Đèn lồng Việt Nam vượt trội ở cuộc thi đèn lồng quốc tế lần đầu tiên được tổ chức
Lễ hội 'Đèn lồng Quốc tế Ocean - Ánh sáng phương Đông' quy tụ các đội thi, nghệ nhân xuất sắc từ 5 quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và đội chủ nhà Việt Nam đã đem đến những trải nghiệm mới lạ cho người dân Thủ đô và du khách đến với lễ hội Xuân khu đô thị Ocean City.
Theo đó, tại lễ hội, tác phẩm đèn lồng “Hồn thiêng Đất Việt” (đội thi Hội An Craft) giành giải Nhất. Tác phẩm quy mô lớn có chiều dài 70m, chiều rộng 20m là tác phẩm không thể bỏ lỡ khi đến với lễ hội đèn lồng. Trong ánh sáng đèn lồng lung linh, du khách không chỉ sưu tập 1001 bức ảnh sống ảo như đang check in phố cổ Hội An, mà còn gia tăng niềm tự hào về đất nước con người Việt Nam với chiều sâu văn hóa của mình. Cùng với đó, hình ảnh hoa sen thân thuộc xuất hiện trong cụm đèn lồng càng tôn vinh thêm cho sự thanh khiết, cao đẹp mà gần gũi và giản dị của người Việt.
Một tác phẩm gây ấn tượng khác mang một dấu ấn riêng của các đội tuyển Việt Nam là tác phẩm mang tên “Long phượng sum vầy” đã giành giải Ba của cuộc thi. Tác phẩm của đội thi Sắc màu cuộc sống (Tuyên Quang) mang biểu tượng rồng - tượng trưng cho nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên” của người Việt, mang đến thông điệp may mắn và hy vọng về một tương lai tươi sáng. Đầu Rồng có thể cử động linh hoạt, như một lời chào thân thiện đến các du khách tham dự.
Lễ hội đèn lồng quốc tế Ocean cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao 3 kỷ lục: “Lễ hội đèn lồng quốc tế quy mô nhất Việt Nam”, “Con đường lễ hội đèn lồng dài nhất Việt Nam”, “Cụm đèn lồng nhất Việt Nam” (tác phẩm Hồn thiêng Đất Việt của Hội An Craft, kích thước 70m x 20m).
Có mặt tại lễ hội đèn lồng quốc tế này, Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: Chúng tôi đều đánh giá cao tầm quan trọng của Lễ hội “Ánh sáng phương Đông”, vì đó là dịp để người dân cũng như các quốc gia giao lưu văn hóa. Đèn lồng cũng là một sản phẩm văn hóa phi vật thể của nhiều nước không phải chỉ có Việt Nam, nên những cuộc thi như thế này cũng là cơ hội để các nước có thể giao lưu với nhau, người dân các nước giao tiếp, làm quen và tận hưởng không khí của lễ hội”.
Ông Sato Kenichi - Chủ tịch Hiệp hội Lễ hội Nebuda thành phố Amori, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch & Hội thảo TP Aomori (Nhật Bản), thành viên Ban giám khảo nhận xét: “Về tác phẩm “Sắc màu Hội An” - tác phẩm đạt giải Nhất, điều thú vị và tuyệt vời của tác phẩm này, đầu tiên là hình tượng những chiếc đèn lồng được thả trôi trên sông. Đây là một tạo hình độc đáo. Điều thứ 2 chính là những bức tranh về cá chép được làm trên chất liệu giấy làm từ vỏ dừa nước, được đặt trong con hình tượng cá chép rất to. Bức tranh có độ đậm nhạt thể hiện kỹ thuật pha trộn màu sắc tinh tế đã khiến tôi bị thu hút và phải dừng lại ngắm nhìn rất lâu”.
Nữ giám khảo Chen Jia - Giám đốc Văn hóa - Yuyuan INC,thành viên Tập đoàn Fosun (Trung Quốc), đánh giá các nghệ nhân Hội An đã thổi hồn văn hóa, lịch sử lâu đời của Việt Nam vào tác phẩm đèn lồng, dùng nghệ thuật ánh sáng để truyền tải tình yêu và niềm tự hào về lịch sử của dân tộc cũng như tôn vinh văn hóa truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, tác phẩm còn cho thấy tính sáng tạo rất cao của các nghệ nhân Việt Nam khi sử dụng loại vật liệu thân thiện môi trường, là vỏ dừa nước, để tạo nên một tuyệt tác nghệ thuật.
“Với vật liệu đặc biệt này, vào ban ngày, ngay cả khi chưa lên đèn, đây vẫn là một tác phẩm mỹ thuật hoàn chỉnh. Buổi tối khi được thắp sáng, đây lại trở thành một tác phẩm điêu khắc, với ngôn ngữ chạm trổ tinh tế, mang đến cho người xem 2 sắc thái trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều phương thức sáng tạo trong nghệ thuật đèn lồng trên thế giới nhưng sáng tạo theo cách của nghệ nhân Việt Nam thì lần đầu chúng tôi được chứng kiến. Đây cũng là điều làm lay động trái tim của các thành viên Ban giám khảo” - bà Chen Jia nhấn mạnh.
Chia sẻ về niềm đam mê với nghệ thuật dân gian và quá trình hoàn thành tác phẩm, tác giả
Võ Hoàng (sinh năm 1984), thành viên đội Hội An Craft, Giải Nhất cuộc thi với tác phẩm “Hồn thiêng đất Việt” chia sẻ: Đèn lồng có nhiều chất liệu vải, giấy bóng, mica, giấy Hàn, giấy Nhật... đội Hội An chúng tôi mang đến chất liệu mới là giấy làm từ cây dừa nước Cẩm Thanh (Hội An). Đây là vật liệu địa phương, được sản xuất tại Hội An. Việc đưa hình ảnh văn hóa Việt Nam lên giấy này để mọi người thấy rằng ngoài vật liệu truyền thống, Việt Nam còn có vật liệu địa phương.
Theo thành viên của Hội An Craft đã tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Đà Nẵng này cho biết, phải mất 5 năm đội mới có thể nghiên cứu và chế tạo ra loại giấy đặc biệt này. Anh cũng kỳ vọng nghề thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có thêm sức sống mới, tiếp tục phát triển hơn nữa, góp phần thúc đẩy du lịch của Việt Nam.
Lễ hội “Đèn lồng Quốc tế Ocean - Ánh sáng phương Đông” còn là điểm đến của những thiết kế đẹp nhất của lễ hội Yuyuan Lantern Festival - di sản văn hóa phi vật thể Trung Quốc, mang đến trải nghiệm thưởng làm đèn lồng quy mô hoành tráng cho du khách tại Việt Nam.
Lễ hội Xuân “Ánh sáng Phương Đông - Oriental Light Fest 2025” sẽ còn diễn ra 16/3 tại khu đô thị Ocean City với nhiều hoạt động như: Hội chợ Xuân, múa lân sư rồng và trống hội khai Xuân, lễ hội âm nhạc đường phố, nhạc hội Road-to-8WONDER…