Đến hè, lại lo trẻ… đuối nước
Mới đây, tại tỉnh Quảng Nam, 2 học sinh lớp 4 đi tắm ở đập thủy lợi, không may bị đuối nước. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn tương tự, cướp đi mạng sống của gần 20 trẻ. Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ LĐTB-XH), bình quân khoảng 2.000 trẻ bị đuối nước mỗi năm.
Tăng cường dạy bơi cho học sinh
Theo Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), ít xảy ra trường hợp trẻ tại TPHCM bị tai nạn đuối nước, do thành phố hơn 10 năm qua đã triển khai chương trình phổ cập bơi cho trẻ.
UBND TPHCM cũng đã phê duyệt Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn. Mục tiêu được đề ra là: đến năm 2025, có 50% trẻ từ 6-16 tuổi biết bơi an toàn; vào năm 2030, con số này đạt 60% .
Chị Trịnh Thị Hiền Trân, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TPHCM, cho biết, năm 2023, với chủ đề “Em yêu thành phố của em”, Ban Chỉ đạo sinh hoạt hè TPHCM tiếp tục triển khai các hoạt động thể dục thể thao hè, dạy phổ cập bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước… cho trẻ tại các trung tâm văn hóa - thể thao, trung tâm thể thao, Nhà Thiếu nhi của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện. Hoạt động này được triển khai từ ngày 28-5 đến ngày 20-8, trong đó có 2 tuần định hướng các điểm sinh hoạt hè trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước và xử lý các tình huống khi xảy ra đuối nước.
Cụ thể, ngày 28-5 sẽ khai giảng lớp dạy bơi miễn phí và trao tặng thiết bị học bơi cho thiếu nhi tại huyện Bình Chánh. Trung tâm sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi thành phố sẽ triển khai chương trình “Vui cùng làn nước xanh”, phổ cập bơi và trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho thiếu nhi tham gia chương trình.
Ngoài ra, các chương trình huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội như: “Học làm chiến sĩ Công an”, “Học làm chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam”, “Học làm chiến sĩ Bộ đội Biên phòng”, “Trại hè lính cứu hỏa” do Nhà Văn hóa Thanh niên, Đoàn Thanh niên Công an TPHCM, Bộ đội biên phòng TPHCM, Bộ Tư lệnh TPHCM tổ chức cũng được lồng ghép dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ.
Dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh cũng là hoạt động trọng tâm của các quận - huyện đoàn trên địa bàn thành phố, với bình quân khoảng 1.000 trẻ được dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước mỗi dịp hè.
Chủ động hơn trong phòng ngừa
Theo các bác sĩ, đa số trẻ bị tai nạn thương tích, đuối nước chủ yếu vẫn do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh. Mùa hè, khi trẻ không phải đến trường, nguy cơ này càng gia tăng. Trong số các tai nạn thương tích, đuối nước là một trong những tai nạn gây tử vong nhiều nhất ở nước ta, sau tai nạn giao thông.
BS-CKI Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), khuyến cáo, đuối nước thường xảy ra rất nhanh, nếu phát hiện muộn rất khó cứu; nếu cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh hoặc khiến người bị đuối nước phải sống đời thực vật. Không chỉ ở nơi có sông, suối, ao, hồ, mà ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như giếng, bể chứa nước, bồn tắm… cũng là nơi có nguy cơ làm trẻ bị đuối nước. Do đó, trong nhà nên đóng cửa phòng tắm khi không sử dụng; nên cho trẻ học bơi để có thể tự cứu mình.
BS-CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, lưu ý, khi trẻ ngạt nước, phụ huynh cần nhanh chóng đặt trẻ nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu không may trẻ bị ngưng thở, phải tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức, phối hợp ấn tim và thổi ngạt trong 2 phút, dù không có kết quả vẫn phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả khi đang trên đường chuyển trẻ đến cơ sở y tế.
Cứu người đuối nước phải đúng kỹ thuật
Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng CSGT đường thủy, Công an TPHCM, khuyến cáo:
mTrong trường hợp trẻ bị đuối nước, nếu người lớn không biết bơi thì cần tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho trẻ bám vào và hô hoán để người biết bơi tới ứng cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi.
mKhi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước, cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
mKhi đưa được nạn nhân lên bờ, cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu nạn nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
mKiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/den-he-lai-lo-tre-duoi-nuoc-post690434.html