Đến với bài thơ hay: Lấp lánh một giọng thơ
'Phía cuối cuộc người' lừng lững hiện ra với sức vóc tươi trẻ của ngôn từ.
Câu chữ Dương Thắng có sự cường tráng của ý tưởng và sự mới lạ của tư duy. Bao suy ngẫm cuộc đời được gói tròn trịa và khéo léo trong bài thơ.
Dương Thắng
Phía cuối cuộc người
Đến một ngày chúng ta bay lơ lửng với khuôn mặt nhẹ bẫng
Trái đất xoay tròn trong lòng tay
Bầu trời đựng rất nhiều ngôi sao chưa kịp lóe sáng
Ta đã ngủ say mùa lá rụng
Trút bỏ ưu tư gai góc, sần sùi
Chúng ta làm loãng bầu không khí bằng giác quan thứ sáu
Nhận diện niềm tin già cỗi
Ý thức là nấc thang đưa tới cổng trời
Người với người trôi qua nhau theo cơn mưa bẩy sắc cầu vồng sám hối
Phía dưới là biển, rừng nối dài sông suối
Lặng im
Câu chuyện dịch bệnh chảy vào mùa Xuân
Trút bầu mưa đá bầm dập mùa xanh
Đêm Giao thừa đánh rơi tiềm thức
Nhân gian lạc lối
Người giật mình ôm lấy giấc pháo chưa kịp nổ giòn
Vạn vật xoay tròn theo đồng tiền xấp ngửa âm dương
Lời tan chảy ngọn nến hồi sinh
Cuối cùng
Khoảng cách không phải là điều gì tồi tệ
Đã có đắm chìm sâu cuối
Đã có những dòng thác chảy về nơi được sinh ra
Sau tất cả
Mặt đất vẫn là nhà
Chúng ta bay lên cùng Mặt trời tỉnh thức
Bay theo bầu trống ngực đựng gió xoáy và cát bụi
Nơi siêu nhiên còn khao khát mùa xanh
Vật chất tồn tại bằng vạn ngàn ý thức
Chúng ta biến thành mây hóa nước
“Bí mật của nước”*
Là thanh lọc nhân sinh ở phía cuối cuộc người
_________________________
(*) tên một cuốn sách
Giả thiết đã được đặt ra ngay từ đầu bài thơ “Đến một ngày chúng ta bay lơ lửng với khuôn mặt nhẹ bẫng/ Trái đất xoay tròn trong lòng tay/ Bầu trời đựng rất nhiều ngôi sao chưa kịp lóe sáng”. Tưởng rằng chúng ta như đang được giải thoát khỏi sự phiền muộn của cuộc đời này. Lấy cái đó để làm điểm xuất phát mà suy ngẫm thì còn gì thú vị hơn? Hy vọng ta tự nhìn thấy ta trong nhiều chiều kích.
Lấy cảm giác “bay lơ lửng với khuôn mặt nhẹ bẫng” để gợi tả về một thế giới xa xăm huyền bí quay đầu, nhưng lời thơ đâu chỉ có vậy, nó còn tựa hồ như một chiến binh đang điều khiển chiến mã cực kì điêu luyện khiến lời thơ xoay ngang xoay dọc, câu thơ phía sau nhắc lại chính chúng ta đã và đang cầm nắm vận mệnh Trái đất này (cũng là vận mệnh của chính loài người): “Trái đất xoay tròn trong lòng tay…/ Chúng ta làm loãng bầu không khí bằng giác quan thứ sáu”.
Đôi khi chúng ta chểnh mảng: “Ta đã ngủ say mùa lá rụng/ Trút bỏ ưu tư gai góc sần sùi”. Phía trên là thoát thân để nhìn ngắm lại mình, phía dưới là đi tìm câu trả lời cho những thực chứng ấy. Lời thơ như ống kính quét soi toàn bộ. Lúc ấy, con người mới có thể thấy được cái mà trước đây chưa từng thấy: “Nhận diện niềm tin già cỗi” sau khi đã: “Trút bỏ ưu tư gai góc sần sùi” mà nhìn trong một viễn kiến xa xăm: “Ta đã ngủ say mùa lá rụng”.
