Địa Linh (phường Hương Vinh, TP Huế) hiện là ngôi làng duy nhất ở tỉnh Thừa Thiên - Huế còn giữ được nghề làm tượng ông Công, ông Táo bằng đất để phục vụ nhu cầu thờ cúng của người dân. Cũng vì đặc thù của nghề truyền thống này mà Địa Linh được nói đùa là làng "sinh" ông Công, ông Táo.
Hàng năm, cách ngày 23 tháng Chạp (ngày tiễn ông Táo về trời) vài tháng thì dân làng Địa Linh lại tất bật cuốc, nhào đất, đúc tượng và nung để kịp cho ra những sản phẩm cung ứng cho thị trường không chỉ ở Huế mà còn ở các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình...
Bà Võ Thị Thu (SN 1969, trú tổ 1, Địa Linh, phường Hương Vinh) chia sẻ, đất sét để làm tượng được người thợ đến tận nơi chọn lựa thật kỹ trước khi nhập về. Làm đất được đánh giá là công đoạn vất vả nhất khi làm tượng ông Công, ông Táo. Công đoạn này phải cuốc đất sao cho thật nhuyễn rồi mới pha thêm nước để đất có được độ dẻo, mịn thì chất lượng sản phẩm làm ra mới đảm bảo.
Khuôn làm tượng được dân làng Địa Linh làm bằng gỗ lim để đảm bảo độ bền. Đất sét sau khi được nhào mịn thì được cho vào khuôn để tạo hình rồi cho ra mang phơi sao cho có độ khô vừa phải, không bị nứt trước khi nung.
Dân làng Địa Linh chia sẻ, năm nay dịp cận Tết thời tiết ở Huế mưa nhiều và nồm ẩm nên để kịp có tượng phục vụ nhu cầu của khách thì người làm nghề ở Địa Linh phải dùng quạt điện để hong khô tượng đất trước khi bỏ vào lò nung.
Ngoài nhào đất và đúc thì nung tượng cũng là một công đoạn quan trọng và mất nhiều thời gian. Tượng đưa vào lò phải được nhẹ nhàng xếp ngăn nắp thành từng hàng để tránh nứt, vỡ. Giữa các hàng cần có khoảng cách để lửa cháy đều. Sau khi xếp xong, mỗi lớp sẽ cho vỏ trấu vào lấp đầy các khoảng trống giữa các tượng trước khi nung.
Mỗi lần nung trung bình được khoảng 2.000 đến 3.000 tượng. Thời gian nung khoảng 1 ngày 1 đêm. Khi nung xong cần phải để nguội gần 2 ngày mới xuất lò. Tượng ra lò có màu đỏ au như gạch được nung già.
Tượng sau khi nung để nguội thì sẽ được nhúng vào sơn nền màu hồng chuyên dùng cho đất nung hoặc sơn màu đỏ đậm. Cuối cùng là được những người dân vẽ màu thủ công và thêm bột kim tuyến lấp lánh.
Ông Võ Văn Hay (người có hơn 30 năm làm nghề ở làng Địa Linh) cho biết, trước đây tới tháng 9 Âm lịch các nhà mới bắt đầu làm. Tuy nhiên, hiện nay tín ngưỡng người Việt thờ cúng ngày càng nhiều nên số lượng hàng đặt cũng theo đó nhiều lên. Đây cũng là động lực để nghề đúc tượng ông Công, ông Táo được duy trì và phát triển. Do nhu cầu tăng nên nhiều năm nay các hộ làm nghề ở Địa Linh phải bắt đầu công việc từ tháng 3 Âm lịch mới kịp đủ số lượng yêu cầu.
Tuy làm với số lượng nhiều, nhưng theo ông Hay thu nhập từ nghề đúc tượng ông Công, ông Táo lại khá thấp khi giá bán buôn cho các thương lá chỉ từ 1.200 - 1.500 đồng/tượng, trừ vật liệu và công thợ thì phần lãi không còn được là bao.