Đèo Bảo Lộc sạt lở, giao thông hoàn toàn tê liệt
Đại diện Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết đèo Bảo Lộc bị sạt lở nghiêm trọng từ 0 giờ ngày 8-8, đến 9 giờ sáng 9-8 mới thông suốt.
Theo đó, ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết do đêm 8-8, tỉnh Lâm Đồng xuất hiện mưa lớn nên đã xảy ra tình trạng sạt lở.
Đoạn sạt lở nằm trên đèo Bảo Lộc, thuộc quốc lộ 20, đoạn qua TP Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) khiến giao thông tê liệt hai chiều hàng chục km.
Chị Nguyễn Thị An, nhà dưới chân đèo Bảo Lộc cho biết hiện tại trời vẫn đang mưa và vẫn còn xảy ra tình trạng kẹt xe từ chân đèo Bảo Lộc đến ngã ba Hà Lâm (huyện Đạ Huoai). Hiện có rất nhiều xe khách, xe tải bị kẹt trên đoạn đường này, các tài xế, hành khách đều mệt mỏi.
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, xe khách Thành Bưởi đã phải thông báo đến hành khách về việc thay đổi lộ trình tuyến. Vì vậy, tất cả chuyến xe Thành Bưởi từ TP.HCM - Đà Lạt sẽ di chuyển theo hướng quốc lộ 55 đường Bình Thuận xuyên qua quốc lộ 1A. Hiện các xe khách của Thành Bưởi đang dính kẹt xe thì chưa thể di chuyển được. Đối với các xe khác, khởi hành giờ sau Thành Bưởi sẽ linh động đổi lộ trình di chuyển theo hướng Bình Thuận nên sẽ xảy ra tình trạng chậm trễ.
Cụ thể, vụ sạt lở đó khiến giao thông bị kẹt xe nghiêm trọng từ 0 giờ ngày 9-8 nhưng phải đến 9 giờ, giao thông mới ổn định. Đèo Bảo Lộc bị sạt lở nhiều điểm khiến một xe khách loại 50 chỗ và một xe con bảy chỗ bị đất trên cao rơi xuống hất văng xuống vực. Rất may đoạn đường này có nhiều cây rừng và bụi tre chặn lại.
Hiện nay chưa thể thống kê thiệt hại về người, lực lượng chức năng TP Bảo Lộc kết hợp với huyện Đa Huoai (Lâm Đồng) đang nỗ lực giải phóng mặt bằng.
"Đoạn đường QL 20 thuộc quyền quản lý của Chi cục Quản lý đường bộ IV.1, thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Hiện đơn vị này đang tiến hành rà soát lại toàn bộ tà luy dương trên tuyến đường huyết mạch do Chi cục Quản lý" - ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng.
Trước đó, ngày 19-6, quốc lộ 20 đoạn đèo Bảo Lộc bị sạt lở khiến kẹt xe kéo dài hơn 20 km.
Ông Bùi Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục 4.1 thuộc Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết tình trạng sạt lở ở đèo Bảo Lộc trên quốc lộ 20 diễn ra khá bất ngờ.
Đặc thù của địa bàn miền núi thì các tuyến đường như quốc lộ 20 được coi đây là địa bàn xung yếu, trong đó đèo Bảo Lộc thuộc Công ty CP BOT quốc lộ 20 quản lý, nâng cấp và bảo trì.
Trường hợp xuất hiện mưa lớn, thường xuyên gây sạt lở thì chi cục sẽ yêu cầu đơn vị khai thác tiến hành kiểm tra, giám sát. Đèo Bảo Lộc cũng có một số địa điểm xung yếu, tuy nhiên điểm sạt lở không nằm trong vị trí đó. Mỗi khi xuất hiện mưa bão, Chi cục sẽ phát hành công điện cho Công ty CP BOT quốc lộ 20 tiến hành trực gác trên quốc lộ 20 nói riêng và các tuyến đường xung yếu khác.