Đến Sơn Tây, Hà Nội chiêm ngưỡng bộ sưu tập 2022 con hổ độc bản

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sơn Tây, Hà Nội, nghệ nhân trẻ tuổi Nguyễn Tấn Phát đã dành tất cả tình cảm sâu đậm của mình cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam. Khát khao lớn nhất của người nghệ nhân này không chỉ là gìn giữ sơn mài truyền thống mà còn muốn đưa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam tới nhiều nước trên thế giới.

Những tiếng đục đẽo rộn ràng, quen thuộc, âm thanh của niềm đam mê sáng tạo. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đang trong quá trình hoàn thiện 2022 tác phẩm của mình về những chú hổ. Ngay từ nhỏ, người nghệ nhân này đã bộc lộ tình yêu của mình với những chất liệu truyền thống của người Việt. Anh vẽ mọi lúc mọi nơi, từ trên tường đất đến những mảnh ngói vỡ, hay thậm chí chỉ vẽ bằng cọng que trên cát. Thời gian trôi đi, tình yêu mỹ thuật trong anh ngày càng lớn, thôi thúc người con của vùng đất trung du sáng tạo ra những tác phẩm đặc biệt, những tác phẩm mang đậm nét văn hóa dân gian Việt nam.

Họa sĩ, nghệ nhân NGUYỄN TẤN PHÁT: “Hình ảnh hổ đã có trong văn hóa dân gian Việt Nam và trong mĩ thuật của Việt Nam từ rất lâu. Hổ trước đây được sáng tạo ra trong mĩ thuật thì thường mang một dáng vẻ hùng dũng và oai nghiêm đôi khi bị xa lánh với đời sống thường nhật của con người, Vì hổ thường được trang trí trong các công trình tín ngưỡng, tâm linh. Bộ sưu tập này của tôi thì tôi đã thiết kế ra những tạo dáng của hổ trở nên hiền hòa đáng yêu hơn nhưng cũng ko kém phần hùng dũng. Ngoài ra tôi có đưa vào tác phẩm của mình những tạo hình đáng yêu mang tính chất hiện đại và cách điệu, tôi tin nó sẽ dễ dàng đi vào không gian nội thất. Ngoài ra tôi cũng xây dựng lên nhiều những tích truyện, tư tưởng mang tính tích cực hơn cho loài hổ.”

Nhắc tới hổ, ắt hẳn nhiều người sẽ nghĩ tới sự oai nghiêm, sự hung dữ, nhưng qua đôi bàn tay tài tình cùng óc sáng tạo của mình, những tác phẩm về hổ của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát có nhiều nét phá cách, anh sử dụng chính những chất liệu của quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên để lột tả tinh thần của các tác phẩm. Những tác phẩm hổ trên gỗ mít đã cho thấy sự quyết tâm sáng tạo. 2022 mẫu hổ độc bản, không con nào giống con nào cùng những giá trị văn hóa mang tính chất vùng miền đã mang đến một giá trị riêng biệt. Bên cạnh đó, chất liệu đá ong được đưa vào tác phẩm là một sự đột phá mang nhiều mỹ cảm.

Họa sĩ, nghệ nhân NGUYỄN TẤN PHÁT: “Trong tác phẩm đó tôi luôn muốn gắn những công năng sử dụng, giá trị sử dụng rất là thường ngày vào trong những tạo dáng hổ. Chẳng hạn như những bức tượng hổ như thế này, hoàn toàn có thể trở thành 1 món quà tết vì bức tượng hổ này có công năng sử dụng là một chiếc lọ cắm hoa. Thứ 2 trên mình con hổ được cách điệu là những hoa văn Lạc Việt, trống đồng cổ. Đây là một trong những cái mà khơi gợi lại tình yêu văn hóa, tình yêu lịch sử cho người Việt. Tôi đã đưa vào rất nhiều hoa văn cổ của người Việt. Ngoài hoa văn thì một trong chất liệu đặc biệt tôi đều làm trên bức tượng là tôi thể hiện sơn mài, sơn mài và cách làm truyền thống có khảm những chất liệu rất là đặc biệt, rất là dân dã như là vỏ trứng, vỏ trai và đây cũng là cách mà tôi muốn quảng bá và gìn giữ sơn mài truyền thống của Việt Nam.”

