Đến Huế du xuân, ngắm lăng tẩm các vua triều Nguyễn

Huế là một trung tâm du lịch hấp dẫn, nơi những di tích và lăng tẩm có sức thu hút đặc biệt với cả du khách và các nhà mỹ thuật.

Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng)

Lăng Gia Long

Lăng Gia Long

Lăng Gia Long hay Thiên Thọ Lăng là lăng tẩm của Gia Long hoàng đế (1762–1820), vị vua sáng lập Triều Nguyễn. Lăng Gia Long thực ra là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến, nay thuộc địa phận xã Hương Thọ, thành phố Huế. Lăng Vua Gia Long là một bức tranh trác tuyệt về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó, thiên nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vĩ của cảnh quan. Đến thăm lăng, du khách được thả mình trong một không gian tĩnh lặng nhưng đầy chất thơ, để suy ngẫm về những thành bại của cuộc đời mình cũng như vinh nhục của vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn.

Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng)

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng) nằm trên ngọn núi Cẩm Khê cách thành phố Huế khoảng 14km, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp nguồn tạo thành sông Hương. Lăng được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 1840 và được Vua Thiệu Trị tiếp tục xây dựng hoàn tất vào năm 1843. Lăng Minh Mạng với hai hồ và kiến trúc trang hoàng tuyệt đẹp, là một trong những lăng tẩm uy nghi, đường bệ nhất trong các lăng tẩm của vua nhà Nguyễn.

Lăng Khải Định (Ứng Lăng)

Lăng Khải Định

Lăng Khải Định

Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm, chuẩn bị cho sự “ra đi” của một ông vua. Lăng Khải Định là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh, đây thực sự là một công trình có giá trị nghệ thuật và kiến trúc.

Lăng Kiến Phúc (Bồi Lăng)

Lăng Kiến Phúc

Lăng Kiến Phúc

Lăng vua Kiến Phúc nằm trong khuôn viên của lăng vua Tự Đức. Khu vực Bồi Lăng bao gồm lăng mộ vua Kiến Phúc, điện Chấp Khiêm và các công trình kiến trúc phối thuộc. Tất cả cùng nằm trên một quả đồi, nguyên là nơi hóng mát và ngắm cảnh của vua Tự Đức. Đến năm 1884, khi vua Kiến Phúc băng hà, triều đình mới cho làm lăng này (nằm bên trái Chấp Khiêm Điện) và đưa thi hài của nhà vua đến đây an táng.

Chấp Khiêm Điện vốn là nhà đọc sách của vua, được làm theo kiểu nhà kép “trùng lương trùng thiềm” nhưng kiểu thức rất đơn giản. Sau khi vua Tự Đức băng hà, nơi đây trở thành điện thờ bài vị vua Kiến Phúc. Phía sau Chấp Khiêm Điện là vị trí của Di Khiêm Lâu, có lối kiến trúc rất giống Minh Lâu ở lăng Minh Mạng là nơi nhà vua đến ngắm cảnh, hóng mát. Rất tiếc công trình hiện nay chỉ còn nền móng.

Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng)

Lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) được xây dựng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng (nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế). Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Lăng nằm giữa một rừng thông bát ngát, cách Huế 8km. Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Qua cửa Vụ Khiêm, đến khu vực hồ Lưu Khiêm, trên hồ có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ, nơi nhà vua thường đến ngắm hoa, làm thơ và đọc sách. Lăng Tự Đức là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Lăng Thiệu Trị (Xương Lăng)

Lăng Thiệu Trị

Lăng Thiệu Trị

Lăng Thiệu Trị có tên chữ là Xương Lăng, nằm ở địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy (nay là thành phố Huế). So với lăng tẩm các vua tiền nhiệm và kế vị, lăng Thiệu Trị có những nét riêng độc đáo. Đây là Lăng duy nhất quay mặt về hướng Tây Bắc, một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn. Cách lăng 8 km về phía trước, ngọn núi nằm sừng sững được chọn làm tiền án. Dòng sông Hương chảy qua trước mặt làm yếu tố minh đường./.

CTV Hoàng Hải/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/san-tour/den-hue-du-xuan-ngam-lang-tam-cac-vua-trieu-nguyen-post997197.vov