Đến tận nhà trọ để tuyên truyền pháp luật

Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho công nhân lao động (CNLĐ), cán bộ công đoàn các cấp đã chủ động, linh hoạt trong cách tiếp cận, tận dụng 'thời gian vàng, khung giờ vàng' để tuyên truyền kiến thức pháp luật tận các khu nhà trọ.

Cán bộ công đoàn đến các khu trọ tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động

Đồng hành cùng người “yếu thế”

Khoảng 19 giờ ngày cuối tuần, tại khu nhà trọ Minh Sang ở khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An, TP.Dĩ An, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (TVPLCĐ) đến để tuyên truyền pháp luật cho công nhân và người ở trọ. Vì đến sớm nên ông Dũng tranh thủ hỏi thăm quê, hoàn cảnh của từng người. Khoảng 20 phút sau thì các công nhân đã đến đông và sẵn sàng cho một buổi tối hỏi đáp các vấn đề về pháp luật.

Tại buổi tuyên truyền hôm đó, nhiều câu hỏi của CNLĐ liên quan đến các chế độ của họ được nêu ra và được tận tình hướng dẫn cách giải quyết.

Tương tự, tại nhà trọ Nguyễn Văn Rô ở KP.Bình Khánh, phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên, khoảng 19 giờ 30 phút tối chủ nhật, mặc dù trời mưa nhưng vẫn thu hút rất đông người lao động trong khu trọ đến nghe tuyên truyền pháp luật. Chị Nguyễn Lê Kim Ngân, cán bộ Trung tâm TVPLCĐ, chia sẻ để đổi mới cách tiếp cận và tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ, các cán bộ sẽ đến từng khu trọ vào các buổi tối cuối tuần. Khi đến cơ sở, mọi người sẽ cảm thấy thoải mái hơn, câu chuyện sẽ sinh động và gần gũi hơn. “Niềm vui của những người làm công tác tuyên truyền pháp luật là khi mình nói những điều mà người lao động cần, họ hiểu, họ làm đúng để thay đổi cuộc sống từ những điều nhỏ nhất. Đến với những khu trọ, chúng tôi mới cảm nhận mình phải nhiệt huyết hơn trong công tác tuyên truyền để đưa kiến thức pháp luật đến với đông đảo CNLĐ. Khi họ có kiến thức pháp luật thì sẽ chủ động tránh xa các tệ nạn cũng như bảo vệ quyền lợi của mình”, chị Ngân cho biết.

Nói về hiệu quả của tuyên truyền pháp luật tại nhà trọ, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Dĩ An, cho biết: “Phường Dĩ An là đơn vị đầu tiên phối hợp với Trung tâm TVPLCĐ tỉnh để tuyên truyền trực tiếp tại nhà trọ. Cách tuyên truyền trước đây là mời mọi người đến văn phòng khu phố nhưng hiện nay Ủy ban MTTQ Việt Nam phường chủ động thay đổi cách tiếp cận. Đây cũng là cách để công nhân mạnh dạn nói chuyện và phá vỡ mọi rào cản để họ không còn e dè. Từ đó chúng tôi dễ dàng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền, tháo gỡ các vấn đề mà họ còn thắc mắc”.

Theo bà Hương, trong năm sẽ có 3 đợt tuyên truyền tập trung tại các khu nhà trọ trên địa bàn phường với những chủ đề khác nhau phù hợp với từng thời điểm.

Đổi mới hình thức tuyên truyền

Là người có “thâm niên” trong việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật đến CNLĐ, ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TX.Tân Uyên, chia sẻ hiện nay cách tập hợp nhiều CNLĐ để phổ biến pháp luật được đổi mới bằng hình thức chia nhỏ các nhóm và tuyên truyền theo nhiều chủ đề khác nhau. “Muốn tuyên truyền hiệu quả thì cán bộ phải thường xuyên thay đổi cách tiếp cận; phải nói thật gọn nhưng đủ ý vì công nhân không có nhiều thời gian, nghe nhiều sẽ không nhớ. Một việc khác nữa là thay vì phải trình bày nhiều thì nên ứng dụng công nghệ để trình bày ngắn gọn bằng các băng rôn, biểu ngữ hoặc bằng biểu đồ và cả giọng đọc để tăng tính thuyết phục”, ông Hoàng cho biết.

Nói về đổi mới trong công tác tuyên truyền pháp luật đến CNLĐ, ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn, thu hút được đông đảo đoàn viên, CNLĐ tham gia. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các văn bản liên quan đến đời sống, việc làm của người lao động như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền về phòng, chống ma túy, tội phạm và các tệ nạn xã hội; về bảo đảm trật tự phòng trọ và an toàn giao thông.

Ông Khánh nhấn mạnh một trong những giải pháp hàng đầu để xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp là nâng cao hiểu biết về pháp luật cho CNLĐ. Có hiểu biết pháp luật thì người lao động mới có ý thức chấp hành và tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế, từng thời điểm để CNLĐ dễ tiếp thu, dễ hiểu, dễ nhớ.

Trong 5 tháng đầu năm nay, Trung tâm TVPLCĐ đã tổ chức tư vấn 2.526 cuộc với 2.526 lượt người lao động được tư vấn, giải đáp và tuyên truyền pháp luật các vấn đề liên quan trong hệ lao động, như chính sách hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, các chế độ tiền lương trong thời gian người lao động nghỉ việc do cách ly, phong tỏa công ty; công ty chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, chậm trả sổ bảo hiểm xã hội nên người lao động không được hưởng hỗ trợ thất nghiệp. Ngoài ra, trung tâm đã hỗ trợ viết đơn khiếu nại cho 71 trường hợp gửi đến các cấp có thẩm quyền; tổ chức 28 cuộc tuyên truyền trực tiếp về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội tại 28 khu nhà trọ với khoảng 2.800 CNLĐ ở trọ trên địa bàn phường Dĩ An (TP.Dĩ An) và TX.Tân Uyên.

QUỲNH ANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/den-tan-nha-tro-de-tuyen-truyen-phap-luat-a273322.html