Đến khi nào có thể sáp nhập các trường học dưới 15 lớp và giảm sĩ số học sinh?

Để giảm sĩ số lớp mà không tăng biên chế, có thể tăng thời gian làm việc của giáo viên. Giáo viên có vất vả hơn nhưng chất lượng học tập của học sinh nâng lên.

LTS: Đưa ra giải pháp nhằm giảm sĩ số lớp mà không tăng biên chế giáo viên, thầy Bùi Nam đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Quốc Hội khóa XIV vừa thông qua Luật Giáo dục số: 43/2019/QH14 và Chủ tịch nước đã ký Lệnh thông qua.

Nhân dân cả nước kỳ vọng vào khi Luật Giáo dục đi vào cuộc sống sẽ tạo những chuyển biến tích cực lên đời sống giáo viên, đến môi trường học tập, sinh hoạt của giáo viên, học sinh sẽ có thay đổi, bên cạnh đó kỳ vọng rất lớn về việc học của học sinh, chấm dứt căn bệnh thành tích, bệnh giả dối, hám danh hám lợi trong giáo dục,…

Một trong những điều cả nước quan tâm mà tôi cho rằng rất quan trọng nhất để cải thiện tình hình giáo dục trong giai đoạn hiện nay chính là việc giảm biên chế, sắp xếp các cơ sở giáo dục hợp lý, tăng hiệu quả giáo dục…

Trong đó, tôi cho rằng muốn đạt mục tiêu trên phải làm được 2 việc cụ thể sau đó chính là sáp nhập các trường có số lớp ít và giảm sĩ số học sinh.

Cần giảm sĩ số học sinh để đảm bảo chất lượng giáo dục (Ảnh minh họa: pgdvninh.khanhhoa.edu.vn).

Cần giảm sĩ số học sinh để đảm bảo chất lượng giáo dục (Ảnh minh họa: pgdvninh.khanhhoa.edu.vn).

Quy định sĩ số học sinh cứng trên mỗi lớp là bao nhiêu dù rất quan trọng nhưng chưa được đưa vào Luật Giáo dục, hy vọng sau khi Luật được thông qua và có hiệu lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng triển khai và ban hành điều lệ trường học ở tất cả các cấp học, bậc học, trong đó tôi cho rằng phải quy định cứng số lượng học sinh tối đa trên mỗi lớp.

Sĩ số học sinh tối đa mỗi lớp bao nhiêu là hợp lý?

Vấn đề này đã bàn rất nhiều nhưng tình hình hiện nay ở nước ta chưa được giải quyết đó là sĩ số học sinh trên lớp quá đông, có lớp 50 thậm chí 60 học sinh trên một lớp.

Thậm chí chúng ta nhớ năm học qua ở một thành phố lớn trong cả nước có lớp đến 69 học sinh/lớp.

Tôi nói thẳng, nếu với sĩ số trên không thể thực hiện bất kỳ một phương pháp giảng dạy nào áp dụng có hiệu quả.

Với sĩ số trên giáo viên vào lớp chỉ để ổn định, nhắc nhở, ghi bài… là hết thời gian chứ không thể triển khai bất kỳ phương pháp mới nào.

Năm học mới 2019 – 2020 đã sắp bắt đầu, hiện nay tất cả các Sở/Phòng Giáo dục đã duyệt biên chế các lớp học, các địa phương để giảm biên chế, giảm ngân sách…nên sĩ số các lớp học năm nay chưa có dấu hiệu giảm.

Chúng ta cùng nhìn vào mục tiêu, tính chất, nguyên lý và yêu cầu nội dung, phương pháp trong Luật Giáo dục mới:

“Điều 2. Mục tiêu giáo dục

Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Điều 3. Tính chất, nguyên lý giáo dục

1. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.

2. Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Điều 7. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục

1. Nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại, có hệ thống và được cập nhật thường xuyên; coi trọng giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng của người học.

2. Phương pháp giáo dục phải khoa học, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học và hợp tác, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên”.

