Đến với không gian mùa lễ hội

Dinh Thầy Thím Tam Tân thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1997. Đến năm 2022, với những bước phát triển trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng và khách thập phương, Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch quyết định công nhận lễ hội Dinh Thầy Thím là 'Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia'.

Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nội dung mang nhiều yếu tố tích cực, đề cao tính nhân văn, sống hiếu nghĩa, thiện tâm, cao cả…

Nghinh rước sắc phong và bằng công nhận di tích về dinh Thầy Thím. Ảnh: N. Lân.

Nghinh rước sắc phong và bằng công nhận di tích về dinh Thầy Thím. Ảnh: N. Lân.

Thiết chế lễ hội ở đây tập trung ở hai nhân vật truyền thuyết là Thầy: “Chí đức Tiên sinh, tôn Thần” và Thím: “Chí đức Nương nương, tôn Thần”… biểu trưng cho lòng nhân ái, khí tiết, cứu nhân độ thế đã sâu nặng trong lòng người dân địa phương. Cũng từ lòng sùng kính uy linh Thầy Thím, lễ hội đã thể hiện sự tri ân tiền nhân dày công khai mở vùng đất mới Tam Tân. Từ xưa người dân địa phương chung tay lập đền thờ tại nơi Thầy Thím tạ thế trong khu rừng dầu Bàu Cái và chọn ngày 15 tháng 9 (âm lịch) làm ngày giỗ- Tế thu cúng Thầy cũng là lễ vía Thành hoàng.

Hàng năm Dinh Thầy Thím tổ chức 2 kỳ lễ lớn: Lễ Tảo mộ (nhằm ngày mùng 5 tháng giêng) và lễ tế thu cúng Thầy (từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 9 âm lịch) tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Lễ hội diễn ra trong không khí long trọng, tôn vinh nét đẹp văn hóa của vùng đất này.

Tập tục cúng tế là tín ngưỡng dân gian, một sinh hoạt tâm linh truyền thống, dù có những thay đổi về hình thức nhưng vẫn bảo tồn được không khí linh thiêng và khơi dậy lòng nhân ái. Trong phần nghi thức có những nội dung cơ bản của nghi lễ cúng tế đình làng. Phần lễ chính là lễ Thỉnh sắc, lễ Tĩnh sanh, lễ Túc yết, lễ Tiền hiền, Hậu hiền… Nhưng với Dinh Thầy Thím, lễ Thỉnh sắc được thay bằng lễ Nghinh thần với nghi thức thỉnh linh Thầy Thím từ mộ cách dinh theo đường vòng (nay đã tráng nhựa) khoảng trên 3 cây số. Trước khi nhập điện thờ tại dinh, đoàn xe kiệu hoa, hương án đi qua làng Tam Tân nơi xưa Thầy Thím đã có thời gian sinh sống và làm việc thiện cứu giúp dân nghèo. Lễ nhập điện an vị không chỉ diễn ra với những nghi lễ trang trọng mà còn có những tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân gian như chèo bá trạo, tuồng cổ, hò vè. Tiếp theo là những nghi lễ khác cũng quan trọng như: Cúng ngọ, phát lộc, phóng sinh, giỗ Tiền hiền. Đêm khai hội đầy sắc màu văn hóa dân gian, trở thành một phần hội hoành tráng nhất trong chuỗi lễ hội. Nghi thức lễ trang trọng bắt đầu từ lễ dâng hương tri ân công đức Thành hoàng, Tiền hiền Hậu hiền với mục đích giáo dục lòng yêu quê hương, sống đạo nghĩa, tỏ lòng biết ơn các bậc tiền bối cũng như tạo điểm nhấn văn hóa thu hút du khách. Chương trình sân khấu hóa về sự tích Thầy Thím được tái hiện trong đêm khai mạc lễ hội; mô hình giới thiệu cuộc đời và công đức của Thầy Thím; quầy khám chữa bệnh và cấp phát thuốc đông y miễn phí; giới thiệu những kỹ năng đóng thuyền, đẩy thuyền ra biển của Thầy. Những địa danh gắn với truyền thuyết như Bàu Thông, Bàu Cái, Đường Ván, tượng Bạch Hổ, Hắc Hổ, nhà ông Hộ Hai…được miêu tả bằng những nội dung, hình thức mang ý nghĩa sống nhân đạo, giàu đức hạnh của con người.