Để có được các tác phẩm ưng ý, mang những nét đặc trưng của hổ, mỗi tác phẩm đều được bắt đầu từ sự nghiên cứu kỹ lưỡng và chọn lựa cách thể hiện. Nhọc công là thế, nhưng người nghệ nhân làng cổ chưa bao giờ vơi nhiệt huyết. Anh miệt mài tạo tác các tác phẩm hổ với mong muốn thổi luồng sinh khí mới cho du lịch làng cổ Đường Lâm, để du khách tới đây có thêm thứ để ngắm, có thêm món quà độc đáo để mua về trưng bày hay làm quà tặng. Đây cũng là cách người nghệ nhân này tỏ lòng tri ân với mảnh đất quê hương.

Họa sĩ, nghệ nhân NGUYỄN TẤN PHÁT: “Một trong những điều đặc biệt của bộ sưu tập hổ lần này đó là tôi đã thiết kế ra rất nhiều tạo dáng của hổ, tính chất công năng sử dụng trong tác phẩm đó tôi đặc biệt chú ý. Một trong những điểm nhấn của bộ sưu tập này là tôi có sử dụng là bộ ghế ngũ hổ, bộ ghế ngũ hổ này được tôi làm theo tích ngũ hổ, và bộ ghế này có kích thước và trọng lượng rất là lớn và sẽ gây ấn tượng cho người xem.”

Các câu chuyện, ca dao, văn hóa dân gian cũng được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát khéo léo đưa vào bộ sưu tập hổ lần này. Các hình tượng kiến trúc mang đặc trưng Việt cũng được sử dụng rất nhiều nhằm nâng cao tính tự hào dân tộc. Thêm các công năng cho tác phẩm của mình, khi là lọ hoa, bàn trà lúc là chiếc ghế…, quan niệm về hổ có nhiều thay đổi, tạo hình gần gũi, đáng yêu mà không mất đi sự mạnh mẽ.

Họa sĩ, nghệ nhân NGUYỄN TẤN PHÁT: “Khó khăn nhất là vấn đề tư duy về hình tượng hổ, bởi vì những câu chuyện, những tích truyện về hổ trong dân gian rất hạn chế….. tôi đã phải mềm mại hóa, và nghệ thuật hóa bớt hình tượng đó đi để làm sao kéo hình tượng hổ đó đến gần hơn với công chúng bằng cách tôi đã gắn những tích chuyện và những tư tưởng của bản thân mình vào trong tạo dáng những bức tượng hổ. Chẳng hạn có những bức tượng hổ tôi đặt những tổ chim trên lưng con hổ, ý truyền tải 1 thông điệp xuyên suốt trong bộ sưu tập của tôi đó là với sức mạnh của loài hổ, với sự uy dũng của hổ thì hổ mang lại sự bảo vệ, sự che chở cuộc sống của các sinh linh khác chứ ko đe dọa và cản trở trong cuộc sống.”

Những chú hổ mang những gam màu tươi vui, ấm áp tượng trưng cho mùa xuân, cho ngày tết. Các tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã thể hiện sức sáng tạo, sức lao động, tôn vinh nghề thủ công truyền thống như điêu khắc, sơn mài.. Trong cuộc sống hiện đại, mọi thứ đang trở nên dập khuôn, khô khan và chạy theo lợi nhuận. Làm sống động các tác phẩm nghệ thuật truyền thống, chuyển tải văn hóa Việt, câu chuyện Việt vào các tác phẩm, đưa nghệ thuật Việt Nam, văn hóa Việt Nam ra với thế giới là cách yêu nước rất riêng của những người nghệ nhân, nghệ sĩ./.

Thực hiện : Việt Hòa Ngô Trang Tùng Dương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nghe-nhan-tre-yeu-nuoc-bang-cach-thoi-hon-vao-nghe-thuat