Đèn tín hiệu cho người đi bộ: Chưa phát huy hết công năng
Hà Nội đã thực hiện thí điểm lắp đặt nhiều cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường với nút bấm chủ động từ năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, những cụm đèn tín hiệu đó vẫn chưa thể phát huy được công năng.
Có cũng như không
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… số lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, mật độ xe cộ đông đúc khiến việc qua đường luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, một số tuyến đường đã được xây dựng cầu vượt, hầm chui… song vẫn còn hạn chế về số lượng.
Để khắc phục vấn đề này, năm 2017, thành phố Hà Nội đã lắp đặt thí điểm các cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường ở những nơi không thể xây cầu vượt hay hầm đi bộ.
Đèn tín hiệu này được thực hiện ở một số tuyến đường trên địa bàn thành phố như đường Xuân Thủy (đoạn qua trường đại học Sư Phạm), ngã tư Kim Mã (Giang Văn Minh), nút giao Trần Quang Khải, ngã ba Hàng Trống (Lê Thái Tổ), trước cửa bưu điện thành phố,...
Thế nhưng, sau một thời gian áp dụng, những nút bấm ưu tiên cho người đi bộ sang đường này, như đang bị lãng quên. Người đi bộ thì quên không bấm đèn, còn người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường thì cũng quên nhường đường khi có tín hiệu đèn ưu tiên.
Bạn Nguyễn Duy Vương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Mình vẫn sử dụng đèn tín hiệu cho người đi bộ trên đường Xuân Thủy để sang đi sang trường. Tuy nhiên nhiều lúc ấn mà đèn không lên thì mình vẫn phải tự phải sang đường, dù rất sợ bị xe cộ đi lại nườm nượp trên đường tông vào".
Cô Trịnh Thanh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Đèn tín hiệu ở đây lúc bấm được, lúc không. Khu vực này rất nhiều người già, trẻ con nhưng đèn tín hiệu sang đường lại không có tác dụng gì cả. Gặp người đi xe có ý thức, nhường đường cho thì rất là mừng, nhưng đa số đều không giảm tốc độ, nhiều khi tôi sang đường chỉ sợ không xử lý tình huống kịp”.
Một cột tín hiệu đèn dành cho người đi bộ khác nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm), một trong những tuyến phố trung tâm đông người đi bộ nhất ở Thủ đô nhưng người dân vẫn giữ thói quen sang đường giữa dòng xe cộ đông đúc.
Chị Nguyễn Ngọc Phương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Mình sống ở đây và thấy mọi người đi lại cũng không để ý nhiều đến đèn tín hiệu cho người đi bộ. Khách nước ngoài cũng không sử dụng nhiều vì biển chỉ dẫn bằng tiếng Anh được ghi phía trên nút bấm rất nhỏ, khó nhìn thấy nếu không quan sát kỹ”.
Ứng dụng đèn thông minh
TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Hiện nay, số lượng đèn tín hiệu cho người đi bộ không nhiều, chưa thực sự phổ biến để người dân nắm được. Thời gian tới, cần nghiên cứu thêm các khu vực phù hợp để bổ sung đèn tín hiệu, nâng cao mức độ nhận diện với người dân".
Cột đèn tín hiệu được lắp ở những nơi có vạch kẻ trắng ưu tiên cho người đi bộ, với nút bấm chủ động để người dân khi muốn qua đường sẽ bấm nút và chờ. Càng nhiều lượt bấm đèn tín hiệu sẽ càng nhanh chuyển màu và đồng thời cũng hiện số thời gian đủ cho người đi bộ qua đường an toàn.
“Tuy nhiên số lượt qua đường quá nhiều thì lại cản trở đến giao thông. Chính vì vậy, theo tôi nên sử dụng đèn tín hiệu thông minh, tự động điều chỉnh theo mật độ giao thông ở các hướng khác nhau. Nếu người nhiều thì thời gian để sang đường sẽ tăng lên, số lượng ít thì thời gian sẽ nhanh hơn để tiết kiệm được thời gian, tạo điều kiện đi lại thông thoáng” - TS Khương Kim Tạo cho hay.
Đồng bộ hệ thống đèn tín hiệu thông minh cho người đi bộ sẽ nâng cao chất lượng giao thông, cải thiện độ an toàn, thuận lợi, mang hiệu quả chống ùn tắc tốt hơn.TS Khương Kim Tạo cho biết: “Giao thông thông minh hiện đã được triển khai tại rất nhiều nước trên thế giới. Nếu chúng ta nghiên cứu, sản xuất được đèn tín hiệu thông minh thì có thể áp dụng cho toàn quốc, không dừng lại trong phạm vi thành phố”.
Một yếu tố khác để đảm bảo an toàn cho người đi bộ tham gia giao thông chính là ý thức của người điều khiển phương tiện. Nhiều khi đèn tín hiệu sáng nhưng xe cộ vẫn bất chấp lao đi, không có dấu hiệu dừng lại nhường đường. Trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định “Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ…”. Hiện vẫn còn nhiều trường hợp lái xe không giảm tốc độ, nhường đường.
“Sắp tới, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được ban hành, sẽ siết chặt các quy định này. Và chúng ta hướng tới sẽ có hệ thống camera giám sát để xác định lỗi của lái xe. Trên cơ sở đó, chắc chắn là ý thức của lái xe sẽ tăng lên” - TS Khương Kim Tạo khẳng định.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/den-tin-hieu-cho-nguoi-di-bo-chua-phat-huy-het-cong-nang.html