Đền thiêng đất Việt: Bài 1 - Cây đa hơn 300 năm tuổi bên đền thờ Đức Thánh Trần nơi biên ải

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đền Thượng và cây đa cổ thụ hơn 300 năm tuổi vẫn vững chãi, sừng sững nơi biên ải.

Đền thiêng nơi biên ải

Đền Thượng còn có tên tự là Thánh Trần Từ, được xây dựng từ thời Lê niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) trên đất thuộc phố Bảo Thắng, Châu Thủy Vỹ, tỉnh Hưng Hóa (nay thuộc phương Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

Ngôi đền được dựng lên thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (1231 – 1300) người đã có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi non sông đất Việt và là vị thánh linh thiêng trong tâm thức các thế hệ người dân Việt Nam.

Theo sử sách truyền lại, hơn 700 năm về trước, nơi đây được Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo chọn là nơi hỏa hiệu để quân ta chủ động chiến đấu với quân giặc Nguyên Mông, tránh tổn thất nặng nề khi quân giặc tràn qua biên giới.

Đền tọa lạc trên đồi Hỏa Hiệu, thuộc dãy núi Mai Lĩnh, soi mình bên bờ sông Nậm Thi, nằm trong quần thể di tịch lịch sử văn hóa, nơi hợp lưu của sông Hồng và sông Nậm Thi với độ cao 120m so với mực nước biển.

Kiến trúc của đền theo lối cổ hình chữ Công, tuân theo thuyết phong thủy vừa đường bệ, vừa trang nghiêm. Ngay tại của đền có câu đối, với ý nghĩa ca ngơi phong cảnh non nước, hữu tình của nơi thờ Đức Thánh Trần:

“Địa giới Nam thiên chiêm khởi kính

Thần tiên lăng địa lạc trường xuân”

Tạm dịch:

"Thế giới trời Nam lặng nhìn mà kính trọng

Thần tiên cõi đất sung sướng mãi muôn dân".

Qua nhiều năm trùng tu, tôn tạo, năm 1996, Đền Thượng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và được duy tu lại với quy mô bề thế, uy nghi như ngày nay. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng chục vạn lượt du khách trong và ngoài nước tới thăm quan và chiêm ngưỡng điểm du lịch văn hóa lịch sử dân tộc ở vùng biên cương.

Lễ hội chính của đền Thượng diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch gồm phần lễ và phần hội, là sự kế thừa và phát huy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vốn đã hình thành từ rất lâu đời và ăn sâu trong tư tưởng mỗi người dân Việt Nam nói chung, nhân dân thành phố Lào Cai nói riêng đối với vị Anh hùng dân tộc tài ba Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Cây đa di sản Việt Nam hơn 300 năm tuổi

Trong khuôn viên đền Thượng có một cây đa cổ thụ với tuổi đời hơn 300 năm, cao hơn 36m, chu vi 44m toàn thân cây lớn nhất Việt Nam. Đây là cây đa lông, có tên khoa học là Ficus Drupacea Thunb, thuộc họ dâu tằm (Moraceae), nguồn gốc tại Đông Nam Á và được phân bổ ở các vùng miền của Việt Nam.

Cạnh cây đa là ngôi đền chính được xây dựng khang trang với cung thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu; ban thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo; cung thờ Đức Vua cha Ngọc Hoàng... và các ban thờ phía tả Vu - hữu Vu thờ Chầu bà Đệ Nhị Sơn Trang, Thập Nhị Tiên Cô, Chầu hầu cận Chúa và Cậu Bé thủ đền...

Ngày 1/9/2012, cây đa lông ở đền Thượng chính thức được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là "Cây di sản Việt Nam". Đây là cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh Lào Cai và là cây thứ 155 trong cả nước được công nhận danh hiệu này.

Trải qua hơn 300 năm với bao thăng trầm lịch sử, đền Thượng và cây đa cổ thụ vẫn vững chãi, sừng sững nơi biên ải, tô thắm thêm nét văn hóa, tinh thần tự lực tự cường, lòng yêu nước của dân tộc ta. Hiện dưới gốc cây vẫn còn ngôi miếu nhỏ có câu đối:

Thu mộc đa sinh thế thế

Tiên cô hóa hiện hiện linh linh

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đánh giá cao về giá trị nhiều mặt của cây đa Đền Thượng (TP.Lào Cai ) nằm trong khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Thượng, đây là cây đa có chu vi toàn bộ thân cây lớn nhất Việt Nam (44 mét)...

"Cây đa Đền Thượng được công nhân là “Cây di sản Việt Nam” càng làm tăng thêm giá trị lịch sử, văn hóa và môi trường của khu di tích lịch sử Đền Thượng - một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều du khách thập phương", Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh nói.

Hồng Ngọc

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/den-thieng-dat-viet-bai-1-cay-da-hon-300-nam-tuoi-ben-den-tho-duc-thanh-tran-noi-bien-ai-d187478.html