Đến lúc nhận ra quả thận khỏe quý hơn bất cứ điều gì
Số ca tử vong do bệnh thận đã tăng hơn 40% sau 3 thập niên, với nhiều trường hợp vốn có thể phòng tránh được.
Bệnh thận là một trong số 359 bệnh và chấn thương được xếp vào những gánh nặng bệnh tật toàn cầu.
Những tiến bộ y tế đã giúp điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, kéo dài sự sống cho hàng triệu người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Trường Y St.Louis, Đại học Washington (Mỹ) cho rằng bệnh thận mạn tính (CKD) được xem như một trường hợp ngoại lệ, khi số ca mắc tăng với tốc độ nhanh hơn tất cả bệnh không lây nhiễm khác.
Bệnh thận có 5 giai đoạn, được coi là bệnh nhẹ ở giai đoạn một và hai, khi thận vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, theo thời gian, chức năng thận bị suy giảm và có thể phát triển đến giai đoạn cuối, khi thận gần như không hoạt động.
Những con số gây sốc
Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho biết khoảng 10% dân số toàn cầu mắc bệnh thận, tương đương 800 triệu người.
Nghiên cứu về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho hay khoảng 1,2 triệu trường hợp tử vong do bệnh thận mạn tính vào năm 2017. Ngoài ra, có thêm 1,36 triệu ca tử vong do bệnh tim mạch, bắt nguồn từ suy giảm chức năng thận.
Suy thận, hay bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối (CKD5), xảy ra khi thận mất khả năng hoạt động, dẫn đến chất thải và chất lỏng tích tụ ở cơ thể và không được đào thải.
Các nhà nghiên cứu cho hay tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn tính đã tăng 41% trong giai đoạn 1990-2017. Tỷ lệ người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phải điều trị bằng lọc máu cũng tăng 43,1%, cùng với ghép thận tăng 34,4%.
Dữ liệu cho thấy gánh nặng y tế liên quan đến bệnh thận mạn tính xuất hiện ở nhiều quốc gia, với phần lớn gánh nặng đến từ những nước thu nhập thấp và trung bình, do hạ tầng y tế hạn chế.
"Hệ thống y tế của nhiều quốc gia không thể bắt kịp nhu cầu lọc máu. Số ca mắc vượt quá khả năng xử lý, hậu quả là các ca tử vong tăng", bác sĩ Theo Vos, giáo sư khoa học số liệu y tế tại Trường Y Seattle (Mỹ), cho biết.
Theo Quỹ về thận quốc gia (NKF) có trụ sở tại Mỹ, có 112 quốc gia nơi nhiều người dân không chi trả được chi phí điều trị, dẫn đến hơn một triệu ca tử vong mỗi năm do suy thận không được điều trị.
Tại Mỹ, điều trị bệnh thận mạn tính có thể vượt hơn 48 tỷ USD mỗi năm. Việc điều trị suy thận tiêu tốn 6,7% tổng ngân sách từ chương trình bảo hiểm y tế cho người từ 65 tuổi ở Mỹ. Tại Anh, điều trị bệnh thận mạn tính tốn kém hơn điều trị 4 loại ung thư vú, phổi, đại tràng và da cộng lại.
Các bệnh không lây nhiễm (như tim mạch, tiểu đường và bệnh thận) đã vượt qua những bệnh truyền nhiễm, trở thành nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của Lancet năm 2017, bệnh thận mạn tính gây ra nhiều ca tử vong hơn bệnh lao hoặc HIV. Những người mắc bệnh thận mạn tính đông hơn những người mắc các bệnh khác, chẳng hạn tiểu đường, viêm xương khớp, tắc nghẽn mạn tính và hen suyễn.
Tại Singapore, tờ The Straits Times nhận định bệnh thận là một vấn đề lớn ở quốc gia này.
Trên toàn cầu, cứ 10 người thì có một người mắc bệnh thận. Ở Singapore, tỷ lệ này cao hơn. Khảo sát Sức khỏe Dân số Quốc gia năm 2022 cho thấy 14% dân số mắc bệnh thận mạn, tăng từ 9% trong hai năm trước đó.
Vì sao bệnh thận gia tăng?
Số ca suy thận gia tăng một phần đến từ già hóa dân số và tuổi thọ trung bình tăng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh thận mạn tính tại Mỹ chiếm đa số ở người từ 65 tuổi (34%), theo sau là người 45-64 tuổi (12%) và 18-44 tuổi (6,3%).
CDC Mỹ đưa ra phân tích sau tuổi 40, khả năng lọc chất thải của thận bắt đầu giảm khoảng 1% mỗi năm. Ngoài sự lão hóa tự nhiên của thận, nhiều tình trạng phổ biến hơn ở người lớn tuổi bao gồm tiểu đường, cao huyết áp và bệnh tim, là những nguyên nhân chính gây bệnh thận.
Các nhà nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra những loại thực phẩm phong phú nhưng chứa nhiều đường và muối trong chế độ ăn của người Mỹ cũng có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
TS.BS Trần Văn Vũ, Phó khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chỉ ra nhiều thói quen kém khoa học trong cuộc sống hiện đại khiến tình trạng suy thận ngày càng tăng và trẻ hóa.
Theo ông, bệnh nhân mắc suy thận mạn cũng là những người có chế độ ăn uống nhiều đạm, muối, đường hoặc có bệnh béo phì, thể trạng thừa cân (BMI > 25 kg/m2)… Một số thói quen như hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, thức khuya… có thể ảnh hưởng các cơ quan của cơ thể, trong đó có thận.
Thận khỏe mạnh sẽ loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, giúp cân bằng muối và chất khoáng. Chúng cũng giúp kiểm soát huyết áp, tạo ra hồng cầu và giữ cho xương chắc khỏe.
Chế độ ăn uống không lành mạnh và cơ thể gặp vấn đề trao đổi chất sẽ tích tụ độc tố và cản trở chức năng thận, khiến thận không thể đào thải chất có hại.
Một số người không biết mình có bệnh thận cho đến khi bị suy thận, do bệnh thận giai đoạn đầu không có biểu hiện mệt hỏi.
Khi giai đoạn bệnh thận mạn tính tiến triển, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, ngứa ngáy, da khô, đi tiểu ít hơn bình thường, khó tập trung, hụt hơi, mất vị giác, khó ngủ. Bệnh có thể gây biến chứng về bệnh tim hoặc đột quỵ.
Hiện không có thuốc chữa hoàn toàn suy thận, mà sẽ áp dụng các bệnh pháp kéo dài chức năng thận.
Bên cạnh các loại thuốc chuyên dùng cho người mắc bệnh thận và can thiệp y tế, xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, tập thể dục, kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp duy trì thận khỏe mạnh và chẩn đoán sớm nếu xảy ra vấn đề.