Đến năm 2030, khủng hoảng khí hậu và tài chính có thể khiến 600 triệu người sống trong đói nghèo

Những cú sốc do khí hậu, cùng với tình trạng thiếu hụt tài chính và hành động của các chính phủ, sẽ khiến gần 600 triệu người phải sống trong cảnh đói nghèo vào năm 2030, Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) cảnh báo.

 Thời tiết khô hạn là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu lương thực ở Nigieria. Ảnh: lepoint.fr/tapchicongsan.vn

Thời tiết khô hạn là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu lương thực ở Nigieria. Ảnh: lepoint.fr/tapchicongsan.vn

Phát biểu trước khi công bố báo cáo về tình trạng đói nghèo và dinh dưỡng toàn cầu 2024, Chủ tịch IFAD Alvaro Lario cho biết việc không đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG) là xóa đói giảm nghèo vào năm 2030 sẽ dẫn đến tình trạng buộc phải di cư nhiều hơn, ít việc làm mới hơn và xung đột về tài nguyên trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở những khu vực có dân số ngày càng tăng như châu Phi.

Theo báo cáo, vào năm 2022, hơn 1/3 dân số thế giới (tức khoảng 2,8 tỷ người) không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh; trong đó, hơn 70% sống ở các nước thu nhập thấp.

Báo cáo của IFAD chỉ ra rằng việc thiếu cải thiện về an ninh lương thực và tiếp cận không đồng đều với chế độ ăn uống lành mạnh có thể khiến 582 triệu người bị suy dinh dưỡng mãn tính vào cuối thập kỷ này, hơn một nửa trong số đó ở châu Phi.

“Cần có những bước đi khẩn cấp nếu chúng ta thực sự muốn giảm số lượng gần 600 triệu người suy dinh dưỡng mãn tính vào năm 2030”, ông Lario nhấn mạnh. Cũng theo ông, “chúng ta biết cách đạt được điều đó, vấn đề chỉ là ý chí chính trị”.

Theo đánh giá, những phát hiện trong báo cáo của IFAD đã cung cấp những thông tin cần thiết cho chương trình nghị sự của cuộc họp các Bộ trưởng G20 vừa diễn ra tại Brazil để thảo luận về các vấn đề đói nghèo.

Chủ tịch IFAD cho rằng lũ lụt, hạn hán và nhiệt độ cao do biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo trên toàn thế giới. Đồng thời, việc thiếu cơ sở hạ tầng để ứng phó với các cú sốc khí hậu, các nền kinh tế nợ nần chồng chất và khoảng cách lớn trong tài chính khí hậu để tài trợ cho sản xuất, lưu trữ và phân phối lương thực cũng được coi là các yếu tố khiến ngày càng nhiều người bị đẩy vào tình trạng đói nghèo hơn.

Điều này có thể cản trở kế hoạch mới của Liên hợp quốc - đã được trình bày tại Hội nghị khí hậu COP28 năm ngoái, nhằm chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng mà không vi phạm mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Thực tế, hệ thống thực phẩm - bao gồm các phương pháp trồng trọt, phân bón, lưu trữ, vận chuyển và rác thải - chiếm gần 1/3 lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới. Tại COP28 năm ngoái, LHQ đã lần đầu tiên đề cập đến lượng khí thải từ quy trình trồng trọt và tiêu thụ thực phẩm, thu hút sự chú ý đến ý tưởng về “chuyển đổi công bằng” trong nông nghiệp và hỗ trợ nông dân chuyển sang các phương pháp trồng trọt thân thiện hơn với khí hậu. Tuy nhiên, IFAD cho rằng nguồn tài chính cho an ninh lương thực và dinh dưỡng không theo kịp nhu cầu ngày càng tăng để giải quyết những vấn đề này.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The Guardian)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/den-nam-2030-khung-hoang-khi-hau-va-tai-chinh-co-the-khien-600-trieu-nguoi-song-trong-doi-ngheo-143475.html