Đến năm 2030, Sóc Trăng phấn đấu có diện tích đất sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ 180ha

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: THÚY LIỄU

Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 10/6/2022. Đề án được triển khai thực hiện tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; đối tượng sản xuất là lúa, cây ăn trái, vật nuôi, thủy sản. Đối tượng thực hiện tại hộ cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã…

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã chỉ đạo Ban Quản lý Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đăng ký thời gian triển khai tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia mô hình, thay đổi tư duy của người sản xuất nông nghiệp từ vô cơ sang hữu cơ trên địa bàn. Dự kiến trong năm 2023, Ban Quản lý Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về nông nghiệp hữu cơ cho các đối tượng tham gia đề án; tổ chức tập huấn tuyên truyền về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và tổ chức tập huấn về quy trình ủ phân hữu cơ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở, hộ gia đình…

Tại cuộc họp, Ban Quản lý Đề án nông nghiệp hữu cơ tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xem xét, sớm phê duyệt dự toán kinh phí chi tiết đối với các hoạt động của đề án ngay từ đầu năm, nhằm hỗ trợ các mô hình sản xuất hữu cơ. Sớm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thực hiện cung ứng vật tư đầu vào nhằm hỗ trợ kịp thời theo mùa vụ sản xuất nông nghiệp. Cho phép triển khai thực hiện đối với hoạt động liên kết tiêu thụ, xúc tiến thương mại trước khi có quyết định phê duyệt kinh phí thực hiện đề án. Cho phép chỉnh sửa bổ sung thêm cây trồng, vật nuôi thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ, thay thế cho một số đối tượng trong đề án…

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Vương Quốc Nam yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại các dự án, đề án, trong đó có đề án nông nghiệp hữu cơ thực hiện trong năm tiếp theo để sớm lên kế hoạch về dự toán kinh phí, gửi đến ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, thông qua nguồn kinh phí trong năm thực hiện đề án. Ban Quản lý đề án tiếp tục tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa của đề án. Các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc triển khai thực hiện hiệu quả đề án, đặc biệt là tháo gỡ về tài chính.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/den-nam-2030-soc-trang-phan-dau-co-dien-tich-dat-san-xuat-dat-chung-nhan-huu-co-180ha-68438.html