Đến Saudi Arabia sau 12 năm, Tổng thống Putin muốn gì?

Lần đầu tiên sau hơn 1 thập niên, ngày 14-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Saudi Arabia, tìm cách tận dụng sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng về các lợi thế quân sự ở Syria, xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với các đối thủ trong khu vực và hợp tác về chính sách năng lượng.

Lần đầu tiên sau hơn 1 thập niên, ngày 14-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Saudi Arabia, tìm cách tận dụng sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng về các lợi thế quân sự ở Syria, xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với các đối thủ trong khu vực và hợp tác về chính sách năng lượng.

Cuộc gặp giữa ổng thống Nga Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman diễn ra vào thời điểm bất ổn gia tăng ở Trung Đông. Ảnh: AFP

Cuộc gặp giữa ổng thống Nga Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman diễn ra vào thời điểm bất ổn gia tăng ở Trung Đông. Ảnh: AFP

Phá băng quan hệ

Nga là đồng minh của Iran - đối thủ chính của Saudi Arabia trong khu vực và là kẻ thù số một của đồng minh chính của Riyadh - Mỹ.

Saudi Arabia mới đây quy trách nhiệm cho Iran trong vụ hai nhà máy lọc dầu của mình bị tấn công tháng trước và đồng ý cho Washington đưa quân vào lãnh thổ mình để ngăn chặn hành động khiêu khích của Tehran. Saudi Arabia là nước dẫn đầu liên quân Arab đưa quân can dự nội chiến Yemen theo yêu cầu của chính phủ Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi, đánh nhóm phiến quân Houthi - đồng minh của Iran. Saudi Arabia cũng đứng về phía đối ngược với Nga trong nội chiến Syria. Trong khi Moscow ủng hộ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad thì Riyadh ủng hộ và vũ trang cho các nhóm dân quân nổi dậy chống chính phủ.

Quan hệ giữa hai bên có vẻ luôn giậm chân tại chỗ, chưa thấy có dấu hiệu tốt hơn, dù ông Putin từng được nhìn thấy trò chuyện thân mật với Thái tử Mohammed bin Salman tại các cuộc họp quốc tế, từng công khai nói về sự hòa hợp của mình với ông Salman và cả với quốc vương Saudi Arabia. Quan hệ lỏng lẻo giữa Nga và Saudi Arabia có thể nhìn thấy rõ qua kinh tế, con số trao đổi thương mại hai bên vẫn tương đối thấp.

Tuy nhiên, Moscow và Riyadh đã nhanh chóng hâm nóng quan hệ trong những năm gần đây, đặc biệt là với chuyến thăm đầu tiên của Vua Salman tới Nga vào tháng 10-2017. 1 năm sau đó, khi Thái tử Salman bị chỉ trích sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin đã lại gần và bắt tay Thái tử tại một hội nghị thượng đỉnh G20, thu hút nhiều bình luận. Trong cuộc phỏng vấn với các kênh truyền hình tiếng Arab trước thềm chuyến thăm lần này, ông Putin đã ca ngợi quan hệ tốt đẹp với Nhà vua và Thái tử Saudi Arabia. “Chúng tôi chắc chắn sẽ hợp tác với Saudi Arabia và các đối tác cùng bằng hữu khác trong thế giới Arab... để giảm về không bất kỳ nỗ lực nào hòng gây bất ổn cho thị trường dầu lửa”, ông nói trong cuộc phỏng vấn phát hôm 13-10.

Kiến tạo hòa bình

Nhiều chuyên gia cho rằng, Nga - đang chủ trương làm bạn với tất cả các nước ở Trung Đông - có vị thế hoàn hảo để làm trung gian hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran.

Trong chuyến công du này, dự kiến Tổng thống Putin sẽ hội đàm với Quốc vương Salman và nhà lãnh đạo trên thực tế, Thái tử Mohammed bin Salman của nước chủ nhà. Trước thềm chuyến công du, Tổng thống Putin, người đã đưa ra đề nghị cung cấp các hệ thống phòng không Nga cho Saudi Arabia sau các vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu ở vương quốc ngày hôm 14-9, còn cho biết ông có khả năng sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc giảm bớt căng thẳng giữa Riyadh với Tehran do ông có quan hệ hữu hảo với cả hai bên. “Vì có quan hệ rất hữu nghị với tất cả các nước trong khu vực, kể cả Iran và các nước Arab như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, chúng tôi chắc chắn có khả năng giúp chuyển tiếp các thông điệp của các bên và họ có thể nghe được quan điểm của nhau. Nhưng vì tôi có quan hệ cá nhân với lãnh đạo các nước này, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng họ không cần bất kỳ lời khuyên hay trung gian nào”, ông Putin khẳng định lại quan điểm của Nga trong cuộc phỏng vấn với một nhóm đài truyền hình Arab cuối tuần trước. Ông Putin cho biết, điều ông muốn làm nhất là “đưa ra một số ý tưởng từ quan điểm của một người bạn”. Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu hàng đầu của Nga là tìm bạn bè để có sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, chứ không phải lôi kéo đồng minh để chống lại các đối thủ khác trong khu vực.

Ông Putin cũng cho biết, Moscow ủng hộ sáng kiến về việc lập một tổ chức sẽ giữ vai trò là diễn đàn cho các nhà lãnh đạo của các nước này gặp nhau và đàm phán. Theo nhà lãnh đạo Nga, tổ chức này “sẽ đưa các nước trong khu vực cũng như các bên liên quan khác gần nhau, ví dụ như Mỹ và EU” và “sẽ giữ vai trò là diễn đàn để thảo luận các cuộc khủng hoảng và mọi vấn đề cấp thiết”.

Dầu và đầu tư

Theo nhà phân tích chính trị người Nga Fydor Lukyanov, dầu sẽ là “chủ đề chính của cuộc thảo luận” giữa các nhà lãnh đạo, trong bối cảnh một thỏa thuận giữa 24 thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC) sẽ hết hiệu lực vào mùa Xuân tới. Nga không phải thành viên OPEC, tổ chức do Saudi Arabia đứng đầu, nhưng Moscow đã hợp tác chặt chẽ với nhóm này nhằm hạn chế nguồn cung và đẩy tăng giá sau đợt trượt giá năm 2014 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga.

Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cũng tiết lộ, trong chuyến thăm lần này, Nga và Saudi Arabia sẽ ký một thỏa thuận trị giá 700 triệu USD về việc cho thuê máy bay trong số nhiều hiệp định khác. Phát biểu với báo giới, ông Dmitriev nêu rõ: “Đây sẽ là một thỏa thuận trong lĩnh vực cho thuê máy bay, trị giá 700 triệu USD... Nó sẽ là một trong những thỏa thuận lớn nhất”. Ngoài ra, ông Dmitriev còn tiết lộ: ”Không nghi ngờ gì nữa, vũ trụ và công nghệ cao sẽ nằm trong những thỏa thuận vốn sẽ được ký kết. Cụ thể, có một dự án thú vị về phóng một vệ tinh từ lãnh thổ Saudi Arabia lên quỹ đạo, sử dụng các công nghệ được quan tâm của Nga”.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_214283_den-saudi-arabia-sau-12-nam-tong-thong-putin-muon-gi-.aspx