ĐẾN HẾT THÁNG 7/2022: XỬ LÝ, GIẢI QUYẾT 395 VỤ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC BẢO HIỂM

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị cho biết: Trong giai đoạn 2020-2022, tính đến hết tháng 7/2022, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã tiến hành 08 cuộc thanh tra, chủ trì, phối hợp, xử lý giải quyết 395 vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.

Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện các quy định về niêm yết giá để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Đề xuất các giải pháp, phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 và chuẩn bị nội dung cần báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về dự án Luật; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 tới. Một trong những nội dung được Bộ Tài chính đưa ra trong cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mới đây chính là tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đối với lĩnh vực bảo hiểm.

Đề cập về việc thực hiện các quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Trong thời gian từ năm 2017 đến tháng 9/2019, Liên bộ Bộ Công Thương - Bộ Tài chính đã phối hợp triển khai Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Theo đó Liên bộ đã ban hành Quy chế số 4330/QCPH/BTC-BCT ngày 31/3/2017 và thực hiện phối hợp phê chuẩn sản phẩm, đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trước khi doanh nghiệp triển khai.

Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với Bộ Tài chính, trong đó có đề cập về chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bảo hiểm.

Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với Bộ Tài chính, trong đó có đề cập về chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bảo hiểm.

Từ sau thời điểm 01/10/2019, công tác phối hợp dừng lại, lý do: Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời cũng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, ngày 13/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, kể từ ngày 01/10/2019, nhóm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ không còn thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để đảm bảo các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, dù không được đăng ký hợp đồng giao dịch mẫu, điều kiện giao dịch chung vẫn tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, Bộ Công thương thực hiện hậu kiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Tài chính thực hiện phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó đã có những quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Về việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, trong năm 2021-2022, Bộ Tài chính đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có các nội dung liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm như: Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021 của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã sử dụng giấy chứng nhận điện tử, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, quy định tạm ứng, bồi thường ngay cho người bị tai nạn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường cho người được bảo hiểm. Cụ thể, Nghị định đã cắt giảm 2/5 chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; người được bảo hiểm chỉ phải thu thập các tài liệu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp các vụ tai nạn gây hậu quả tử vong đối với hành khách và bên thứ ba, đồng thời quy định rõ thời hạn cơ quan công an phải cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp bảo hiểm để giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm đúng thời hạn quy định.

Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15/1/2021 của Bộ Tài chính đã quy định gia hạn thời hạn thanh toán phí bảo hiểm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm trong việc thực hiện quy định về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm và kéo dài thời hạn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tháng 6/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, trong đó, ban hành các quy định mới về bảo vệ người tham gia bảo hiểm như: Hoàn thiện quy định về hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật như quy định về hợp đồng vô hiệu; quy định về về đình chỉ hợp đồng; quy định về chấm dứt hợp đồng; quy định về về hủy hợp đồng; quy định về bồi thường; Chuẩn hóa hoạt động kênh phân phối đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm phù hợp với thực tiến của thị trường và thông lệ quốc tế, bổ sung các điều đại lý, môi giới không được làm; Quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, phân phối bảo hiểm qua internet và quy định về bảo mật thông tin khách hàng; Tăng cường minh bạch hóa thông tin của sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đối với người tham gia bảo hiểm và các tổ chức, cá nhân có liên quan; Bổ sung phương thức giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm.

Về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết thêm, trong giai đoạn 2020-2022, liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, tính đến hết tháng 7/2022, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính đã tiến hành 08 cuộc thanh tra, chủ trì, phối hợp, xử lý giải quyết 395 vụ khiếu nại, tố cáo, trong đó có 381 vụ khiếu nại, kiến nghị, phản ánh và 14 vụ tố cáo. Trong đó, các vụ khiếu nại chủ yếu là tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua bảo hiểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, cần đề cập rõ ràng hơn về trách nhiệm, hình thức, mức độ xử phạt doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng như thông tin rõ về quyền lợi của người tiêu dùng khi mua bảo hiểm, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm ở trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Qua đó, người tiêu dùng có thể nắm bắt thông tin kỹ lưỡng, rõ ràng hơn về những lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm của mình trước khi đồng thuận có nên mua hay không mua bảo hiểm. Ngoài ra cũng là để doanh nghiệp ý thức hơn trong việc thực hiện các cam kết với người mua bảo hiểm như trong hợp đồng ký kết. Nếu doanh nghiệp vi phạm hợp đồng đã cam kết thì sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật, xử phạt theo quy định của pháp luật./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=67028