Đến hẹn lại… ô nhiễm
ĐBP - Những tháng cuối năm là vụ thu hoạch dong riềng của bà con nông dân tại TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Mường Chà… Với bà con nông dân thì dong riềng không những mang lại miếng cơm manh áo mà còn góp phần giúp họ thoát nghèo. Mỗi vụ dong riềng qua đi, nhiều hộ lại mua sắm được các vật dụng sinh hoạt có giá trị trong gia đình. Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, kiên cố cũng nhờ thu nhập từ dong riềng.
Với các cơ sở sản xuất dong riềng cũng vậy. Mỗi năm họ chỉ trông chờ vào mấy tháng khi loại nông sản này vào vụ. Ngoài tăng doanh thu, lợi nhuận, còn giải quyết rất nhiều việc làm cho lao động địa phương. Giá dong riềng ổn định, nông dân thu hoạch đến đâu có tư thương mua gom đến đó nên bà con rất phấn khởi.
Mặt tích cực là vậy. Tuy nhiên, mặt trái là các cơ sở chế biến dong riềng đang gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề. Nước thải, bã thải từ dong riềng gây hôi thối, tanh tưởi cả một khu vực rộng lớn. Chế biến dong riềng cần rất nhiều nước để rửa củ tươi, nghiền bột, ngâm ủ bột… Xong các quy trình ngâm ủ, các cơ sở chế biến dong riềng vô tư xả thẳng nước thải ra khe suối, khu đất gần đấy. Nước thải chảy đến đâu, tôm cá, thủy sinh tại các dòng suối không còn cơ hội sống sót. Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân không nên lấy nước đã ô nhiễm do chế biến dong riềng tưới đồng ruộng, hoa màu...
Điều đáng nói, vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến dong riềng xảy ra đã nhiều năm nay. Mỗi lần như vậy, báo chí lên tiếng phản ánh, chính quyền các cấp tìm giải pháp xử lý, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Vấn đề ô nhiễm môi trường do chế biến dong riềng cứ lặp đi lặp lại theo kiểu “đến hẹn lại lên”.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các cơ sở chế biến dong riềng không đầu tư hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn quy định? Nói thì dễ còn thực hiện rất khó. Vì rằng, mỗi năm hoạt động thu mua, chế biến dong riềng thường diễn ra 3 - 4 tháng. Thời gian còn lại họ đóng cửa vì không có nguyên liệu sản xuất. Lợi nhuận từ kinh doanh dong riềng (sau khi trừ chi phí) không lớn. Nếu các cơ sở này đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy mô, yêu cầu là quá sức của họ. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 cơ sở thu mua, chế biến dong riềng, nhưng không nơi nào có hệ thống xử lý môi trường đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn.
Giải pháp lâu dài, bền vững cho vấn đề bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến dong riềng là chúng ta cần thu hút đầu tư mạnh hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp. Phải mời gọi được các nhà đầu tư có năng lực, công nghệ chế biến hiện đại, quy trình khép kín mới mong giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường như thời gian qua. Việc mời gọi, thu hút đầu tư phải chủ động hơn nữa, làm nhanh, quyết liệt hơn nữa và phải có chính sách đặc thù; tránh đầu tư dàn trải, kéo dài nhiều năm, người dân sản xuất ra củ dong riềng không biết bán cho ai. Thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 950ha dong riềng, sản lượng hàng năm khá lớn. Nếu không có cơ sở thu mua, chế biến tại chỗ, mà để cho thương lái ngoài tỉnh đến thu mua, họ sẽ giảm giá xuống thấp, vì phải chi phí vận chuyển, dẫn tới đầu ra không ổn định, bấp bênh thì thua thiệt lại thuộc về nông dân.
Giải quyết hài hòa bài toán đầu ra cho củ dong riềng, tăng thu nhập cho người nông dân và hạn chế tới mức thấp nhất vấn đề gây ô nhiễm môi trường do chế biến dong riềng là việc cần làm ngay của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chủ trương, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh nông nghiệp đã có, thì cần bắt tay làm ngay, phải đặt mình vào vị trí người dân mới chia sẻ, thấu hiểu hết vấn đề.
Trước mắt, khi đang chờ các nhà đầu tư đủ lớn, có năng lực vào xây dựng cơ sở chế biến dong riềng, thì chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu thực hiện tốt việc lắng lọc nước thải một thời gian mới được xả ra môi trường. Nếu đơn vị nào không chấp hành thì lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính, cần thiết thì đóng cửa nhà máy. Cơ sở nào có tình vi phạm, xem thường pháp luật, tùy theo mức độ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Làm nghiêm một vài vụ thì ý thức chấp hành của các cơ sở chế biến dong riềng sẽ nâng lên. Khi đó mới hạn chế được tình trạng “bạ đâu xả đó”, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như những năm vừa qua.