Rất nhiều thi ảnh được xếp hàng cho độc giả liên tưởng. Không gian liên tưởng ở đó là cực kì rộng. Nó có sự say vùi trong “mùa lá rụng”, ấy là giấc ngủ trong cái thế bỏ mặc, rồi có sự xuất hiện của thế giới thông linh giả tưởng: “Chúng ta làm loãng bầu không khí bằng giác quan thứ sáu”, là phải chăng tác giả muốn nói đến sức mạnh mơ hồ đẩy con người tới sự mơ mộng hão huyền? Nhưng cũng thật oái oăm, chính lúc ấy con người lại nhận ra mình xưa cũ, mòn sáo: “Nhận diện niềm tin già cỗi”.
Lời thơ lướt sang sự khẳng định: “Ý thức là nấc thang đưa tới cổng trời”. Mong ước được cài vào thi ảnh, phải chăng chỉ trong thế giới của tâm linh “ý thức” sẽ giúp con người bay cao hơn? Những hình ảnh đẹp của sự tưởng tượng bay bổng ảo diệu: “Người với người trôi qua nhau theo cơn mưa bẩy sắc cầu vồng sám hối/ Phía dưới là biển, rừng nối dài sông suối/ Lặng im”. Một sự “lặng im” triết học hay một sự “lặng im” cao thượng khi con người đã vượt thoát khỏi những tai ương?
Đoạn cuối lời thơ như chìm hẳn vào suy tư cổ tích mà giãi bày. Hơi ấm cuộc sống và sự lạnh lẽo chết chóc hòa vào nhau: “Câu chuyện dịch bệnh chảy vào mùa Xuân/ Trút bầu mưa đá bầm dập mùa xanh”. Có lúc, sự “bầm dập” của “chuyện dịch bệnh” kia làm cho con người hoảng hốt: “Đêm Giao thừa đánh rơi tiềm thức/ Nhân gian lạc lối/ Người giật mình ôm lấy giấc pháo chưa kịp nổ giòn/ Vạn vật xoay tròn theo đồng tiền xấp ngửa âm dương”.
Mọi sự xáo trộn trên kia đều xoay quanh ý thơ “nhân gian lạc lối” mà ra. Con người đã “đánh rơi tiềm thức”, nơi mà sự sáng suốt của tâm linh trú ngụ, thì sao khỏi phải trả giá? Lời thơ diễn tả rất ấn tượng sự đau đớn gồng mình của con người. Cũng may, con người vẫn còn những cái “giật mình” nhân văn rất người, điều đó hứa hẹn những lấp lánh phía sau chăng?
Quả vậy, ai đó đã nói rất đúng, rằng con người có thể bị đánh bại nhưng không thể bị khuất phục. Niềm tin ẩn vào câu chữ, do vậy cái kiệt cùng của khổ đau cũng là thời khắc phục sinh sự sống: “Lời tan chảy ngọn nến hồi sinh/ Cuối cùng/ Khoảng cách không phải là điều gì tồi tệ/ Đã có đắm chìm sâu cuối/ Đã có những dòng thác chảy về nơi được sinh ra/ Sau tất cả/ Mặt đất vẫn là nhà/ Chúng ta bay lên cùng Mặt trời tỉnh thức/ Bay theo bầu trống ngực đựng gió xoáy và cát bụi/ Nơi siêu nhiên còn khao khát mùa xanh/ Vật chất tồn tại bằng vạn ngàn ý thức/ Chúng ta biến thành mây hóa nước/ “Bí mật của nước”*/ Là thanh lọc nhân sinh ở phía cuối cuộc người”.
“Phía cuối cuộc người” mang dáng dấp của thơ tự do văn xuôi bởi chất giọng tưởng như lạnh lùng phía sau nhưng cảm giác ấy lại được đựng trong miên man những con chữ giàu thi ảnh. Nhân vật trữ tình như đang bàn luận về thực tại bằng một sự phân thân độc đáo. Một giọng kể và một giọng âm thầm đứng bên đón nhận.
Cái sự phân thân ấy khiến người ta phải soi bằng lí trí mới có thể thấy được sự vạm vỡ của tư tưởng. Giọng kể kia đi từ tương lai dịch lại nên hình ảnh thơ là một dọc dài những hệ lụy mơ hồ là lạ “bay lơ lửng với khuôn mặt nhẹ bẫng”, “Trái đất xoay tròn trong lòng tay”, “bầu trời đựng rất nhiều ngôi sao chưa kịp lóe sáng”… Những thi ảnh theo kiểu siêu thực được dựng lên thật ấn tượng lấp lánh chữ mà ám tượng diễn ngôn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-lap-lanh-mot-giong-tho-post713923.html