Nếu chúng ta không quyết tâm giảm sĩ số học sinh thì việc dạy theo chương trình mới, phương pháp mới là học sinh chủ động, tích cực tiếp thu kiến thức mới theo nhóm dưới sự hướng dẫn của giáo viên, quá nhiều học sinh trong một nhóm hay quá nhiều nhóm sẽ khiến công việc triển khai dạy và học theo phương pháp mới sẽ thất bại, mục tiêu sẽ không đạt được, việc triển khai các phương pháp mới sẽ rất khó thành công hay nói đúng hơn là sự thất bại đang chờ đợi ở phía trước nếu mỗi lớp đến 50 học sinh/lớp.

Kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Phần Lan, Úc,…. tôi thấy mỗi lớp chỉ từ 25 - 30 học sinh.

Kinh nghiệm từ thực tiễn ở Việt Nam khi thực hiện theo chương trình VNEN có rất nhiều điểm hay, mới, tích cực… nhưng đã không thể thành công không phải vì giáo viên không biết dạy mà do sĩ số quá đông không thể triển khai nội dung, chương trình, phương pháp mới.

Trong điều kiện cụ thể của ta, tôi thiết nghĩ để triển khai chương trình mới Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định cụ thể số học sinh trên lớp không quá 35 học sinh/lớp, ở bậc học phổ thông từ tiểu học đến trung học phổ thông, sau này tùy điều kiện, tình hình có thể giảm xuống 30 là hợp lý.

Do đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay, tôi nghĩ nó phải được cụ thể hóa bằng Nghị quyết và được đưa vào Điều lệ trường học là phải quy định cứng trước khi thực hiện chương trình mới, đó là quy định số học sinh tối đa trong một lớp học không quá 35 học sinh.

Đây là điều không hề đơn giản, khi giảm sĩ số học sinh sẽ kéo theo là tăng số phòng học tăng biên chế giáo viên lên khá nhiều. Theo tôi, để giải quyết vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp Bộ Nội vụ thực hiện hai vấn đề sau:

Thứ nhất, sáp nhập các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông khi các trường dưới 15 lớp hay khoảng cách các trường dưới 2km, duy trì hệ thống trường phổ thông nhiều cấp học làm như thế vừa giảm các phòng ban, để tăng số lượng phòng học cho học sinh, sắp xếp số lượng người phù hợp. Đây là việc cần làm ngay, cứ theo quy định thực hiện không cần thiết phải có đề án.

Thực tế đã chứng minh, việc các trường dưới 15 lớp tồn tại hiện nay là việc làm sai lầm (từ các trường học vùng miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số…).

Điều kiện kinh tế đã khá hơn, điều kiện đi lại đã tốt hơn…việc tồn tại các trường có số lớp ít không chỉ làm tăng gánh nặng biên chế, tăng gánh nặng ngân sách mà còn là mô hình sai lầm.

Hiện nay, việc tồn tại các trường có số lớp ít thường vận hành không hiệu quả, tôi giả sử tại các trường phổ thông có 15 lớp với mỗi môn học có ít tiết từ 1 – 1,5 tiết/tuần thì mỗi môn chỉ cần 1 giáo viên.

Như vậy, xem như các môn như Lý, Hóa, Sử, Địa, Âm nhạc,…thì mỗi môn chỉ có 1 giáo viên, giáo viên đó khi dạy thì không có tương tác, sinh hoạt chuyên môn với bất kỳ giáo viên khác, không được đồng nghiệp dự giờ góp ý...

Thậm chí, giáo viên trên dạy sai kiến thức cũng không được góp ý, rút kinh nghiệm, giáo viên cũng không có cạnh tranh, không có sự cố gắng phấn đấu…

Bên cạnh đó, việc sinh hoạt tổ chuyên môn cũng gặp rất nhiều khó khăn, mỗi tổ chuyên môn thường bố trí ít nhất 5 người, như vậy có tổ đến 5 bộ môn như Lý, Hóa, Sinh, Mỹ thuật, Sử, Địa,…tới khi sinh hoạt tổ chỉ nhìn nhau và không ai nói ai nghe vì mỗi môn học có đặc trưng riêng và phương pháp riêng…

