Đến núi Bà Đen tìm bình yên với triển lãm tranh 'Về Ngộ'
Nằm trong khuôn khổ sự kiện núi Bà Đen đón hàng nghìn đại biểu Vesak 2025 vào ngày 8.5.2025, triển lãm tranh mang chủ đề Phật giáo 'Về Ngộ' của họa sĩ Hoàng Phong là hành trình tìm kiếm sự an yên trong tâm hồn.

Bức tranh Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc tại núi Bà Đen. Tranh: Hoàng Phong
“Về Ngộ” gồm 45 bức tranh về chủ đề Đền Chùa của họa sĩ Hoàng Phong – hội viên Hội mỹ thuật TP.HCM, thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS 2015, và là một họa sĩ trẻ tài năng theo đuổi trường phái hội họa hiện thực.
Mang cảm hứng Phật giáo nhưng rất gần gũi với văn hóa tín ngưỡng người Việt, “Về Ngộ” truyền tải thông điệp về trí tuệ, lòng từ bi, sự giác ngộ để kiếm tìm hạnh phúc đích thực.

Không gian triển lãm tranh “Về Ngộ” trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain
Bộ tranh “Về Ngộ” sẽ được triển lãm tại núi Bà Đen từ ngày 25.4.2025 nhằm hướng đến Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc Vesak 2025.
Với rất nhiều hoạt động tâm linh ý nghĩa dịp này như lễ rước Xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ, lễ trồng 108 cây bồ đề từ Bồ Đề Đạo Tràng, đại lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình thế giới, núi Bà Đen đang trở thành điểm đến hành hương của Phật tử và du khách cả trong nước và quốc tế.
Lý giải cho tên của bộ tranh, họa sĩ Hoàng Phong cho biết, trong văn hóa Phật giáo, “Ngộ” là sự tỉnh thức, sự hiểu biết thấu đáo, là nhận ra chân lý.
“Ngộ” là thoát khỏi trạng thái vô minh, là một mục tiêu quan trọng trên con đường tu tập. Còn “Về” là sự tìm về, trở về, thuộc về.
Bởi lẽ đó, bộ tranh chính là hành trình họa sĩ trở về quán chiếu nội tâm, soi rõ bản thể, tìm kiếm sự giác ngộ để chạm đến sự an yên trong tâm hồn.

Bức tranh Fansipan (Sa Pa). Tranh: Hoàng Phong
Với 45 bức tranh, người yêu nghệ thuật có thể gặp lại những ngôi đền, những mái chùa rất quen thuộc trên khắp cả nước như chùa Bà (núi Bà Đen), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Đồng (Yên Tử), chùa Keo (Thái Bình), chùa Hương (Hà Nội), Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), đền Bà Kiệu, Phủ Tây Hồ (Hà Nội)...
Vẻ đẹp cổ kính, nên thơ, trầm mặc của các ngôi chùa được họa sĩ Hoàng Phong khắc họa vô cùng chân thực, sống động, tựa như đang hiện hữu trước mắt, lại có chút mờ ảo, mơ hồ, khó nắm bắt.
Mỗi chi tiết trên các bức tranh đều được đặc tả với một sự tỉ mỉ cao độ, nơi bạn có thể cảm nhận ngòi vẽ và tâm họa sĩ gần như đạt đến trạng thái thiền định.
Cùng phương pháp tả thực, kỹ thuật vẽ màu nước chất tự nhiên được nghiền từ khoáng sản trên giấy Arches Pháp, các nét vẽ càng làm tăng độ chân thật cho các bức tranh.

Bức tranh Lễ dâng đăng tại núi Bà Đen. Tranh: Hoàng Phong
Với họa sĩ Hoàng Phong, những bức tranh này chính là hành trình tìm đến an yên, tìm lại chính mình sau những tổn thương trong quá khứ.
“Khi tìm đến các ngôi chùa, đền để chiêm nghiệm về các giáo lý gần gũi mà Đức Phật đã truyền dạy, tôi dần bị cuốn hút bởi các công trình kiến trúc tâm linh. Bộ tranh đã ra đời như một cơ duyên, và tôi cũng mong mỗi người khi xem các bức tranh này cũng sẽ tìm thấy sự an yên, tĩnh tại”.
Theo họa sĩ, dự định vẽ loạt tranh về đề tài đền chùa Việt Nam đã được ấp ủ từ lâu. Nhưng dự định này chỉ thực sự được thúc đẩy và thành hiện thực sau chuyến viếng thăm núi Bà Đen (Tây Ninh) cách đây hơn 1 năm.
Vẻ đẹp linh thiêng, kỳ vĩ, nguồn năng lượng và những nghi lễ linh thiêng tại núi Bà Đen đã khơi gợi cảm hứng để họa sĩ vẽ bộ tranh này.

Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen. Tranh: Hoàng Phong
Bởi vậy, người xem có thể bắt gặp trong “Về Ngộ” nhiều bức tranh phác họa các công trình tâm linh mang hồn cốt của ngọn núi cao nhất Nam bộ như chùa Bà, hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen), Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, tượng Di Lặc Bồ Tát, đại lễ dâng đăng trên đỉnh núi Bà Đen.
“Tôi vô cùng vinh hạnh khi triển lãm tranh tổ chức đúng dịp núi Bà Đen đón đoàn đại biểu Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2025. Tôi hi vọng triển lãm sẽ không chỉ là một dự án nghệ thuật để du khách khám phá chiều sâu văn hóa Phật giáo, mà còn cùng nhau tụ họp nơi núi thiêng, ngắm nhìn hội họa Phật giáo và cảm nhận nguồn năng lượng tích cực trong ngày hội Phật giáo toàn cầu” – họa sĩ cho biết.

Bức tranh Chùa Trấn Quốc (Hà Nội). Tranh: Hoàng Phong
“Về Ngộ” cũng gồm nhiều bức tranh tĩnh vật, khắc họa vẻ đẹp của hoa đào, hoa hướng dương, cành hồng, đặc biệt là hoa sen.
Theo họa sĩ, mỗi cành hoa đều mang vẻ đẹp tự nhiên và đều có tính Phật. Đặc biệt, hoa sen là một biểu tượng của Phật giáo, mang vẻ đẹp thanh tịnh, biểu trưng cho phẩm chất cao quý của con người.
“Ngắm nhìn một bông hoa để hiểu rõ tính Vô thường mà Đức Phật nói đến. Vì biết bông hoa kia nay còn mai mất, nên sẽ giúp ta sống chánh niệm với từng giây phút hiện tại”– Họa sĩ chia sẻ.
Tại núi Bà Đen, họa sĩ Hoàng Phong hiện cũng đang trưng bày bộ tranh “Ký ức đồng dao” gồm 34 bức tranh kết hợp giữa văn hóa Nhật Bản và văn hóa dân gian Việt Nam.
Các bức tranh tái hiện nét đẹp trong văn hóa dân gian Nhật Bản như các Samurai, Sumo, Yokai, Geisha, kịch Noh, cá chép, mèo thần tài, Kitsune...
Bộ tranh cũng khắc họa một Việt Nam yên bình với Tháp Rùa, cầu Vàng Đà Nẵng, cáp treo Núi Bà, cùng những điệu múa lân sư rồng, cá chép, hay không gian thiền... đã làm nên nếp sống bình dị của người Việt.