Đến Suwon thủ phủ công nghệ thế giới
Không phải ngẫu nhiên Hàn Quốc chọn sân vận động Suwon làm nơi tiếp đón đội tuyển Việt Nam trong trận giao hữu vừa qua. Suwon không chỉ đơn thuần là một thành phố công nghiệp. Người Hàn Quốc tự hào gọi nơi đây là thủ phủ công nghệ thế giới, nơi đặt đại bản doanh nghiên cứu phát triển của tập đoàn Samsung.
Kín cổng cao tường
Đã bao giờ bạn tự hỏi phiên bản đầu tiên của chiếc máy tính, hay điện thoại bạn cầm trên tay được làm từ đâu chưa? Với các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc, những nhà máy, xí nghiệp họ xây dựng trên khắp thế giới gần như chỉ thực hiện công đoạn gia công, lắp ráp và phân phối sản phẩm. Công nghệ lõi được nghiên cứu, phát triển và cải tiến ở đại bản doanh tập đoàn.
Với Samsung, đại bản doanh chứa công nghệ lõi của họ nằm ở thành phố Suwon. Họ không chỉ đơn thuần xây dựng một trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) tại đây. Người Hàn Quốc gọi nơi này là thành phố kỹ thuật số, hay Digital City. Toàn bộ những công nghệ tân tiến nhất của Samsung trong sản xuất điện thoại, máy tính hay pin xe điện đều được sinh ra từ thành phố này.
Mỗi sáng, từng tốp nhân viên văn phòng lại đi xe bus, hoặc tàu điện để tới Digital City. Chính quyền thành phố Suwon phải xây dựng một mạng lưới giao thông công cộng phục vụ riêng cho đội ngũ cán bộ nhân viên Samsung vì một lý do đơn giản: Họ quá đông. Digital City có tới 300.000 lao động thường xuyên đến làm việc mỗi ngày. 34.000 người trong số họ là kỹ sư công nghệ cao.
Digital City vốn là nơi kín cổng cao tường, đặc biệt với giới phóng viên. Công tác an ninh càng được thắt chặt hơn vào 6 tháng cuối năm, khi tập đoàn bước vào giai đoạn nghiên cứu phát triển những mẫu điện thoại mới. Chỉ một sơ suất, bí mật công nghệ do Samsung dày công tìm tòi hoàn toàn có thể bị gián điệp công nghệ lấy cắp và chuyển giao cho một bên khác.
Với người ngoài, cách duy nhất để có thể bước vào bên trong Digital City là đăng ký trước lịch vào thăm với một phòng ban. Chuyên viên phụ trách phòng ban này sẽ đăng ký người vào trên hệ thống quản lý nội bộ. Không ai có thể vào "chui", bởi đăng ký cần qua 2 lớp phê duyệt của phó phòng và trưởng phòng. Họ thường là những người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại đây.
Khi chứng kiến một người trong nhóm phóng viên giơ điện thoại lên chụp hình, nhân viên an ninh lập tức nhắc nhở. "Bạn là khách du lịch đúng không? Hãy nhớ điều này: Bạn có thể quay phim chụp ảnh tùy thích, nhưng chỉ ở khu vực bên ngoài công ty. Mọi nơi tính từ cổng vào phía trong đều nghiêm cấm sử dụng thiết bị quay chụp, ghi âm và ghi hình", nhân viên nói.
Quy định cấm quay phim chụp hình trong khuôn viên tập đoàn là nguyên tắc bất di bất dịch mọi nhân viên Samsung phải nắm rõ. Tất cả họ đều được yêu cầu tải về một ứng dụng khóa camera được Samsung phát triển riêng, và phải kích hoạt nó trước khi bước vào công ty. Những người không tải ứng dụng được phát những miếng cao su màu đen để dán đè lên camera mặt sau và trước.
Thung lũng công nghệ cao
Nhân viên Samsung thường truyền tai nhau một câu nói: Bạn có thể mang bất kỳ thiết bị điện tử nào từ bên ngoài vào trong khuôn viên Samsung, nhưng không thể mang ra dù chỉ một chiếc sạc điện thoại. Đó là sự thật. Cổng ra khu vực văn phòng trở thành pháo đài với cửa từ và máy soi. Khi ai đó bước qua cửa, nhân viên an ninh sẽ dùng gậy dò kim loại rà người này một lần nữa.
Vì lý do trên, chẳng ai có thể chụp được quang cảnh bên trong khu văn phòng Samsung như thế nào. Những người ngoài như chúng tôi đành từ bỏ hy vọng khám phá khu vực R&D. Thay vào đó, mọi người chuyển sang thăm thú khu vực bên ngoài. Cái tên Digital City thực sự không hề nói quá về nơi này, bởi một người hoàn toàn có thể sống trọn đời bên trong thành phố kỹ thuật số.
Nếu như Mỹ tự hào có Thung lũng Silicon, nơi tập trung các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, thì Hàn Quốc cũng sở hữu Digital City. Nơi này có 5 tòa tháp văn phòng cao 40 tầng, mỗi tòa đảm nhiệm một bộ phận chuyên trách riêng. Tất cả kết nối với nhau bằng đường bộ thông qua công viên trung tâm, cùng một mạng lưới bao gồm 130 tòa nhà, phân xưởng nhỏ hơn.
Ở một góc độ nào đó, Digital City có chức năng như một thành phố thực sự. Nơi này có một bệnh viện hiện đại sở hữu các thiết bị máy móc tân tiến nhất, 3 nhà trẻ, 18 quán cà phê, 24 nhà hàng, cùng một trung tâm phòng cháy chữa cháy với 40 lính cứu hỏa túc trực 24/7. Tất cả trải rộng trên diện tích 72 ha, và ngày càng được mở rộng để đón thêm nhiều nhân viên đến làm việc.
Một trong những điểm đặc biệt của hệ thống cửa hàng trong Digital City là nơi đây nhận mua đồ bằng "tem phiếu". Đó là phiếu mua hàng được tập đoàn thưởng cho các nhân viên và phòng ban có thành tích xuất sắc. Bên cạnh việc thưởng tiền, công ty sẽ thưởng thêm tem phiếu để các phòng ban có thể tổ chức liên hoan bằng cách mua đồ ở các cửa hàng trong Digital City.
Park, một nhân viên R&D, dùng tem phiếu để mời chúng tôi uống cà phê. Anh từng làm ở phòng Kỹ thuật Mua hàng Điện thoại trước khi chuyển sang bộ phận này. Park cho biết, tem phiếu trả cho cửa hàng sẽ được nơi đây tập hợp lại rồi quy đổi thành tiền với công ty. Bằng cách đó, dòng tiền sẽ luôn chảy trong Digital City mà mọi người không phải dùng đến tiền mặt.
Mới và cũ
Giống như nhiều tập đoàn công nghệ khác của Hàn Quốc, Samsung dành một khu vực riêng bên trong Digital City để du khách có thể chiêm ngưỡng sản phẩm tân tiến nhất họ sở hữu. Khác với khu vực văn phòng, mọi người có thể thoải mái quay phim chụp hình, thậm chí trải nghiệm những sản phẩm này. Phải dùng thử, ta mới thấy những thiết bị điện tử trong gia đình mình quá... lạc hậu.
Samsung không chỉ đem những chiếc điện thoại đời mới nhất đến nơi này. Chính giữa khu trưng bày là ti vi không dây có giá hơn 1 tỷ đồng. Ngay cạnh đó có một máy giặt thông minh. Nó không chỉ kiêm chức năng giặt sấy, mà còn có 2 lồng giặt, với 1 lồng chuyên giặt đồ cho trẻ em. Xa xa là robot hút bụi thông minh biết tự vắt giẻ lau và đổ rác vào thùng.
Thiết bị điện bật tắt theo vị trí người di chuyển không còn là công nghệ mới nữa. Những nhân viên R&D tại Digital City đang hướng đến việc tối ưu hóa sản phẩm nhà thông minh, với tất cả các thiết bị điện tử có thể bật tắt từ xa. Điều đó giúp những con người bận rộn của thế kỷ 21 có thể "chỉ bảo" máy móc hoạt động mà không nhất thiết phải ngồi nhà bấm nút.
"Hệ thống quản lý nhà thông minh hiện có một nhược điểm. Theo nguyên tắc, đồ điện tử tích hợp trong nhà thông minh phải có đầy đủ lựa chọn công năng của thiết bị đó trên ứng dụng. Nhưng nếu đưa tất cả vào, người sử dụng sẽ gặp rắc rối vì có quá nhiều tính năng không dùng đến. Chúng tôi đang nghiên cứu để tìm giải pháp cho vấn đề đó", Park chia sẻ.
Bên cạnh "phòng hiện đại", Digital City còn có một "phòng truyền thống", thực chất là bảo tàng, để lưu giữ những bước tiến vượt bậc của doanh nghiệp. Đứng trong bảo tàng công nghệ này, bạn sẽ thấy những sản phẩm thân quen với người Việt một thời khó khăn như ti vi 14 inch, điện thoại bàn phím số. Tất cả đều là thành tựu vang bóng của một thời đã xa.
Giữa lúc trò chuyện sôi nổi, Park xin phép trở lại làm việc. Đồng nghiệp anh vừa nhắn một tin không vui: Kết quả kiểm tra độ tin cậy về mặt màu sắc của một mẫu ốp lưng điện thoại có vấn đề. Linh kiện này được phun sơn và tráng màu theo công nghệ mới, nhưng khi để ánh sáng chiếu vào trực tiếp, một lúc sau nó lại trở nên trong suốt! Trước khi chia tay mọi người, Park xin phép chúng tôi không viết rõ tên anh trong bài, vì điều đó có thể dẫn đến hiểu nhầm tiết lộ bí mật công ty.
Ấn tượng làm việc với người Việt
Tương tự Park, Kim, một nữ nhân viên bộ phận R&D xin phép được giấu tên khi chia sẻ câu chuyện trên chuyến tàu từ Digital City ra ngoại thành. Cô nói mình từng đến Việt Nam làm việc trong vai trò cố vấn hỗ trợ, và cảm thấy thực sự thán phục các đồng nghiệp người Việt trong tốc độ xử lý công việc.
"Các bạn Việt Nam luôn làm việc với thái độ chuyên nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ người khác. Khi chúng tôi mới bắt đầu đưa vào lắp ráp hàng loạt mẫu sản phẩm mới, nhiều nhân viên đã làm việc ban ngày vẫn tiếp tục ở lại nhà máy đến 10 giờ tối để theo sát tiến độ sản phẩm ra lò. Họ chỉ về nhà khi đã rất khuya", Kim nói.
Một chi tiết khác được Kim để ý là ngay cả khi đã hết giờ làm việc, nhiều đồng nghiệp Việt Nam của cô vẫn trả lời rất nhanh những tin nhắn liên quan đến công việc dù đang ở nhà. Kim cho biết, cô thực sự cảm thấy bất ngờ khi họ có thể trả lời chính xác các phần việc của mình mà không cần kiểm tra máy tính.
Kim tâm sự: "Theo quy định của công ty, việc mang một chiếc máy tính từ công ty về nhà cần rất nhiều bước phê duyệt phức tạp. Nhưng ngay cả khi đem máy tính về nhà để làm việc, chúng tôi vẫn gặp rất nhiều hạn chế vì một số tính năng chỉ sử dụng được khi truy cập bằng mạng nội bộ công ty".
"Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao các bạn Việt Nam có thể trao đổi công việc, thậm chí nói chính xác số liệu mà không dùng đến máy tính. Có lẽ các bạn làm được vì sở hữu một trí nhớ tuyệt vời và chuyên tâm với công việc", Kim kết luận.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/den-suwon-thu-phu-cong-nghe-the-gioi-i711743/