Đến năm 2030, ít nhất 80% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Bộ Nội vụ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 71/NQ-CP nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 80% người dân, doanh nghiệp dùng dịch vụ công trực tuyến; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp mã định danh điện tử.
Trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 1/4/2025, Bộ Nội vụ đặt ra loạt mục tiêu mang tính đột phá, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trọng tâm là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt từ 80% trở lên; 90% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đáng chú ý, 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính sẽ được số hóa hoàn toàn, xóa bỏ tình trạng “giấy tờ lòng vòng”.
Kế hoạch cũng hướng tới xây dựng Chính phủ số và nền hành chính số hiệu quả, kết nối và đồng bộ hóa toàn diện các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu ngành Nội vụ. Theo đó, đến năm 2030, toàn bộ văn bản, hồ sơ công việc trong hệ thống hành chính sẽ được xử lý hoàn toàn trên môi trường điện tử. Các cơ quan, đơn vị nhà nước cũng phải đảm bảo thực hiện chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ trên nền tảng số.

Ảnh minh họa.
Ngoài ra, tỷ lệ khai thác và sử dụng lại thông tin, dữ liệu số trong giải quyết thủ tục hành chính dự kiến đạt 80%. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công và thủ tục hành chính cũng được kỳ vọng đạt tối thiểu 80%, góp phần nâng cao tính minh bạch và thuận tiện cho người dân.
Theo Kế hoạch, mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cấp mã định danh điện tử trên môi trường số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và phân quyền trong hệ thống hành chính. Việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu điện tử cũng được đẩy mạnh, với mục tiêu đạt 70% vào năm 2030.
Đặc biệt, trong lĩnh vực an sinh xã hội, Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, tối thiểu 70% hoạt động chi trả trợ cấp sẽ được thực hiện qua phương thức không dùng tiền mặt nhằm minh bạch hóa hệ thống phân phối nguồn lực nhà nước và giảm thiểu gian lận chính sách.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch này, Bộ Nội vụ đặt ra 7 nhiệm vụ cụ thể:
Một là, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Hai là, tập trung hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ba là, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Nội vụ.
Bốn là, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, người có tài năng đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Bộ Nội vụ.
Năm là, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Sáu là, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Bộ và của từng đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Nội vụ sau khi hợp nhất.
Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị và cá nhân, đặc biệt người đứng đầu trong việc phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 71/NQ-CP và Kế hoạch này, bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất.