Đến tận bản làng, đi từng nhà tuyên truyền chương trình dân số cho đồng bào

Cán bộ dân số đến tận bản làng để 'đi từng ngõ, gõ từng nhà' trò chuyện, tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng đồng bào thực hiện chính sách dân số.

Bà con đồng bào tại Quảng Bình sinh sống phân tán, chủ yếu ở vùng sâu, miền núi, biên giới có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Đời sống kinh tế ở những vùng này thường chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tại huyện Lệ Thủy có hơn 6.200 nhân khẩu, chủ yếu là người Bru – Vân Kiều, sinh sống tại các xã miền núi Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy.

Bà con đồng bào tại Quảng Bình sinh sống phân tán, chủ yếu ở vùng sâu, miền núi, biên giới.

Bà con đồng bào tại Quảng Bình sinh sống phân tán, chủ yếu ở vùng sâu, miền núi, biên giới.

Vấn đề nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm cải thiện sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được địa phương này quan tâm thực hiện.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy, từ đầu năm 2024, đơn vị đã tiến hành tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên tại các xã miền núi thu hút lượng lớn người tham gia.

Bác sĩ Nguyễn Công Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy cho biết, tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn tồn tại quan niệm muốn sinh nhiều con dù đời sống còn nhiều khó khăn.

Cán bộ dân số, cán bộ y tế đến tận bản, vào tận nhà đồng bào để tuyên truyền chính sách dân số.

Cán bộ dân số, cán bộ y tế đến tận bản, vào tận nhà đồng bào để tuyên truyền chính sách dân số.

Để người dân hiểu được sự cần thiết của việc kế hoạch hóa gia đình, cán bộ y tế, dân số từ xã, huyện thực hiện việc đến tận bản để "đi từng ngõ, gõ từng nhà" trò chuyện, tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng đồng bào trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; không phân biệt con trai, con gái.

Quá trình đó, do địa bàn các xã miền núi, vùng biên rộng, địa hình phức tạp, người dân sống rải rác... nên công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) còn gặp nhiều khó khăn.

Xã Kim Thủy có 1.090 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 67,9% tổng dân số địa phương. Đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và có xu hướng tăng qua các năm. Với sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, cùng sự nỗ lực của cán bộ dân số địa phương, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng giảm dần.

Bác sĩ Lê Văn Duẩn, Trưởng trạm Y tế xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông nên tại địa phương hiện không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Người dân được tiếp cận với các dịch vụ DS-KHHGĐ. Phụ nữ khi sinh con đã đến trạm y tế hoặc có cô đỡ thôn bản hỗ trợ, qua đó giảm thiểu tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường, nhiều hủ tục được xóa bỏ và thực hiện theo nếp sống văn hóa mới.

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy, thời gian tới đơn vị sẽ chỉ đạo các trạm y tế miền núi tăng cường hoạt động tuyên truyền về DS-KHHGĐ bằng nhiều hình thức. Cụ thể qua mạng xã hội, tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp qua các đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, nói chuyện chuyên đề về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chính sách dân số với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu. Công tác tuyên truyền sẽ thực hiện theo phương châm "mưa dầm thấm lâu" nhằm chuyển đổi sâu sắc về tâm lý, nhận thức của người dân.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Bình Phan Nam Bình cho rằng, khi đồng bào có kiến thức đầy đủ về dân số và phát triển, nhận thức được nâng lên, sẽ chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và con cái - thế hệ tương lai.

Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hình thức đa dạng phong phú. Trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động trực tiếp tại từng hộ gia đình, nhằm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ DS-KHHGĐ và các loại hình dịch vụ phù hợp với tâm lý, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Bình triển khai hoạt động tuyên truyền, hình thức đa dạng phong phú.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Bình triển khai hoạt động tuyên truyền, hình thức đa dạng phong phú.

Đồng thời, tăng cường thực hiện chính sách DS-KHHGĐ tại vùng miền núi, quan tâm hơn đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là các tộc người có nguy cơ suy thoái về chất lượng giống nòi.

Viễn Phương - Hoàng Loan

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/den-tan-ban-lang-di-tung-nha-tuyen-truyen-chuong-trinh-dan-so-cho-dong-bao-172240826160017407.htm