cha con nó nhiều thử thách, trắc trở và mong manh quá. Xuất ngũ, cưới vợ, sinh con gái (2/1998) vừa được 6 tháng thì tôi bị tai biến. Cấp cứu, chữa chạy gì cũng vô vọng. Đầu luôn đau như búa bổ, quay cuồng, nôn mửa suốt ngày. Nhà vô sản. Tôi thất nghiệp, chỉ có đồng lương giáo viên ít ỏi của vợ (200 ngàn). Bạo bệnh ập đến, cuộc sống sụp đổ hoàn toàn.

Thời đó thuốc men qua loa lắm, đến đâu cũng chỉ chụp cắt lớp, điện não đồ, thuốc bổ, thuốc ngủ… rồi về. Não tổn thương sâu nên tôi bị “động kinh cục bộ”, vài hôm lại lên cơn co giật. Gân cốt như bị xé rách, người nhũn nhão, vô cùng tuyệt vọng. Sau này biết, do những cơn hôn mê sâu, não mất ô xy nên không chỉ rối loạn mô não, mà các tế bào thần kinh của tôi đã bị hủy hoại...

Tôi tình cờ biết mình bị mất hoàn toàn kí ức, khi bác sĩ đứng ngay trước mặt, gọi tên tôi 3 lần vào khám mà tôi không hề nghĩ là gọi mình. Tuyệt vọng cùng cực! Sức đang phầm phập, bỗng dưng phải vịn tường mà đi. Muốn biết tên mình, bố mẹ anh chị em… thỉnh thoảng lại vào tủ lấy giấy khai sinh ra đọc…

Con gái yêu của cha

Con gái yêu của cha

Chuyện liên quan đến con gái, bắt đầu từ một buổi trưa trên cầu Long Biên. Tôi không nhớ chính xác, chỉ biết vào tầm giữa trưa một ngày cuối năm 1998 - tôi được chị gái vợ đang học thạc sĩ ở Hà Nội, đưa xuống khám ở Khoa Thần kinh (Bạch Mai) và Khoa Sọ não (Xanh Pôn). Lúc đi ai cũng động viên, xuống viện là chữa khỏi. Nhưng cả 2 viện đều không nhận và nói bệnh này phải sống chung, về ăn uống nhiều vào, ngủ nghỉ nhiều, không lo lắng…

Bấy nhiêu thôi, như “lời dặn cuối cùng”, như “bệnh viện trả về”. Tuyệt vọng càng thêm tuyệt vọng!

Sáng đó chị đi trường, dặn dò tôi rất kĩ. Đầu tôi đau, mệt mỏi, chán nản, vô thức, vô vọng. Điều duy nhất là muốn ngủ một giấc thật sâu, mãi mãi. Không còn phải đập đầu vào tường, đánh vật cứng vào đầu, càng đánh càng thích. Thích cái đau ít át cái đau nhiều.

Muốn nhưng lại không thể ngủ. Chính cái đợt mất ngủ 28 ngày đêm liên tục đã khiến tôi gục ngã.

Tôi vô thức khóa phòng và đi lang thang. Có lẽ đến trưa thì lên cầu Long Biên. Ngó xuống thấy biển nước nâu, chảy êm đềm như một vòng tay dang ra vẫy vẫy. Tôi ngồi trên thành cầu ngó xuống dòng nước sâu thẳm, thích thú. Một quyết định rất nhanh, là nhảy xuống. Nhảy xuống sẽ được ngủ, sẽ thoát khỏi những khổ sở cùng tận. Gió Bấc thổi điên cuồng. Chả ai cản, người đi trên cầu, tiếng xe, tiếng còi cứ như cổ vũ.

Giây phút quyết định, bỗng văng vẳng tiếng trẻ con khóc. Tiếng khóc chói trong đầu. Hình ảnh đứa con gái nằm gào khản đặc, tím tái vì mẹ chạy đi tìm người cấp cứu bố…

Con gái tôi đã lôi tôi về thực tại! Tôi mất kí ức. Nhưng lại mồn một cái cảnh người ta đè tôi ra, tống cái muôi sắt vào mồm phòng cắn lưỡi; những câu chửi tục tĩu của một bác sĩ… . Hình như nhớ rất rõ để tuyệt vọng thì phải (?)

Từ đó, trong cuộc chiến tự cứu mình sau này, tự luyện tập để tìm lại trí nhớ (7 năm ròng)… luôn có tình yêu đặc biệt của con gái. Phương châm “sống để con sống” luôn thôi thúc, nên từ một ông bố thất nghiệp tôi trở thành nhà báo, nhà văn (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam). Từ thân tàn ma dại trở nên khỏe mạnh. Từ “người âm” cháy 2 bàn tay do vay mượn cứu mình (khoảng 25 tỷ thời giá hiện tại), giờ đã có 2 dự án nhỏ để cho các con…

Nhưng, cái “chữ duyên” CHA VÀ CON GÁI đâu chỉ đơn giản thế!

