Đến với bài thơ hay: Dẫn lối cho con muôn dặm đường đời

Những bài thơ về mẹ có lẽ được viết nhiều nhất trên thế gian này với từng cung bậc cảm xúc nhớ thương, kính yêu.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Trong những bài thơ hay viết về mẹ, tôi ấn tượng với “Đôi bàn chân mẹ” của nhà thơ Nguyễn Văn Song đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (27/1/2024).

Đôi bàn chân mẹ

Đôi bàn chân mẹ không hồng

Dáng thô, ngón tõe, chai phồng nắng mưa

Một đời đi sớm về trưa

Kể bao nhiêu chuyện ngày xưa lặng thầm

Mùa Đông mẹ lội xuống đầm

Gót chân nứt dưới bùn ngâm tê người

Môi trầu thâm tái nụ cười

Cái tôm cái tép có lời thảo thơm?

Trưa Hè tãi thóc, lật rơm

Bàn chân sấp ngửa chạy cơn mưa rào

Ai làm giông gió ba đào

Để cho bóng mẹ ngã nhào đổ xiêu

Quẩn quanh đồng ruộng sớm chiều

Mẹ không vượt núi băng đèo dặm xa

Oằn vai gánh phận đàn bà

Rạc đôi chân mỏi lội qua bến đời

Mẹ giờ ở cõi xa xôi

Bàn chân nằm nghỉ giữa trời mây bay

Con về nhà cũ chiều nay

Thấy trong vườn mẹ vẫn đầy dấu chân.

Nguyễn Văn Song

Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu về đôi bàn chân mẹ một cách chân thực nhất: “Đôi bàn chân mẹ không hồng”. Chữ “không” như nhắc nhở chính bản thân rằng, mẹ chẳng hề nhàn nhã tí nào. Thường thì, người nhàn nhã sẽ có đôi bàn chân mềm mại, hồng hào, dáng dấp gọn gàng, sang trọng.

Mẹ có đôi chân không những không hồng mà còn: “Dáng thô, ngón tõe, chai phồng nắng mưa”. Vì sao mẹ có đôi bàn chân như vậy? Bởi cả một đời, mẹ đi sớm về trưa, lo toan mọi việc từ con cái, nhà cửa, cơm áo gạo tiền đến đối nội đối ngoại. Đôi bàn chân mẹ như đang “kể” thủ thỉ cho các con về hành trình ngày xửa ngày xưa, từ ngày mẹ còn trẻ cho đến khi tóc bạc, da mồi:

“Mùa Đông mẹ lội xuống đầm

Gót chân nứt dưới bùn ngâm tê người

Môi trầu thâm tái nụ cười

Cái tôm cái tép có lời thảo thơm?”.

Đôi bàn chân mẹ bước vào đời con từng mùa Đông mưa phùn gió bấc. Những đợt không khí lạnh tăng cường xuống miền Bắc, gió từng cơn tê buốt cắt da, mẹ không ngồi ở nhà sưởi lửa hay chui vào chăn ấm đệm êm mà: “Mùa Đông mẹ lội xuống đầm” để kiếm cho đàn con “cái tôm cái tép” cả buổi may rằng đủ bữa. Sở dĩ biết mẹ lội đầm cả buổi là bởi vì tác giả đã dùng từ “ngâm”.

Mẹ ngâm mình dưới nước, đôi chân gót đã nứt nẻ giờ lại lấm láp trong bùn sâu đến “tê người”, môi ăn trầu thơm đỏ là vậy giờ chuyển sang nụ cười “thâm tái” vì ngấm lạnh. Câu hỏi tu từ như nhắc nhở những người làm con hay tác giả đang tự trách mình: Có bao giờ hỏi han mẹ? Có bao giờ nói lời ngoan ý thảo với mẹ lúc gần gũi chưa: “Cái tôm cái tép có lời thảo thơm?”.

Đôi bàn chân mẹ bước vào đời con từng ngày Hè hầm hập nắng cháy da. Trưa mỏi mệt cùng tiếng ve sôi ồn ã. Mẹ không ngả lưng nằm quạt trên võng đưa mà tất tả “tãi thóc, lật rơm”, đuổi gà, xua chim, trông trời trông đất, thấp thỏm cùng những đám mây đen tụ tán trên đầu.

Rồi cơn mưa rào bất chợt khiến đôi bàn chân “sấp ngửa” chạy thóc. Cả vụ mùa hạt rơi hạt vãi, hẳn đã có lần mẹ đội cả một trời mưa. Đó không phải chỉ ông trời biết trêu ngươi mà còn là biến cố cuộc đời, là khổ đau ly tán. Nỗi đau ư?. Chẳng ai đong đếm được, chỉ xót xa cảm thán rằng:

“Ai làm giông gió ba đào

Để cho bóng mẹ ngã nhào đổ xiêu”.

Mẹ nào có được đi đó đi đây? Đôi bàn chân mẹ chỉ quẩn quanh đồng ruộng sớm chiều. Mẹ không vượt núi băng đèo dặm xa. Bởi phận đàn bà ở bến đời đục, trong đã oằn vai nặng gánh. Có người bảo: Các con là ước mơ của mẹ. Nhưng cũng có người lại bảo: Ước mơ của mẹ dừng lại ở các con. Thiết nghĩ đúng. Quán xuyến nhà cửa, con cái, họ hàng khiến đôi chân mẹ rạc rời, mỏi mệt.

Từ đầu bài thơ đến giờ, chúng ta thấy đôi bàn chân mẹ chưa phút giây nào được nghỉ ngơi. Cho đến khổ thơ cuối, tác giả viết:

“Mẹ giờ ở cõi xa xôi

Bàn chân nằm nghỉ giữa trời mây bay”.

Mẹ không còn nữa. Đối với mỗi người con, đôi bàn chân đẹp nhất luôn luôn là của mẹ. “Cõi xa xôi” ấy, đôi bàn chân mẹ đã nằm nghỉ. Con tìm đâu cũng chỉ thấy mây bay. Nhưng con chắc chắn rằng: Đôi bàn chân mẹ - Dẫn lối cho con muôn dặm đường đời.

Ngày của mẹ đến, rất nhiều người con sẽ tặng hoa cho mẹ của mình, sẽ đưa mẹ đi chơi từng chuyến đầy ý nghĩa, đợi đến ngày mẹ không phải làm cỏ thuê, lội đầm tát vét, những buổi trời mưa đứng khom lưng dặm từng cây lúa vào đất ruộng, những buổi tối gánh từng thùng nước về cho con tắm. Chỉ vì cuộc sống khó khăn, mẹ không muốn con nối tiếp con đường kham khổ với ruộng vườn nên con xa mẹ từ rất sớm. Đi khắp thế gian, con lại về tìm mẹ:

“Con về nhà cũ chiều nay

Thấy trong vườn mẹ vẫn đầy dấu chân”.

Dấu chân của mẹ ăm ắp ký ức trong con khu vườn nhà. Mẹ không còn nữa. Yêu thương mãi còn.

“Đôi bàn chân mẹ” được viết theo thể thơ lục bát. Gần gũi mà sâu sắc, truyền thống và kế thừa, nhà thơ Nguyễn Văn Song thêm một lần nữa khắc họa hình tượng người mẹ hiền vào trái tim bạn đọc.

Hoàng Thị Hiền (Nguyên giáo viên THCS Thanh Ninh, Phú Bình, Thái Nguyên)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-dan-loi-cho-con-muon-dam-duong-doi-post725637.html