Đèn tín hiệu dành cho người đi bộ: Chưa phát huy được hiệu quả

Từ năm 2017, trên địa bàn Hà Nội có 13 cụm đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ sang đường. Tuy nhiên, với những hạn chế đang tồn tại, thiết bị này gần như 'có cũng như không'.

Tại Hà Nội, việc sang đường luôn tiềm ẩn những nguy hiểm. Ở mọi tuyến đường, ngay cả trong những con ngõ nhỏ, các xe cộ luôn đông đúc, thậm chí còn di chuyển với tốc độ cao gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuy vậy, không chỉ vạch kẻ đường mà đèn tín hiệu dành cho người đi bộ lại luôn bị coi là vô hình.

Cơ chế hoạt động của các nút bấm này vô cùng đơn giản. Nút bấm được lắp đặt ở cột đèn tín hiệu, nơi đường có vạch kẻ trắng ưu tiên. Khi người đi bộ tiến hành thao tác bấm, sau một lúc, đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển sang màu đỏ, đèn ưu tiên dành riêng cho người đi bộ sẽ chuyển thành màu xanh.

Tuy nhiên, dù đã lắp đặt từ lâu, nhưng với những hạn chế đang tồn tại, các cột đèn tín hiệu này đang được ít người dân sử dụng hoặc biết đến.

Tại một tuyến đường tại Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, nhiều người đã gặp tình trạng, bấm nút nhưng không biết bao giờ đèn mới chuyển đỏ, hoặc ấn mãi không thể sử dụng, và dù đèn có chuyển đỏ các dòng phương tiện vẫn di chuyển như chưa hề có cột đèn tín hiệu giao thông nào cả.

Bạn L.H.D. (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Ngày nào mình cũng đi bộ đi học. Nhiều lần muốn qua đường nhưng ấn nút mãi không thấy đèn chuyển màu. Vội quá nên mình liều băng qua đường, điều đó rất nguy hiểm”.

Đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường không thể sử dụng tại đường Xuân Thủy. Ảnh: Trần Diệp.

Đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường không thể sử dụng tại đường Xuân Thủy. Ảnh: Trần Diệp.

Tương tự, tại phố Đinh Tiên Hoàng hay phố Lò Sũ, quận Hoàn Kiếm, khu vực có nhiều khách du lịch quốc tế qua lại. Tuy nhiên sự hiện diện của những chiếc đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Mặc dù nhiều lần ấn nút để sang đường nhưng các phương tiện giao thông vẫn cứ băng qua, không nhường đường cho người đi bộ.

Tại nút giao đường Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, xe máy vô tư vượt đèn mặc dù có đã có tín hiệu cho người đi bộ. Ảnh: Trần Diệp.

Tại nút giao đường Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, xe máy vô tư vượt đèn mặc dù có đã có tín hiệu cho người đi bộ. Ảnh: Trần Diệp.

Tại nút giao đường Láng Hạ, xe vẫn ngang nhiên vượt, xem đèn tín hiệu như vô hình. Ảnh: Trần Diệp.

Tại nút giao đường Láng Hạ, xe vẫn ngang nhiên vượt, xem đèn tín hiệu như vô hình. Ảnh: Trần Diệp.

Và còn một số các tuyến phố khác tại thành phố Hà Nội được lắp đặt đèn tín hiệu cho người đi bộ, nhưng chúng dường như không đọng lại trong ký ức của người dân.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đánh giá cao vai trò của các cụm đèn tín hiệu cho bộ hành trong việc đảm bảo an toàn, khuyến khích người dân đi bộ và phát triển giao thông công cộng.

Tuy nhiên, các đơn vị chức năng cần quan tâm nhiều hơn nữa, thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý những phương tiện, cá nhân vi phạm, đồng thời áp dụng chuyển đổi số nhằm có chu kỳ, thời gian thích hợp dành cho người đi bộ qua đường để phù hợp với lưu lượng phương tiện lưu thông.

Trần Diệp - Huyền Trang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/den-tin-hieu-danh-cho-nguoi-di-bo-chua-phat-huy-duoc-hieu-qua-5712470.html