Đèn phanh ôtô bị hỏng là do đâu?
Đèn phanh là một phần không thể thiếu của hệ thống phanh. Nó có nhiệm vụ thông báo cho các xe khác là bạn đang giảm tốc độ, vì vậy nếu đèn phanh bị hư hỏng tai nạn có thể xảy ra.
Nguyên nhân hư hỏng đèn phanh ôtô
Có một số nguyên nhân dẫn tới hư hỏng đèn phanh ôtô phổ biến như cháy bóng, công tắc hoặc cầu chì hỏng, chưa kéo hết phanh tay…
Bóng đèn phanh bị hỏng
Trường hợp bóng đèn bị hỏng, cháy sẽ dẫn đến đèn phanh ôtô không sáng khi giảm tốc độ, dừng xe. Tình trạng này không chỉ gây nguy hiểm cho người lái mà còn ảnh hưởng tới những phương tiện cùng tham gia giao thông.
Để xác định tình trạng hiện tại của đèn phanh ôtô, người lái có thể nhờ người xung quanh quan sát khi thực hiện đạp chân phanh.
Công tắc bàn đạp phanh kém
Công tắc này là một nút bấm nằm dọc theo trục của bàn đạp phanh, ngay phía trên pedal. Khi người lái đạp phanh, nút bấm sẽ được kích hoạt và làm cho đèn báo phanh bật sáng.
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, công tắc bàn đạp thường bị cháy hoặc mòn lớp đồng, dẫn tới tình trạng đèn phanh ôtô không tắt.
Bên cạnh đó, quá trình đạp phanh liên tục của người điều khiển sẽ khiến cho tấm chắn bị mài mòn, dẫn tới hiện tượng rơi, thủng hoặc vỡ và để lại lỗ hổng trên cần của bàn đạp phanh.
Khi đó, nút bật/tắt sẽ xuyên qua vị trí khuyết và mở kết nối giữa ECU pin với ắc quy, cung cấp điện liên tục khiến đèn báo phanh không thể tắt.
Chưa kéo hết phanh tay
Chưa nhả hết phanh tay là nguyên nhân phổ biến khiến đèn báo phanh sáng liên tục. Khi gặp phải tình trạng này, người dùng không nên tiếp tục điều khiển phương tiện, tránh dẫn tới hiện tượng trơn trượt, mất lái.
Hệ thống bó cứng phanh ABS gặp vấn đề
Hầu hết các mẫu ôtô hiện nay đều được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Trong điều kiện bình thường, khi người lái khởi động ôtô, đèn báo phanh sẽ sáng và tắt ngay sau đó.
Tuy nhiên, nếu đèn vẫn trong tình trạng sáng khi xe vận hành, điều này có nghĩa là hệ thống phanh ABS đang gặp vấn đề. Phần lớn lỗi sẽ tới từ bộ cảm biến, do đó người lái nên mang xe đến xưởng sửa chữa để được kiểm tra chính xác nguyên nhân.
Cách sửa chữa đèn phanh ôtô bị hỏngThay bóng đèn phanh
Nếu bóng đèn phanh bị hư hỏng, người lái có thể chủ động thay mới theo hướng dẫn dưới đây:
Bước 1: Chủ xe tiến hành tháo các ốc vít bằng thiết bị chuyên dụng. Người dùng lưu ý nên đặt gọn các chi tiết vào một vị trí để tránh bị thất lạc trong quá trình sửa chữa.
Bước 2: Chủ xe tiến hành mở nắp bộ phận đặt đèn báo phanh.
Bước 3: Chủ xe cần xác định vị trí của đèn phanh và tháo bộ phận này ra khỏi ổ cắm. Theo đó, người dùng nên thực hiện thao tác xoay và kéo để lấy đèn ra ngoài nhanh hơn. Đồng thời, thao tác này cũng tránh làm các bộ phận xung quanh bị ảnh hưởng.
Bước 4: Sau khi đã hoàn tất thao tác tháo bóng đèn, chủ xe nên kiểm tra tình trạng của vị trí nối điện xem có bị hư hỏng hay không.
Bước 5: Chủ xe thực hiện lắp bóng đèn mới, đồng thời gắn lại bộ phận đèn phanh trở về vị trí ban đầu. Sau khi đóng nắp, người dùng nên siết chặt ốc vít để đảm bảo sự chắc chắn khi vận hành.
Thay thế công tắc đèn phanh mới
Bước 1: Tháo giắc cắm trên công tắc
Trước khi tháo công tắc đèn phanh cũ, người dùng cần thực hiện rút giắc cắm. Trong trường hợp giắc cắm bị hỏng, chủ xe nên tiến hành thay thế sớm để đảm bảo hiệu suất hoạt động của bộ phận.
Bước 2: Tháo công tắc đèn phanh cũ
Công tắc phanh thường được cố định bởi 1 hoặc 2 bulông nhỏ. Do đó, chủ xe cần nới lỏng các bulông này để có thể tháo được công tắc bàn đạp và thực hiện bước tiếp theo.
Bước 3: Người dùng tiến hành lắp công tắc đèn phanh mới
Bước 4: Gắn lại giắc cắm vào công tắc
Thay thế cầu chì bị cháy
Bước 1: Xác định vị trí đặt hộp cầu chì
Hầu hết trên các mẫu xe ôtô hiện nay đều được trang bị tối thiểu 2 hộp cầu chì, một hộp ở khoang động cơ và một hộp trong cabin, phía dưới taplo. Dựa vào vị trí này, chủ xe có thể thực hiện kiểm tra cầu chì dễ dàng.
Bước 2: Xác định vị trí của cầu chì đèn phanh
Để biết được vị trí của cầu chì đèn phanh, người dùng có thể xem sơ đồ trên nắp hộp cầu chì. Khi cầu chì bị cháy có thể khiến đèn phanh không sáng hoặc sáng liên tục.
Bước 3: Tháo cầu chì và kiểm tra
Chủ xe có thể dùng dụng cụ chuyên dụng như kìm để tháo cầu chì. Nếu quan sát thấy thanh kim loại bị chảy hoặc đứt, người dùng cần tiến hành thay mới.
Bước 4: Thay thế cầu chì mới có cường độ dòng điện tương đương cầu chì cũ