Rạng ngày 16 tháng 9 (âm lịch) lễ Thỉnh sanh/Tĩnh sanh bắt đầu bằng việc dâng cúng một con heo sống có bộ lông trắng để làm lễ vật đặt trước bàn hội đồng mang ý nghĩa tế thần. Tiếp đó là lễ Túc yết, con heo được thọc tiết, lấy ra một ít huyết và một nhúm lông heo để tế lễ, theo lệ xưa ước nguyện, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân cư an lạc. Nhưng ở đây còn có tính chất chiêm bái truyền thống (Thầy Thím). Qua ngày hôm sau thì các phẩm vật cúng lễ được chế biến thành nhiều món mặn cho đến hết chiều 16/9 với nghi thức lễ “Tạ thần cung cúc bái” và cũng là lễ “Tiền hiền Hậu hiền” để tưởng nhớ các vị có công với làng mang ý nghĩa “Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ”.

Nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống phục vụ ngành du lịch, thị xã La Gi tổ chức Lễ hội Văn hóa-Du lịch Dinh Thầy Thím đúng dịp lễ Tế thu. Bên cạnh những nghi thức tế lễ và những hoạt động của phần hội theo truyền thống, còn có thêm nhiều hoạt động gắn liền việc phục vụ nhu cầu tham quan của du khách cũng như quảng bá tiềm năng ngành du lịch thị xã La Gi và khu vực. Các trò chơi dân gian, thể thao ngoài trời như diễu hành xe hoa, múa lân-sư-rồng, võ thuật cổ truyền, hát chèo bá trạo, thi gánh cá, bơi thúng chai trên biển, bóng chuyền bãi biển, kéo co… tạo nên không khí sống động của ngư dân trong ngày hội, diễn ra tại khu thắng cảnh du lịch Ngảnh Tam Tân. Đây cũng là dịp cho các cửa hàng ẩm thực, chợ hải sản Tam Tân phô bày, giới thiệu đặc sản giàu hương vị với khách hành hương và du lịch.

Mở đầu mùa Lễ hội Văn hóa - du lịch Dinh Thầy Thím là lễ Nghinh Thần vào sáng ngày 14 tháng 9 (âm lịch) được tổ chức quy mô, hoành tráng tại khu mộ Thầy Thím thuộc cánh rừng Bàu Thông. Đúng 5g 30 sáng, sau động tác cung kính, Ban tế lễ thực hiện nghi thức lễ vái xin thỉnh linh Thầy Thím về dinh nhập điện. Đoàn thỉnh linh chính thức rời miếu thờ mộ Thầy Thím với dàn lộng hoa, kiệu hương án, cờ hội và nối đuôi là đội lân-sư-rồng, lễ nhạc, lính lệ trong lễ bộ binh khí cùng các vị bô lão, trưởng thượng của làng. Đoàn rước linh với lễ phục chỉnh tề đi trên con đường quanh co ngang qua các mảnh vườn cây trái, thanh long và ruộng nước dưới không gian đậm sắc trời thu thanh bình trong tiếng chiêng trống, nhạc lễ trang nghiêm. Đoàn kiệu nghinh Thần đến tới cổng tam quan dinh cũng là lễ nhạc vang lên hòa cùng nhịp điệu của đội hình hò bá trạo đã tạo nên một không khí nghênh tiếp thật hoành tráng trước sự ngưỡng mộ, thành kính của người dân địa phương và khách thập phương.

Khi lễ nhập điện an vị linh Thần hoàn tất cũng là lúc cửa dinh rộng mở đón khách đến chiêm bái, cúng lễ kéo dài đến các ngày sau. Không những chỉ có các ngày giữa tháng 9, mà vẫn còn nhiều khách từ xa rải rác đến dinh để tạ ơn, cầu phúc lộc, bình an… cho nên mới gọi là mùa hội vía dinh Thầy Thím.

Vẫn trên nền đất dinh từ thuở đầu giữa khu rừng già, u tịch xa cách với làng chài Tam Tân. Nay trong khuôn viên còn sót lại những gốc cổ thụ cây dầu lông, gốc đa, cây sắn và gần hơn là gốc me, cây sanh… như dấu tích của ngày xưa. Khó mà hình dung hình ảnh mái dinh lợp tranh vách ván với sườn gỗ cây rừng. Dù với kiểu dáng kiến trúc với họa tiết trang trí cột, điện thờ mang nét tín ngưỡng xưa từ các vùng miền, hội tụ ở đây làm nên bức tranh đặc sắc của thời khai hoang.

PHAN CHÍNH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/den-voi-khong-gian-mua-le-hoi-124825.html