Khó khăn tiếp theo là việc đào tạo mũi nhọn, tức là đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, mỗi môn chỉ có 1 giáo viên nên việc bồi dưỡng chỉ giao giáo viên đó bồi dưỡng, mà giáo viên thì không phải ai cũng giỏi, đủ kiến thức kinh nghiệm để đào tạo mũi nhọn, nhân tài…

Kinh nghiệm cho thấy, nếu trước đây có trường liên xã gồm 2 xã chung 1 trường, thì khi dạy thì thành tích rất tốt, học sinh học ngoan hơn, cạnh tranh hơn,…nhưng khi tách thành 2 trường khác nhau, mỗi trường có số lớp ít hơn thì chất lượng 2 trường đều đi xuống cả về mọi mặt.

Mô hình trường học dưới 15 lớp thực tiễn đã chứng minh không còn phù hợp nữa, nên việc sáp nhập giải thể phải thực hiện càng sớm, càng tốt...

Thứ hai, quyết tâm giảm sĩ số học sinh trên lớp. Đây phải được xem là ưu tiên hàng đầu, nó phải là quyết tâm chính trị cao nhất trong đổi mới giáo dục.

Chỉ có giảm được sĩ số học sinh thì mới nói đến thay đổi mục tiêu, nội dung và phương pháp theo như Luật Giáo dục mới.

Thật ra tôi cũng như mọi giáo viên trong cả nước rất chia sẻ với những khó khăn, những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trong thời gian qua dù kinh tế khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ, Thủ tướng chính phủ điều hành kinh tế phát triển khá, ổn định, luôn quan tâm đến giáo dục, đời sống của giáo viên.

Do đó, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng giáo viên cũng ấm lòng với sự quan tâm đó, giáo viên sẽ luôn nhìn vào sự cố gắng của Chính phủ mà noi theo để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ giáo dục của mình.

Ở giai đoạn này, với hơn 1,4 triệu giáo viên trong cả nước, nếu giảm sĩ số học sinh ngoài việc tăng cơ sở vật chất, còn phải tăng thêm biên chế giáo viên, tức là tăng ngân sách…là điều vô cùng khó khăn.

Giáo viên sẽ chia sẻ những khó khăn trong giai đoạn hiện nay, để giảm sĩ số lớp mà không tăng biên chế, tôi cho rằng có thể tăng thời gian làm việc của giáo viên, giáo viên có vất vả hơn nhưng chất lượng học tập của học sinh nâng lên, hiệu quả hơn thì giáo viên sẽ đồng lòng, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo thiển ý của tôi, có thể tăng thời gian làm việc mỗi giáo viên trong định biên thêm 2 - 4 tiết/tuần giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở lên 21 tiết/tuần (hiện nay trung học phổ thông 17 tiết/tuần, trung học cơ sở 19 tiết/tuần), tiểu học 25 tiết/tuần (hiện nay tiểu học 23 tiết/tuần nhưng mỗi tiết 35 phút).

Nếu chúng ta để tồn tại mỗi lớp 50, 60 học sinh thì dù có dạy kiểu gì, phương pháp gì,…cũng thất bại.

Bên cạnh đó, khuyến khích thành lập các trường tư thục, dân lập…sẽ tăng tính cạnh tranh và giảm biên chế, giảm ngân sách cho giáo dục một cách hợp lý, phù hợp.

Khi đổi mới sẽ áp dụng được những cái tốt, những tinh hoa hiện đại…nhưng đi kèm đó là điều kiện phải đáp ứng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải giảm được sĩ số và tăng lương, chế độ đãi ngộ cho giáo viên thì việc đổi mới mới hy vọng công cuộc đổi mới có hy vọng thành công.

Tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe để thay đổi phù hợp và mong mọi giáo viên trên mọi miền đất nước đều luôn cố gắng hết sức để mang lại nền giáo dục tốt, hiệu quả và đối tượng thụ hưởng những điều tốt đẹp trên chính là các em học sinh thân yêu của chúng ta.

BÙI NAM

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/den-khi-nao-co-the-sap-nhap-cac-truong-hoc-duoi-15-lop-va-giam-si-so-hoc-sinh-post200202.gd