Đến năm 2030 TP.HCM sẽ có 6 thành phố trực thuộc

Dự kiến TP.HCM có 1 đô thị đặc biệt là thành phố Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh nâng cấp lên thành phố gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ...

Một góc TP.HCM

Một góc TP.HCM

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định số 1711 đến năm 2030, TP.HCM có 1 đô thị đặc biệt là thành phố Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh nâng cấp lên thành phố gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

Về kinh tế, thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9,0%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385 - 405 triệu đồng, tương đương 14.800 - 15.400 USD. Tỷ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ trên 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27%.

Về xã hội, dự báo quy mô dân số thực tế thường trú của thành phố đến năm 2030 là khoảng 11 triệu người; đến năm 2050 là khoảng 14,5 triệu người; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là 7%; chỉ số phát triển con người HDI trên 0,85.

Còn tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%; phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh; phấn đấu 100% số huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó ít nhất 50% số huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới thông minh, làm nền tảng định hình, phát triển vùng đô thị vệ tinh trên địa bàn thành phố.

TP.HCM cũng phấn đấu đến cuối năm 2030, nâng mức chuẩn nghèo về thu nhập của thành phố cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; còn dưới 0,5% số hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.

Đối với mảng công nghiệp, thành phố phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; ngành hóa chất; ngành cơ khí chính xác, tự động hóa; ngành chế biến thực phẩm và đồ uống,....

Cùng với đó, phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng như công nghiệp sinh hóa; công nghiệp dược phẩm; công nghiệp sản xuất vật liệu bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao... Tái cấu trúc và nâng cao giá trị gia tăng các ngành công nghiệp hiện hữu như giày da, quần áo, dệt may; nội thất, gỗ; các ngành khác.

TP.HCM tập trung vào làm chủ công nghệ và phát triển toàn diện hệ sinh thái hỗ trợ; thu hút doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển; hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả thương mại của các ngành công nghiệp hiện hữu gắn với tự động hóa, phát triển bền vững.

Về phương hướng phát triển ngành thương mại, TP.HCM sẽ phát triển thương mại theo hướng hiện đại, văn minh, đồng bộ với sự phát triển của công nghiệp hóa, khai thác tối đa lợi ích từ toàn cầu hóa.

Xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của vùng Đông Nam Bộ; phát triển TP.HCM trở thành trung tâm thương mại điện tử của vùng Đông Nam Bộ; phát triển các kênh bán lẻ hấp dẫn; chuyên nghiệp hóa và số hóa chuỗi cung ứng bán buôn; nâng cấp kết nối và cải thiện dịch vụ thương mại và quốc tế; tập trung xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh chủ lực.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics. Đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ số, công nghệ quản lý hiện đại trong vận hành của các trung tâm logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí, bảo đảm năng lực cạnh tranh và hội nhập được với các trung tâm logistics của khu vực, thế giới...

Kỳ An

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/den-nam-2030-tphcm-se-co-6-thanh-pho-truc-thuoc-post556968.html