Trải nghiệm mới lạ trên tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên vừa 'hồi sinh'

Sau 4 năm vắng bóng, tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên đã được 'hồi sinh' dưới hình thức vận tải hành khách kết hợp với du lịch, mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ.

Với vị trí thuận lợi và giao thông liên kết chặt chẽ với Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đặc biệt, tuyến đường sắt Gia Lâm - Quán Triều, dù từng được xem là huyết mạch vận tải, nhưng không khai thác hết giá trị du lịch trong nhiều năm qua. Tuyến này chủ yếu phục vụ vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là than, mà chưa tận dụng để kết nối các điểm du lịch quan trọng trong khu vực.

Trong giai đoạn 2018 - 2019, tuyến đường sắt này ghi nhận sự suy giảm đáng kể trong vận tải hành khách, với trung bình chỉ 56 - 65 khách/chuyến. Khi Covid-19 bùng phát, tuyến tàu chở khách buộc phải dừng hoạt động hoàn toàn, để lại các ga trong tình trạng đìu hiu.

Nhận diện những khó khăn, thách thức đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thái Nguyên xây dựng kế hoạch tái vận hành tuyến tàu chở khách kết hợp du lịch. Kế hoạch này không chỉ nhằm phục hồi ngành đường sắt, mà còn là bước đệm trong việc quảng bá văn hóa trà và các sản phẩm OCOP địa phương.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên cho biết, sau 2 tháng từ khi có ý tưởng, tuyến đường sắt kết nối Hà Nội - Thái Nguyên nhanh chóng được triển khai, với lộ trình qua nhiều ga, dừng tại 4 điểm chính là ga Phổ Yên, Lưu Xá, Thái Nguyên và Quán Triều. Sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành của tỉnh Thái Nguyên và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, giúp biến ý tưởng thành hiện thực trong thời gian ngắn.

Theo ông Ngọc, việc triển khai tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên sẽ góp phần phục vụ nhu cầu an sinh xã hội của người dân tốt hơn, tăng cường kết nối để Thái Nguyên phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt, tạo thêm sản phẩm dịch vụ mới, góp phần phát triển ngành du lịch tại địa phương.

Cuối tháng 12/2024, chuyến tàu đầu tiên phục vụ an sinh xã hội và du lịch trên tuyến Gia Lâm - Quán Triều chính thức chạy thử. Tuyến tàu được thiết kế đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển, đồng thời tạo ra không gian trải nghiệm văn hóa trà cho du khách. Các phòng chờ tại ga Hà Nội, Phổ Yên, Lưu Xá và Quán Triều được cải tạo thành khu trưng bày văn hóa trà, với các sản phẩm OCOP đặc sắc như chè Tân Cương nổi tiếng.

Chuyến tàu mã QT3 xuất phát từ ga Hà Nội, đưa hành khách trải nghiệm qua các ga Phổ Yên, Lưu Xá, Thái Nguyên và kết thúc hành trình tại ga Quán Triều. Trong giai đoạn đầu, các chuyến tàu sẽ được vận hành thử nghiệm, miễn phí vé để thu hút người dân và du khách. Hành trình dài 2 giờ, 30 phút, qua 4 điểm dừng chính, mang đến cơ hội khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa độc đáo của Thái Nguyên.

Trong tương lai, hai loại hình tàu sẽ được triển khai là tàu chở khách chạy cố định hàng ngày và tàu du lịch hoạt động vào cuối tuần, nhằm đa dạng hóa lựa chọn cho du khách. Điểm nhấn đặc biệt là toa xe cộng đồng được thiết kế riêng, lấy cảm hứng từ văn hóa trà địa phương. Không gian này vừa là nơi thưởng trà, vừa là cầu nối giúp du khách hiểu thêm về giá trị văn hóa và lịch sử của Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật truyền thống sẽ được tổ chức ngay trên tàu, mang đến những trải nghiệm độc đáo và ý nghĩa cho hành khách trong chuyến đi.

Dù vậy, để hành trình đưa tuyến đường sắt này trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch là cả một chặng đường dài với những thách thức cần được tháo gỡ bằng những giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Theo ông Ngô Quang Tiến, Trưởng ga Lưu Xá, việc nâng cấp các nhà ga trên tuyến là điều kiện tiên quyết để tăng sức hấp dẫn cho tuyến đường sắt này. “Cần lồng ghép các biểu tượng du lịch đặc sắc của Thái Nguyên để tạo sự khác biệt và hấp dẫn”, ông Tiến nhấn mạnh.

Trước hết, cần tập trung nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống nhà ga. Không đơn thuần là những điểm dừng chân, các nhà ga cần được thay áo mới, trở thành những không gian văn hóa, đậm bản sắc địa phương.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chính Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận định, mô hình du lịch đường sắt không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn mang đến những trải nghiệm độc đáo cho du khách. “Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là bước ngoặt, mang lại giá trị bền vững cho ngành du lịch Thái Nguyên”, ông Nam chia sẻ.

Hãy hình dung, du khách ngồi trên con tàu len lỏi giữa những đồi chè xanh ngát, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hữu tình của hồ Núi Cốc, hay ngược dòng thời gian trở về với chiến khu ATK Định Hóa lịch sử. Hành trình ấy càng thêm phần thi vị với những hoạt động trải nghiệm như tham quan các đồi chè, tìm hiểu quy trình chế biến chè, tự tay hái những búp chè tươi non, hay tham gia lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

Linh nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trai-nghiem-moi-la-tren-tuyen-duong-sat-ha-noi---thai-nguyen-vua-hoi-sinh-d241092.html