Năm cháu 13 tuổi, cháu bị xe máy đâm chấn thương sọ não. 14 ngày giành giật tử thần để “sinh ra cháu lần thứ 2” với gần 1 cân máu đông hút ra từ trong não, nhưng phải mất tới 12 năm sau, tôi mới dám tin… mình có con gái. Chúng tôi cứu con bằng vật chất, nhưng nuôi con bằng máu và nước mắt. Những năm đầu cháu luôn khủng hoảng và tuyệt vọng. Sức khỏe ảnh hưởng trầm trọng bao nhiêu thì tinh thần hoảng loạn bấy nhiêu. Không kể đêm ngày, cháu hoảng loạn: “Bố mẹ cứu con, bố mẹ cứu con! Con ngã xuống vực rồi!”. Chuỗi ngày cùng cực! Con không hồn vía. Mẹ nước mắt. Còn tôi thì run rẩy bấn loạn...

Vết sẹo dài 22cm vắt ngang qua đầu con, nay vẫn không mờ

Vết sẹo dài 22cm vắt ngang qua đầu con, nay vẫn không mờ

Phần vỏ não phải bị “rỗng”, nên mỗi lần vô tình nghiêng nhẹ là não bị xô, do lỏng, phải hồi phục trong thời gian dài. Rất may chỉ là di chứng tạm thời 2 - 3 năm, tuy nhiên 2 - 3 năm ấy cả nhà chỉ sống vì cháu, ăn uống sinh hoạt, nói năng, hành vi cử chỉ… vì cháu. Cháu vẫn đi học, vẫn bị kì thị là “con điên”, “con vỡ sọ não”… - rất tiếc là việc này, phải đến khi cháu vào Học viện Báo chí, khi cháu đã vượt qua được mặc cảm tuổi teen, trưởng thành hơn và “mở lòng” đón nhận bố như là một người bạn - một bạn trai bằng vai phải lứa; một bạn thân, bạn tri kỉ… cháu mới thổ lộ (!)

5 ngày đêm ôn thi cho con vào trường Báo, rồi 50 đêm, 500 đêm, 5.000 đêm sau này nữa… bố con xa nhau, chỉ còn “tâm tình” qua tin nhắn. Và ơn giời, nhờ vậy mà biết, mà bên con, động viên, định hướng, thậm chí “ngăn chặn” được nhiều phen… hú vía.

Giờ vẫn hằng đêm nhắn nhe tất cả những gì bố biết ở đời, những gì bố nuôi dạy con, những gì là trí, là tâm, là nhân, là nghĩa… Người ta bảo bố con gái là “người tình kiếp trước”, nhưng bố con tôi, chắc là “nợ nần” kiếp trước, kiếp này và cả kiếp sau nữa! Không thể thiếu nhau!

…“Hi, con!”, “Bôi dầu gió cho Bơ được không à?”. “Không được nhé, hồi xưa bố từng làm bỏng con rồi đấy… Con làm thế này, thế này…”…

Tôi luôn bên con, mọi lúc, mọi nơi, dù xa hay gần:

Viết cho sinh nhật con gái tuổi 18

Mai là con trưởng thành rồi

Đường đời hiểm họa đợi đôi chân mềm

Không vòng tay vỗ hằng đêm

Không câu che chắn ấm êm tứ bề

Tự con chọn lối đi về

Tự làm nên mọi khen, chê, bạn, thù

Cái thời không chứa kẻ ngu

Quá khôn càng chết, mập mù cũng tiêu

Con không phải mẫu diễm kiều

Thì đừng chọn tạng ngoa điêu lăng loàn

Chỉ mong con mãi chăm ngoan

Miệng môi lễ phép, tân toan cửa nhà

Sau này về với người ta

Họ không nỡ mắng con là… nọ kia

Tâm mang khắp chốn sẻ chia

Đức gom suốt kiếp làm bia sau này

Bụng đừng ác, mặt đừng dày

Cho dù giông tố đừng thay đổi lòng !

Mừng con sinh nhật mấy dòng

25/02/1998

Và tôi cũng luôn luôn… Dặn con

Con đã lớn, và đã thành thiếu nữ

Vừa đủ hành trang để sống xa nhà

Ví xã hội như một con thú dữ

Thì vào rồi sẽ chỉ thấy xót xa!

Con hòa nhập bằng tâm hồn non nớt

Con chống chèo bằng bản lĩnh trong veo

Sẽ có lúc khiến con buồn bất chợt

Và nhiều khi con đau đớn ngặt nghèo!

Con cố gắng thì không gì không thể

Con buông xuôi, mọi thứ cũng… xong xuôi

Mỗi khi khóc, con nhớ còn có bố

Mỗi lúc buồn, gọi bố sẽ dần nguôi!

Là con gái, phải khiến mình hiền giá

Chăm chỉ, thật thà, cử xử lễ nhân

Câu nói, hành vi… biết thương mình con ạ

Đừng để miệng lời làm mất phúc ân!

Con càng lớn, bố ngày càng nói ít

Mong mỏi con hiểu vạn hiểu ngàn

Thói nhà xấu thì bỏ đi con nhé

Dũng cảm nhận mình dốt để vươn lên!

Viết cho ngày con vào đại học, 22/8/2016

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Nguyễn Đức Lợi

Địa chỉ: Đào Viên Sơn - Ẳng Tở - Mường Ảng - Điện Biên

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem

Ban tổ chức

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/den-gio-toi-moi-dam-tin-minh-co-con-gai-d191786.html