Đến với bài thơ hay: Bờ sông vẫn gió

Nhà thơ Trúc Thông (tên thật là Đào Mạnh Thông) quê ở Hà Nam, vùng đồng bãi, sông ngòi của Nam Cao. Ông học Đại học Tổng hợp Hà Nội - ngành Văn học, sống ở Hà Nội, làm việc ở Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông là người chu chỉnh, cả đời chăm chút câu chữ vì thơ và quyết liệt trong cách tân thơ. Thế nhưng bài thơ để mọi người gọi ông là 'Người thơ' - bài Bờ sông vẫn gió - lại là một bài thơ dạng cổ điển, không đứng trong nhóm cách tân về thể loại, câu, từ, tứ thơ và điểm nhìn.

Bờ sông vẫn gió

Lá ngô lay ở bờ sông,

Bờ sông vẫn gió

người không thấy về.

Xin người hãy trở về quê,

Một lần cuối...một lần về cuối thôi.

Về thương lại bến sông trôi,

Về buồn lại đã một đời tóc xanh.

Lệ xin giọt cuối để dành,

Trên phần mộ mẹ, nương hình bóng cha.

Cây cau cũ, giại hiên nhà,

Còn nghe gió thổi sông xa một lần.

Con xin ngắn lại đường gần

Một lần...rồi mẹ hãy dần dần đi.

Con người, sinh ra, lớn lên và hoạt động sống có người ở tại chỗ mình sinh ra, có người đi xa lập nghiệp. Nhưng có một điểm nhìn tham chiếu nhất quán đó là hình bóng quê hương và người mẹ của mình, nhất là khi ta về già. Trúc Thông cũng vậy, ông viết bài thơ Bờ sông vẫn gió năm 1983 khi mẹ ông đang sống với ông ở Hà Nội, năm sau 1984 bà mới mất. Ở câu cuối: Một lần ... rồi mẹ hãy dần dần đi, tôi thấy như tác giả đang chứng kiến sự sống đang lụi tàn dần của mẹ để xin người hãy ở lại, chỉ một lần thôi để về thăm lại bến sông trôi, thăm lại cây cau cũ, giại hiên nhà, nhớ lại nỗi buồn xa vắng của một thời tóc xanh.

Dòng sông quê hương - Ảnh: I.T

Dòng sông quê hương - Ảnh: I.T

Cho dù có đi đâu, làm gì, con người thường nhớ về quá vãng một thời tuổi thơ lớn lên, nhớ những cảnh vật hữu tình gắn với những người thân yêu nhất. Trúc Thông viết về mẹ khi bà còn sống mà như viết cho bà khi bà đã mất, thế mới là điều rất khó, như là một sự tiên cảm về cái ngày mẹ không còn nữa. Ông những mong bà khỏe để một lần cuối về thăm quê nhưng người đọc đồng cảm như là ông viết sau khi bà mất. Ý thơ buồn, gợi mở về sự tưởng nhớ, day dứt khiến người đọc hướng sự chủ ý của mình về phía nào cũng được. Tôi nghĩ, đây cái được nhất, hay nhất mà bài thơ truyền tải được tới độc giả.

Mười ba câu thơ nhưng thực chỉ 12 câu, sáu cặp lục bát, ngắn đến ngưỡng của sự giản dị. Điểm nhìn của bài thơ vẫn chỉ là điểm nhìn cũ, nhiều người vẫn đã viết: bờ sông, bến sông trôi... nhưng qua từ ngữ, câu chữ, qua những hình ảnh liên tưởng của Trúc Thông làm người đọc bâng khuâng nhớ mẹ đến xao lòng.

Bờ bãi ven sông đất bồi phù sa nên người ta thường trồng nhiều loại rau màu nhưng trong con mắt của ông chỉ có lá ngô lay và bờ sông vẫn gió, bến sông thì trôi. Tất cả đều chuyển động, và lòng người cũng động: day dứt, cầu mong, xin mẹ hãy về lại, thăm lại nơi chốn cũ cây cau, giại hiên, nghe gió thổi sông xa ... rồi hãy dần dần đi. Trong tâm thức người Việt, khi nhớ về cha người ta nhìn về núi, nhớ về mẹ người ta nhìn về sông: núi Thái Sơn, nước trong nguồn. Trúc Thông cũng vậy, ông nói về mẹ với bờ sông, bãi bồi bên sông với ngô bắp xanh rờn, lay động trong gió và một bến sông quê lững lờ trôi cộng thêm cảnh nhà cũ, vườn xưa.

Từ ngữ, ý thơ, câu chữ tất cả đều chắt lọc, giản dị, tường minh nhưng ý nghĩa bài thơ mang đến những cảm nhận chân thực, lay động tâm hồn người đọc về tình cảm đối với mẹ. Có những nhà thơ, điểm thành công hay bài thơ hay nhất của họ là về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước nhưng với Trúc Thông, bài thơ hay nhất là bài thơ viết về Mẹ.

Lê Nam Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/den-voi-bai-tho-hay-bo-song-van-gio-188977.htm