Đến với bài thơ hay: Những phép nhiệm màu

Mùa Xuân, mùa của những sắc màu rực rỡ, mùa của những thanh âm trong trẻo ngọt ngào làm cho trái tim con người xôn xao nhịp đập.

Minh họa: Vietpink.

Minh họa: Vietpink.

Lê Gia Hoài

Bé và mùa Xuân

Kìa Xuân đã về

Trên đôi mắt bé

Tinh khôi như thể

Giọt sương đầu cành

Cả khoảng trời xanh

Rơi trên làn tóc

Bé vào lớp học

Xuân ùa vào theo

Nụ cười trong veo

In hình mây trắng

Gọi màu hoa nắng

Về nở quanh sân

Bé như thiên thần

Mang niềm vui tới

Cho mùa Xuân mới

Ngát hương mai đào

Và với trẻ thơ, những mầm non tinh khôi đang căng tràn nhựa sống, dưới tiết trời Xuân sẽ vui rộn, tưng bừng mà xinh tươi biết mấy. Vẻ đẹp của bé sẽ cộng hưởng với vẻ đẹp của đất trời làm mùa Xuân thêm phần lung linh, rực rỡ.

Nhà thơ Lê Gia Hoài đã vẽ bức tranh thật đẹp về con trẻ, về mùa Xuân với ánh nhìn trong trẻo nhất. Ở đó, toát lên sự hồn nhiên, đáng yêu nhưng cũng nhiều chiêm nghiệm suy tư. Bé và mùa Xuân như là những phép nhiệm màu mà tạo hóa sinh ra để làm niềm vui cho nhân loại, cho lòng người chan chứa những yêu thương.

“Kìa Xuân đã về

Trong đôi mắt bé

Tinh khôi như thể

Giọt sương đầu cành”

Từ xưa tới nay, người ta thường cảm nhận Xuân về qua sự thay đổi của đất trời, quang cảnh thiên nhiên, như nắng ấm, muôn hoa khoe sắc và tiếng chim ríu rít trong vườn. Từ đó sẽ toát lên tâm trạng của con người.

Nhưng nhà thơ Lê Gia Hoài đã đi ngược lại, anh cảm nhận Xuân về qua ánh nhìn trong veo của bé. Đó là một sự cảm nhận hết sức tinh tế, sâu sắc, thông minh và đầy sáng tạo. Bởi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nơi biểu hiện rõ nhất tâm trạng của con người. Và mắt trẻ thơ vốn dĩ hồn nhiên, trong sáng, chưa vướng bụi trần nên mọi niềm vui, nỗi buồn đều hiện ra trọn vẹn, đầy đủ, chân thật nhất.

Khi Xuân về, lòng bé rộn ràng niềm vui trước cảnh đẹp của đất trời, trước không khí gia đình đoàn viên, sung túc, tất thảy mọi người đều dồn hết tình yêu thương ngọt ngào cho bé thì có niềm vui nào lớn lao hơn thế nữa. Câu thơ mở đầu đã khiến người đọc thích thú, tò mò và tưởng tượng ra bức tranh mùa Xuân thiêng liêng và tươi đẹp diệu kỳ.

Mạch tư duy ấy được tiếp nối ở khổ thơ thứ ba. Đó là mùa Xuân hiện ra trong nụ cười trong veo của bé. Còn gì đẹp đẽ, tinh khôi và đáng yêu hơn nụ cười con trẻ. Điều ấy thì chẳng có gì đặc biệt phải không. Nhưng câu thơ: “Nụ cười tinh khôi/ In hình mây trắng” thì quả là một sự sáng tạo bất ngờ. Bởi câu thơ ấy vừa tả thực, vừa ẩn dụ một thâm ý sâu xa. Hàm răng của bé vốn trắng như màu mây trên bầu trời làm cho nụ cười trở nên tươi xinh, rạng rỡ.

Nhưng để có nụ cười hồn nhiên, trong trẻo ấy là sự gian nan khó nhọc của ông bà, bố mẹ thai nghén, chăm sóc, dưỡng nuôi suốt bao năm tháng đến bạc cả mái đầu. Động từ “in” làm tô đậm công ơn to lớn của đấng sinh thành để các em suốt đời ghi lòng, tạc dạ mà hiếu thảo chăm ngoan.

Giữa muôn màu rực rỡ, vui rộn của mùa Xuân, bé chính là bông hoa tươi đẹp nhất, một thiên thần mang niềm vui lớn nhất cho tất thảy mọi tổ ấm trên thế gian. Vì thế, mùa Xuân càng thêm hương, thêm sắc, thêm nồng nàn vị ngọt của yêu thương. Khổ thơ cuối cùng vừa khái quát vẻ đẹp của bé, vừa khẳng định giá trị hạnh phúc mà bé mang đến cho mùa Xuân, cho gia đình. Điều ấy sẽ cổ vũ, khích lệ tinh thần cho các em nhỏ vươn lên trong học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Cảnh vật mùa Xuân là khởi sắc của một năm mới an vui, no đủ, còn bé là ánh hào quang của hạnh phúc, của niềm tin, ước mơ và hy vọng, là động lực cố gắng của những người mẹ, người cha trong cuộc sống này.

Chỉ bằng vài nét chấm phá như ánh mắt, nụ cười, giọt sương và mai đào mà bức tranh cả bé và mùa Xuân hiện lên thật sống động, tươi vui và thiêng liêng biết mấy. Bởi tác giả đã khéo léo lồng ghép đan xen vào nhau, khéo chắt lọc từ ngữ đặt để vào từng câu thơ.

Sự tinh tế ấy đã kích thích người đọc liên tưởng rồi trầm trồ, thán phục trước vẻ đẹp kỳ diệu của mùa Xuân. Họ hiểu bé chính là mùa Xuân của cha mẹ, của thầy cô như nắng ấm của Mặt trời làm muôn loài bừng lên sức sống. Ở đâu có bé là ở đó có mùa Xuân:

“Bé vào lớp học

Xuân ùa vào theo”.

Lê Thị Xuân (Giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Lộc Hà, Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-nhung-phep-nhiem-mau-post719667.html